Khoa học công nghệ

Sinh viên Bách Khoa vào Top 5 cuộc thi khởi nghiệp do Đức tổ chức

  • 28/11/2021
  • Ngày 23/11, dự án của nhóm sinh viên BK TENG đến từ Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM được lựa chọn vào Top 5 tiến đến vòng chung kết của cuộc thi GBA Business Challenge 2021.

    GBA Business Challenge 2021 là cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức bởi Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và Trường ĐH Việt Đức. Cuộc thi hướng đến mục tiêu trở thành cơ hội cho các ý tưởng kinh doanh thú vị từ cộng động người trẻ Việt Nam và được hiện thực hóa. 

    Nhóm BK TENG tham gia GBA Business Challenge.

    Nhóm BK TENG gồm các sinh viên: Lê Hoàng Minh, Trần Duy Khang, Nguyễn Hoàng Gia Huy, Đỗ Nguyễn Chi Mai, Bùi Đức Nghị, Lê Văn Trí, Giang Quốc Phong, Lâm Hoàng Vĩnh Khang đến từ nhiều chuyên ngành học của Trường ĐH Bách Khoa đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển sản phẩm thảm tích trữ điện được tích hợp vào sàn gỗ. Tên chính thức của sản phẩm là “Triboelectric nanogenerator carpet” (thảm TENG).

    Xuất sắc vượt qua các vòng thi đầy thử thách và hơn 60 đội thi khác đến từ các trường đại học trên toàn quốc, TENG được lựa chọn là dự án nằm trong Top 5 tiến vào vòng chung kết trình bày dự án trước Ban giám khảo từ Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức DAAD và Trường Đại học Việt Đức.

    Ý tưởng này xuất phát từ bối cảnh nguồn năng lượng điện thiếu hụt cho nhu cầu sinh hoạt cũng như trong vận hành nhà máy, công xưởng phục vụ sản xuất là cực kì cấp bách. Thiết bị thu hồi điện từ bước chân hoạt động trên nguyên tắc của máy phát điện nano (TENG) khai thác điện thế tĩnh điện được hình thành khi tiếp xúc giữa bề mặt của 2 vật liệu có ái lực electron khác nhau, chuyển đổi năng lượng cơ học thành năng lượng điện có thể sử dụng được. 2 bề mặt vật liệu tiếp xúc và tách ra tạo nên hiện tượng nhiễm điện dương ở một bề mặt vật liệu và nhiễm điện âm ở bề mặt vật liệu còn lại. Việc lựa chọn vật liệu ứng dụng cho TENG cũng vô cùng đa dạng. Vật liệu cách điện hay càng kém dẫn điện thì tạo nhiễm điện ma sát càng lớn.

    TENG có nhiều ưu điểm như chế tạo đơn giản, gọn nhẹ, mềm dẻo, độ bền lâu dài, sử dụng được nhiều loại vật liệu, và hiệu suất thu năng lượng cao. Đặc biệt, TENG có hiệu suất cao hơn nhiều công nghệ thu năng lượng từ các nguồn dao động cơ học không ổn định có tần số thấp như chuyển động của con người, gió hay sóng biển.

    Máy phát điện nano ma sát BK TENG.

    Nguyễn Hoàng Gia Huy - trưởng nhóm BK TENG cho biết: “Trong nghiên cứu này, nhóm đã chế tạo TENG bằng phương pháp phân pha nâng cao, đổ khuôn chế tạo các màng nano convex polydimethylsiloxane (PDMS) mô phỏng cấu trúc tự nhiên của loài ong. Thiết bị của chúng tôi hoàn toàn mới giúp thu dao động từ bước chân con người chuyển hóa thành điện năng phục vụ cho đời sống thay thế năng lượng truyền thống. Sản phẩm của chúng tôi phù hợp và giải quyết vấn đề ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao”.

    Nhóm BK TENG được sáng lập bởi TS Bùi Văn Tiến, một chuyên gia về mảng khoa học vật liệu từ Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Hàn Quốc. Sau đó, nhóm gia nhập vào CLB Khởi nghiệp Xanh Bách Khoa (BKGI) và được TS Võ Thanh Hằng - chủ nhiệm CLB - hỗ trợ về phương hướng phát triển dự án. Qua nhiều lần được góp ý từ ban cố vấn, nhóm BK TENG có nhiều bước tiến trong việc hoàn thiện dự án để tham gia vào các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và khởi nghiệp. Hiện nhóm đang sở hữu phương pháp chế tạo cấu trúc nano tạo bề mặt ma sát độc quyền do TS Bùi Văn Tiến nghiên cứu phát triển, đã được cấp bằng sáng chế ở Mỹ.

    Sau hơn hai năm thành lập với các thế hệ thành viên tiếp nối nhau, nhóm BK TENG đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc như: giải Ba cuộc thi Eureka - Sinh viên nghiên cứu khoa học 2019, Top 20 cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020, Top 5 đội vào chung kết Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ S&IP 2021, Top 5 đội vào chung kết GBA Business Challenge 2021.

    “Đối với nhóm, đây chỉ là thành công bước đầu trong quá trình chinh phục ước mơ khởi nghiệp và phát triển mảng năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thành tích top 5 ở S&IP và GBA 2021 đã cỗ vũ tinh thần tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và kinh doanh cho thành viên câu lạc bộ BKGI nói riêng và sinh viên kỹ thuật tại ĐH Bách Khoa nói chung” - Gia Huy chia sẻ thêm.

    BÚT THY

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên