Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Bật mí kinh nghiệm viết luận chinh phục học bổng của chính phủ Mỹ
Sinh viên ĐHQG-HCM

Bật mí kinh nghiệm viết luận chinh phục học bổng của chính phủ Mỹ

  • 27/09/2024
  • Trong số 19 sinh viên Việt Nam thành công chinh phục học bổng chính phủ Hoa Kỳ tại chương trình ngoại giao Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), 6 sinh viên đến từ ĐHQG-HCM đã tạo được nhiều ấn tượng bởi cách thức lựa chọn các dự án cộng đồng thiết thực.

    Website ĐHQG-HCM đã có cuộc gặp gỡ với đại diện nhóm sinh viên này để tìm hiểu về cách thức chọn chủ đề cho các dự án cộng đồng và bí quyết xây dựng một hồ sơ xin học bổng thành công.
     
    * Bùi Đặng Đăng Khoa - sinh viên Khoa Kỹ thuật hoá học, Trường ĐH Bách khoa

    Ưu tiên sự nhất quán

    Mình tin rằng, điểm nhấn trong hồ sơ của mình chính là độ nhất quán. Điều này được thể hiện thông qua việc nghiên cứu, học tập và hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ của mình. Tất cả đều liên quan chủ đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khi ứng tuyển phỏng vấn, mình còn nhấn mạnh mong muốn lan tỏa việc tận dụng những thứ tưởng chừng vô dụng để có thể tái chế nhằm thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt.
     
    Trong quá trình viết bài luận, mình viết như đang tự sự và ưu tiên cách triển khai tuyến tính. Tuy nhiên, mọi thành tích, trải nghiệm, học vấn đều phải được xâu chuỗi lại thành một câu chuyện cụ thể, có ý nghĩa và đảm bảo tính logic; đặc biệt phải liên quan mật thiết đến lĩnh vực đã lựa chọn trong chương trình.

    Đối với bài luận thuộc chủ đề về môi trường và cộng đồng, chúng ta hãy luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi, chia sẻ và đóng góp cho xã hội. Hy vọng rằng, trong khoảng học tập và trải nghiệm tại Mỹ sắp tới, dự án mà mình mang đến chương trình - “Chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng” sẽ được đánh giá mức độ khả thi và có thể góp phần hình thành chính sách kiểm soát phát thải khí CO2 thông qua sự cố vấn, phản biện và điều chỉnh của hội đồng trong chương trình

    * Huỳnh Thị Khánh Linh - sinh viên Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV

    Hãy kể những thông tin mà ta không thể điền trong biểu mẫu

    Mình đến với chương trình YSEALI bằng việc trình bày hành trình theo đuổi vấn đề giáo dục môi trường tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nam bộ. Dù chợ nổi giờ không còn quá sầm uất nhưng người dân sinh sống và làm việc tại mé sông vẫn rất phổ biến. So với những điều chúng ta được dạy trên trường “không được xả rác xuống sông”, hầu hết mọi người xung quanh mình đều làm ngược lại. Sự mâu thuẫn giữa thực tế và nội dung trong giáo dục đã khiến mình bắt đầu có nhiều suy nghĩ về vấn đề chất lượng giáo dục môi trường tại địa phương và nhà trường.

    Một trong những khó khăn mà mình gặp phải khi viết bài luận lại chính là phần giới thiệu về bản thân. Tuy nhiên, mình đã áp dụng một thao tác tư duy thú vị - tư duy như một người xa lạ. Mình tự hỏi: “Nếu Khánh Linh là một cô gái hoàn toàn chưa biết gì về bản thân, mọi người sẽ tò mò và bị thu hút bởi điều gì khi đọc hồ sơ và bài luận?”. Từ câu hỏi này, mình sẽ có thể xác định được chủ đề và thông tin nên trình bày trong hồ sơ. Điều này giúp cách viết của mình trở nên ấn tượng hơn.
     
    Ngoài ra, thư giới thiệu trong hồ sơ ứng tuyển học bổng quốc tế cũng là một phần rất quan trọng nhưng mọi người vẫn thường hay bỏ qua. Trong thư giới thiệu, hãy kể những thông tin mà ta không thể điền trong biểu mẫu và hồ sơ. Các ứng viên nên tận dụng mọi thứ để có thể giới thiệu và cho hội đồng tuyển chọn hình dung được màu sắc cá tính của chính mình.

    * Lê Tấn Điền - sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH KHXH&NV

    Kể về những “khoảng trống” của bản thân

    Tại chủ đề khác của chương trình YSEALI - “Thúc đẩy tinh thần công dân tích cực”, mình đã chinh phục được học bổng chính phủ Mỹ bằng câu chuyện và dự án về giới. Câu chuyện xoay quanh vấn đề bình đẳng và đa dạng giới; về việc đâu đó vẫn còn những trường hợp bị bị đối xử bất công vì giới tính, bản dạng giới lẫn xu hướng tính dục. Những điều đó có thể để lại nhiều vết sẹo trong lòng mỗi người. Mình trưởng thành với mong muốn có thể xóa nhòa những vết sẹo đó. Mình đã kể về những chặng đường tìm tòi, học hỏi, tham gia các khóa học và tập huấn về bình đẳng và đa dạng giới.

    Đối với mình, một trong những điều mà chúng ta thường quên kể đến chính là “khoảng trống” của chính mình. Một số bạn có thể sẽ lo sợ rằng khuyết điểm sẽ làm hồ sơ của mình không còn gây được ấn tượng nữa. Nhưng sự thật là các chương trình đều tìm những ứng viên phù hợp để đào tạo và phát triển. Vì thế, việc thể hiện bản thân mình có thể phát triển thêm là một yếu tố quan trọng trong bài luận.

    * Phạm Hoàng Gia Hảo - sinh viên khoa Quan hệ Quốc Tế, Trường ĐH KHXH&NV

    Kỹ năng mềm là điểm cộng “cực lớn”

    Mình đã chọn câu chuyện về người lao động ngoài trời, vốn được truyền cảm hứng từ chính ba của mình. Ba đã rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn suốt bảy năm qua, bán sức khỏe để đổi lấy cho mình cơ hội được ngồi trên giảng đường đại học. Hiện nay, những dự án và hoạt động của mình đang tập trung vào nhóm đối tượng lao động ngoài trời với mong muốn sẽ mang đến sự  tích cực và phần nào giúp đỡ được cộng đồng này.
     
    Về cách khiến hồ sơ ứng tuyển học bổng của bản thân trở nên nổi bật giữa hàng ngàn đơn đăng ký, có lẽ mình muốn nhấn mạnh một điều: Mỗi người đều là một phiên bản độc nhất. Nếu ta biết kết hợp các chất liệu khách quan với sự hình dung rõ nét về bản thân, chúng ta có thể chuyển tải đậm nét các tính cách, kỹ năng, mục tiêu và giá trị sống của bản thân cho hội đồng tuyển chọn.

    Ngoài ra, việc thể hiện các kỹ năng mềm như viết lách, ngoại ngữ, kỹ năng lãnh đạo; năng khiếu nghệ thuật cũng như thái độ chân thành, tự tin sẽ là  điểm cộng cực lớn trong quá trình giao lưu văn hóa xuyên suốt chương trình.

    Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam á (YSEALI) là chương trình của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á. Chương trình nhằm nuôi dưỡng một cộng đồng các nhà lãnh đạo làm việc xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề chung. Sau gần 2 tháng tuyển chọn, danh sách các ứng viên đạt học bổng được công bố vào ngày 2/7. Với 3 chủ đề: Thúc đẩy tinh thần công dân tích cực; Môi trường; Doanh nghiệp Xã hội và Phát triển kinh tế, người tham dự sẽ được tham gia các chuyến đi thực tế, tham quan, các bài tập phát triển kỹ năng… trong vòng 5 tuần tại 6 địa điểm khác nhau ở Hoa Kỳ. Dự kiến, chương trình sẽ kéo dài từ ngày 21/8-4/11.

    MINH QUÂN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên