Cổng thông tin việc làm

Hội quán Khoa học - Không gian học thuật tiện ích

  • 16/10/2020
  • Thời gian qua ĐHQG-HCM không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu… Trong đó, sự ra đời của Hội quán Khoa học Trường ĐH KHTN ĐHQG-HCM đã mở ra không gian học thuật rất tiện ích cho sinh viên, giảng viên.

    Toàn cảnh Hội quán. Ảnh: ÁNH TRINH

    Hội quán Khoa học tọa lạc tại tầng hầm Nhà Điều hành Trường ĐH KHTN (cơ sở 2) với 100m2, được chia thành hai không gian, phòng họp và cà phê sách. Đây là Công trình thanh niên của Đoàn Trường ĐH KHTN.

    Thu hút 38.400 lượt giảng viên, sinh viên   

    Từ khi thành lập (tháng 3/2018) đến nay, Hội quán Khoa học thu hút 38.400 lượt giảng viên, sinh viên trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, trung bình có 200 lượt sinh viên/ngày (thứ Hai - thứ Sáu) và 100 lượt sinh viên (thứ Bảy, Chủ nhật) đến sinh hoạt và trao đổi học thuật.

    Theo anh Nguyễn Văn Tịnh - Bí thư Đoàn Trường ĐH KHTN, Trưởng Ban điều hành Hội quán Khoa học, Hội quán nhằm hỗ trợ không gian học tập, trao đổi học thuật, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và hình thành tư duy khởi nghiệp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Hội quán còn là nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu của trường, các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên…

    Hội quán thường xuyên tổ chức các chương trình, hội thảo hỗ trợ sinh viên nâng cao kỹ năng học tập, trình độ ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, định hướng nghề nghiệp. Hội quán còn trang bị các đầu sách cho sinh viên có thể mượn về hoặc đọc tại chỗ như sách kỹ năng, sách về sáng tạo… Ngoài ra, dịch vụ cà phê ở Hội quán vừa tạo nguồn thu để duy trì hoạt động, vừa góp phần xây dựng quỹ Hỗ trợ Khởi nghiệp và tạo thêm việc làm cho một số sinh viên của trường.

    “Từ khi hoạt động, các bạn sinh viên và thầy cô trong trường có thêm một không gian đẹp mắt, yên tĩnh và ‘xanh’ để học tập, trao đổi, thảo luận nên đa phần rất hào hứng. Các cơ sở Đoàn - Hội, câu lạc bộ/đội/nhóm có thêm một địa điểm để tổ chức hội họp, sinh hoạt. Hội quán nhận được phản hồi tích cực từ thầy cô và sinh viên, một vài góp ý nhỏ về cơ sở vật chất đều được chúng tôi tiếp thu và cải thiện nhanh chóng” - anh Nguyễn Văn Tịnh cho biết.

    Nói về trải nghiệm của mình tại Hội quán Khoa học, bạn Nguyễn Thị Như Thảo - Khoa Công nghệ Sinh học Trường ĐH KHTN, chia sẻ: “Đến với Hội quán mình ấn tượng bởi sự sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh. Mình thích nhất là dịch vụ đồ uống ở đây. Ngoài ra, Hội quán còn giúp ích cho mình rất nhiều trong học tập như wifi miễn phí, không gian để làm việc nhóm hiệu quả…”.

    Bạn Lê Ngọc Long - Khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN, cho biết: “Mình ghé Hội quán khoảng 2-3 lần/tuần, thường vào buổi trưa sau khi tan học. Đến đây, mình hay lướt web để thư giãn, học bài hoặc nghiên cứu tài liệu. Cơ sở vật chất ở đây rất tốt, tuy nhiên vào giờ cao điểm thì không gian hơi chật. Vì vậy điều mình muốn Hội quán cải thiện là tìm giải pháp giảm tải vào giờ cao điểm”.

    Sinh viên đến Hội quán để học nhóm. Ảnh: ÁNH TRINH

    Không gian học tập hiện đại

    Như một thói quen vào mỗi sáng, ThS Phùng Lê Cang - Phó Trưởng phòng Quản trị thiết bị Trường ĐH KHTN đều uống cà phê ở Hội quán Khoa học, gặp gỡ các đồng nghiệp trao đổi một số công việc trước khi làm việc.

    “Tôi nhận thấy Hội quán đáp ứng nhu cầu của sinh viên ngoài giờ học như thư giãn, họp nhóm… với điều kiện Internet tốt, giá đồ uống không quá cao so với bên ngoài. Nơi đây, các bạn sinh viên được tham khảo tài liệu sách vở do Hội quán trang bị và có hẳn một căn phòng riêng để tự do sinh hoạt cùng nhau trong quá trình tìm ý tưởng mới. Tuy nhiên, không gian này không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của sinh viên, hy vọng Hội quán sẽ có thêm không gian mở phía bên ngoài” - ThS Phùng Lê Cang chia sẻ.

    Còn ThS Trần Quốc Phong - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, cho rằng Hội quán là một không gian học tập hiện đại, sinh hoạt lý tưởng dành cho sinh viên, tạo nên điểm nhấn riêng cho Trường ĐH KHTN. “Tủ sách Hội quán rất cần sự giúp đỡ của các đơn vị tài trợ để dồi dào hơn về số lượng và đa dạng hơn về nội dung. Tôi mong muốn Hội quán đầu tư, mở rộng thêm nhiều mô hình nữa” - ThS Trần Quốc Phong nói.

    Có được thành công như ngày nay, Hội quán Khoa học đã phải trải qua nhiều khó khăn. Một trong số đó là thời gian thực hiện công trình bị kéo dài. “Việc lên ý tưởng đề án từ năm 2014, tuy nhiên để thực hiện cần phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, tìm nguồn lực, vận động tài trợ, rồi xin phê duyệt chủ trương vì kinh phí lớn… Chính vì vậy, mãi tới tháng 3/2018 Hội quán mới hoàn thiện” - anh Nguyễn Văn Tịnh chia sẻ.

    Trong quá trình hoạt động, Hội quán Khoa học nhận được sự giúp đỡ từ Ban thường vụ Đoàn Trường nhiệm kỳ VIII, IX; lãnh đạoTrường ĐH KHTN, Tập đoàn Hoa Sen (tài trợ 500 triệu đồng) và một số tổ chức khác như VietHop, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo ĐHQG-HCM.

    Trong thời gian tới, Hội quán Khoa học tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời tổ chức các buổi chia sẻ ý tưởng, tạo sự liên kết đa ngành. Từ đó làm cầu nối với các doanh nghiệp để thực hiện một số sản phẩm mang thương hiệu trường, phục vụ tốt hơn nhu cầu của sinh viên và giới trẻ học đường.

    ÁNH TRINH - MINH HẠNH (Bản tin ĐHQG-HCM số 202)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên