Tin tổng hợp

Hạn mặn “bao vây” ĐBSCL: Không thể chờ “vĩ mô”

  • 13/05/2016
  • Đó là quan điểm được các chuyên gia đồng tình tại buổi tọa đàm “Hạn mặn ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, Phòng Quản lý Khoa học Dự án (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM) tổ chức vào sáng 11/5.

    Tham dự buổi tọa đàm có 20 thành viên, là những chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, nhân học, văn hóa học ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. 
    Không thể đổ hết cho Trung Quốc

    GS Chung Hoàng Chương (Khoa Á Mỹ học, Đại học San Francisco, thành viên Tổ chức Sông ngòi Quốc tế và Ủy ban kết nghĩa TP.HCM - San Francisco) mở đầu buổi tọa đàm bằng báo cáo tổng thể về hạn mặn đã và đang xảy ra ở châu Á, Đông Nam Á và ĐBSCL. Báo cáo của GS Chương nêu bốn vấn đề chính: (1) Biến đổi khí hậu và dòng Mekong; (2) Ảnh hưởng của xâm nhập mặn, (3) Đối mặt với những thách thức, (4) Các nỗ lực làm giảm nhẹ hạn mặn.

    GS Chương cho biết: “Các đồng bằng lớn, các con sông lớn ở nhiều quốc gia trong khu vực đều gặp khó khăn như mình và họ cũng đang tìm giải pháp”. Tuy nhiên, tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL là vấn đề cấp bách, bởi ngoài yếu tố tự nhiên thì chính mục đích “giữ nước” và việc xây dựng hàng loạt đập thuỷ điện của các nước thuộc khu vực thượng nguồn sông Mekong đã đẩy hạn mặn ở ĐBSCL lên mức ngày càng trầm trọng.

    Theo GS Chương, “không thể đổ hết cho Trung Quốc được”. Ông cho rằng, có hai nguyên nhân đến từ tự nhiên và con người gây nên hạn mặn. Trong đó đặc biệt là nguyên nhân con người, khi chúng ta khai thác quá nhiều và mất cân đối nên nước mặn đã “bao vây” ĐBSCL. “Do mình và vì thế phải tự mình cứu lấy mình bằng việc bảo tồn nguồn nước, áp dụng nông nghiệp “khôn ngoan” như nuôi tôm, trồng lúa chịu mặn… Và các chuyên gia cùng ngồi lại với nhau để tìm những giải pháp thích hợp nhất” - Ông Chương đề xuất.

    GS Chung Hoàng Chương cũng cho biết các quốc gia trên thế giới đã ứng phó với tình trạng hạn mặn bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ Sri Lanka giúp người dân giữ nước mưa; Bali sử dụng mô hình “subak” làm chậm dòng chảy, cho nước chảy từ từ trên thượng nguồn xuống hạ nguồn; Ấn Độ dùng các hồ chứa nước ngọt có màn che để tránh bốc hơi, hay như Hà Lan làm hệ thống đê chống mặn xâm nhập…

    Chia sẻ về những giải pháp này, GS.TS Ngô Văn Lệ (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia) cho rằng Việt Nam không thể làm theo Hà Lan vì điều kiện tự nhiên khác biệt và vì xây dựng hệ thống đê quá tốn kém. Theo ông, thay vì “vẽ ra tương lai tươi đẹp” thì “nên khai thác triệt để kinh nghiệm địa phương, người dân đã sống bao đời ở đây nên họ biết cách ứng phó”.

                      GS Chung Hoàng Chương cho rằng “không thể đổ hết cho Trung Quốc”.

    Người nông dân không đợi được nữa

    Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia), hiện nay hạn mặn được phân thành 5 cấp độ: toàn cầu, khu vực (6 quốc gia sông Mekong), vùng Tây Nam bộ, các tỉnh thành, người dân. TS Nguyên đặt câu hỏi: “Người dân không đợi được nữa, vậy hiện nay đối với Việt Nam, chúng ta nên tác động vào cấp độ nào sẽ có hiệu quả?”.

