Ngày 01/7/2025, ĐHQG-HCM tổ chức Talkshow “Khách mời của ĐHQG-HCM” lần thứ tư 4 với chủ đề “Công nghệ kết nối tương lai”. Trường ĐH Công nghệ thông tin là đơn vị đăng cai tổ chức.
Chương trình có sự góp mặt của nhiều diễn giả tiêu biểu trong và ngoài nước như TS Phạm Hy Hiếu – chuyên gia Trí tuệ nhân tạo tại xAI Corporation (Hoa Kỳ); TS Quy Võ-Reinhard – CEO Genorare B.V. (Hà Lan); TS Nguyễn Hoàng Giáp – Giám đốc Công ty VAS; TS. Lê Khánh Duy – chuyên gia Tương tác người – máy; TS Vi Chí Thành – giảng viên Trường ĐH Quốc tế và Nhạc trưởng Trần Nhật Minh – Giám đốc nghệ thuật Saigon Festival Orchestra, giảng viên Nhạc viện TP.HCM. Các diễn giả là những gương mặt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và nghệ thuật, nhiều người trong số đó từng học tập, giảng dạy tại các đơn vị thành viên của ĐHQG-HCM.

Công nghệ định hình tương lai nhân loại
Phát biểu tại chương trình, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin nhấn mạnh, talkshow là dịp để sinh viên cùng nhau khám phá, học hỏi và mở rộng hiểu biết về lĩnh vực công nghệ đầy sôi động. Trong thế kỷ 21, công nghệ đang định hình tương lai của nhân loại và đối với thế hệ trẻ, việc nắm bắt và làm chủ công nghệ là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Đây cũng là dịp để các bạn sinh viên lắng nghe những câu chuyện thực tế, đón nhận lời khuyên giá trị từ các khách mời dày dạn kinh nghiệm nhằm định hình con đường phát triển tương lai”, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang chia sẻ.

Mang lại nhiều trải nghiệm về công nghệ
Tại Chương trình, TS Nguyễn Hoàng Giáp giới thiệu sản phẩm robot công nghiệp phát triển từ đồ án môn học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ứng dụng nền tảng điều khiển robot công nghiệp. Sản phẩm đã được triển khai thực tế tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong ngành thực phẩm và công nghệ. TS Giáp kỳ vọng sinh viên sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo ngay từ môi trường đại học.

TS Vi Chí Thành trình bày sản phẩm đo sóng não di động, sử dụng cảm biến đặt tại trán và thái dương để ghi nhận tín hiệu, phân tích bằng AI và điều khiển trò chơi qua trạng thái tinh thần. Công nghệ này mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng trong điều khiển robot, phương tiện giao thông và thiết bị thông minh dựa trên tín hiệu não bộ.
TS Lê Khánh Duy chia sẻ giải pháp thực tại ảo giúp tái hiện sinh động không gian bảo tàng. Người dùng đeo kính VR để trải nghiệm không gian cung điện được phục dựng từ phù điêu, màn trướng, kết hợp máy phát mùi tạo cảm giác chân thật. Giải pháp mang đến trải nghiệm đa giác quan, tăng tính hấp dẫn cho du khách.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh cho rằng AI và âm nhạc có thể kết hợp để tạo nên sản phẩm sáng tạo, nhưng AI không thể thay thế yếu tố cảm xúc, nhân văn trong nghệ thuật. Anh khuyến khích sinh viên phát triển AI mang tính nhân bản, biết cân bằng giữa công nghệ và cảm thụ nghệ thuật. Đồng thời, TS Phạm Hy Hiếu và TS Quy Võ-Reinhard kết nối trực tuyến với sinh viên, nhấn mạnh vai trò then chốt của sự sáng tạo trong việc làm chủ tương lai, dấn thân hành động và đóng góp tích cực cho xã hội.

Chuỗi talkshow “Khách mời của ĐHQG-HCM” là diễn đàn giao lưu giữa sinh viên với các diễn giả uy tín, nhằm lan tỏa tinh thần trách nhiệm cộng đồng, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước. Chương trình khởi động từ quý IV/2024, tổ chức tại ĐHQG-HCM và các cơ sở đào tạo thành viên. Ba số đầu tiên lần lượt mang chủ đề: “Tầm nhìn khởi nghiệp – Trách nhiệm cộng đồng” (7/11/2024), “Động lực kiến tạo tương lai” (6/12/2024) và “Thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (21/3/2025), đã thu hút đông đảo sinh viên, học sinh tham dự trực tiếp và theo dõi trực tuyến trên trang chính thức của ĐHQG-HCM.
KHẮC HIẾU
Hãy là người bình luận đầu tiên