    Bạn Thu Hương - một học viên có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức phi chính phủ cho rằng: “Nên đi từ dưới lên, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thực hiện những mô hình thí nghiệm, sau đó nhân rộng mô hình này. Và cuối cùng là vận động chính sách để hỗ trợ”.

    Tuy nhiên, TS Trương Thị Kim Chuyên (Nguyên Hiệu phó Trường ĐH KHXH&NV) nhận xét cách làm của các tổ chức phi chính phủ hay nhưng sợ khó bền vững, việc nhân rộng hay vận động chính sách hỗ trợ càng khó. “Người dân có sự lựa chọn nhưng rất khó khăn bởi bị định khung bởi chủ thể khác. Và vị thế của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng bị tác động bởi chủ thể khác. Đây là một thực tế khó nói, một nghịch lý chưa có câu trả lời. Kiến thức môi trường thì có đó nhưng kiến thức đưa đến người có quyền lực để ra quyết định mới quan trọng” - TS Chuyên chia sẻ.

    TS Lương Bạch Vân (Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam) bày tỏ: “Người có kiến thức lại không có tiếng nói, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu đã xảy ra. Câu chuyện này chúng ta đã thảo luận và cảnh báo từ  năm ngoái. Bây giờ không thể chần chừ hơn nữa”.

    Điều các nhà khoa học trăn trở chính là làm sao để chính quyền các cấp, nhất là chính quyền địa phương ở ĐBSCL nhận thấy rằng nếu chậm trễ trong việc giảm thiệt hại và thích ứng với hạn mặn thì hàng triệu đồng bào ở khu vực này sẽ bị nghèo hóa. “Bên cạnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hạn mặn còn có thể dẫn đến di cư, mất đi hệ sinh thái và văn hóa con người” - PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết (Khoa Việt Nam học - Trường ĐH KHXH&NV) dự báo.

    TS Nguyễn Nhã (Trưởng Đề án Bếp Việt) đề nghị tập hợp các chuyên gia cùng ngồi lại với nhau, thành lập một trung tâm kết hợp với các tỉnh ở ĐBSCL để tìm các giải pháp thích hợp nhất.

                      TS Trương Thị Kim Chuyên băn khoăn về vị thế của những nhà khoa học.

    Không chờ “vĩ mô”, làm đến đâu hay đến đó

    PGS.TS Bùi Xuân An (Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ : “Chúng ta làm được cái gì thì làm, đến đâu hay đến đó chứ không thể ngồi chờ ‘vĩ mô’ được nữa”. Ông An cho rằng cần gắn với doanh nghiệp để hình thành mối liên kết ba bên (nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp) cùng có lợi. “Không thể vay tiền nước ngoài làm nữa, đừng quá mong đợi người khác mà tự ta phải cứu chúng ta” - PGS.TS Bùi Xuân An nhấn mạnh.

    Tổng kết buổi tọa đàm, GS Chung Hoàng Chương cho rằng cần thành lập một trung tâm lưu trữ dữ liệu biến đổi khí hậu và hạn mặn. Trung tâm này sẵn sàng tư vấn cho nông dân, tận dụng công nghệ để giáo dục, truyền thông đến từng người dân.

    Các chuyên gia thống nhất về 4 điểm: (1) Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào việc xả nước rửa mặn của các nước thuộc khu vực thượng nguồn sông Mekong; (2) Đẩy mạnh liên kết địa phương và khu vực; (3) Tận dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giúp người dân ĐBSCL và (4) Cần một “nhạc trưởng” cho các nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này.

    Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học cần đóng góp tiếng nói nhiều hơn nữa trong việc tìm ra các giải pháp ứng phó với hạn mặn, dù có thể đó chỉ là việc “trồng thêm một cái cây” như TS Đỗ Ngọc Quỳnh - Trường Đại học Cần Thơ phát biểu.

                                            Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm sáng 11/5.

                                                                                                                                         Bài, ảnh: Đức Lộc

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên