Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
ĐHQG-HCM thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm
Khoa học công nghệ

ĐHQG-HCM thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm

  • 20/11/2021
  • Sáng 20/11, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã trao Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (Research Center for Infectious Diseases - RCID) trực thuộc Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM trao Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM.

    Đáp ứng hoàn cảnh cấp thiết

    Sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (RCID) đáp ứng hoàn cảnh cấp thiết về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Đặc biệt từ cuối năm 2019, cả thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19. Không chỉ gây ra hơn 250 triệu ca nhiễm và hơn 5 triệu ca tử vong cho nhân loại, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng đến tất cả các mặt của cuộc sống như việc làm, học tập, du lịch, giải trí, văn hóa, sức khỏe, kinh tế cũng như giao tiếp giữa người và người.

    Đây không phải là lần đầu tiên nhân loại đối mặt với những đại dịch nguy hiểm trên quy mô toàn cầu. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân… Khi có sức lây lan khó kiểm soát trên quy mô lục địa, toàn cầu, dịch bệnh sẽ trở thành đại dịch.

    Trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tốt để ứng phó thông qua công tác giám sát, tổ chức phòng chống dịch cũng như về chuyên môn kĩ thuật. Mặc dù có nhiều thành tựu lớn trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên nước ta vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn ngày càng phức tạp và nguy hiểm từ các bệnh dịch ngoại lai dễ lây lan đến Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa như bệnh cúm A, MERS-CoV, sốt vàng…

    “Bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2 là một minh chứng gần đây nhất cho cảnh báo ‘chúng ta chưa sẵn sàng’ để ứng phó nhanh với dịch bệnh và việc xuất hiện nhanh chóng của các biến chủng” - đại diện của Trường ĐH Quốc tế nhận định.

    Tầm nhìn và sứ mệnh

    RCID được thành lập sẽ góp phần kêu gọi nhiều nhà nghiên cứu, nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu cần được đẩy mạnh nhiều hơn tại Việt Nam. RCID sẽ trở thành một trong những Trung tâm nghiên cứu hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước. Trong dài hạn, Trung tâm RCID sẽ nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng sáng tạo và cung cấp các giải pháp công nghệ và dịch vụ nhằm ứng phó với dịch bệnh cho xã hội.

    RCID có sứ mệnh nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản đi đôi với nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm. Đây là một động lực góp phần nâng cao vị thế và khẳng định vai trò tiên phong của ĐHQG-HCM nói chung và Trường ĐH Quốc Tế nói riêng trong nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

    Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm hướng đến các mục tiêu trở thành đơn vị nghiên cứu mạnh từ nền tảng cơ hữu, cũng như thu hút hợp tác đa ngành trong nước và quốc tế về bệnh truyền nhiễm trên người và động vật. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện các nghiên cứu quản lý dữ liệu dịch bệnh, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng cơ chế gây bệnh, nghiên cứu ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ kit chẩn đoán, phát triển vaccine, kháng thể đơn dòng, thuốc điều trị ứng phó với các dịch bệnh như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, kí sinh trùng… trong hiện tại và tương lai.

    Trung tâm cũng hướng đến trở thành đơn vị hàng đầu trong các nghiên cứu thử nghiệm trên mô hình tế bào và động vật, có cơ sở vật chất phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu về tác nhân gây bệnh nguy hiểm. RCID cũng sẽ là một đơn vị uy tín trong chuyển giao công nghệ về kiểm soát, chẩn đoán, phòng ngừa, và điều trị bệnh truyền nhiễm, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của xã hội. Ngoài ra trung tâm sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu trong tập huấn, phổ biến kiến thức công nghệ cốt lõi trong nghiên cứu và ứng phó bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực chuyên môn của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực.

    Mục tiêu dài hạn

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết ĐHQG-HCM mong muốn trong giai đoạn 2021-2030, RCID sẽ phát triển trở thành đơn vị nghiên cứu xuất sắc về các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật trong khu vực Đông Nam Á. Trung tâm xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên môn trên 60 người, trong đó ít nhất 10 Giáo sư/Phó Giáo sư, 15 cán bộ có trình độ Tiến sĩ, và cơ sở vật chất hiện đại đủ chuẩn an toàn sinh học đáp ứng các nhu cầu về nghiên cứu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

    Trung tâm sẽ thu hút các hợp tác đa lĩnh vực, các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, là tiền đề cho việc hình thành hệ sinh thái về bệnh truyền nhiễm phức hợp hoàn thiện đầu tiên tại Việt Nam. Hệ sinh thái này kết hợp hài hòa với các cơ sở giáo dục, y tế, các doanh nghiệp, các công ty khởi nghiệp, truyền thông, cơ quan nhà nước… nhằm sáng tạo, cung cấp các giải pháp công nghệ và dịch vụ, tập huấn cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm ứng phó với dịch bệnh cho xã hội.

    Các mục tiêu dài hạn của Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm gồm:

    (1) Thực hiện các công trình nghiên cứu lớn, có chiều sâu trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm với các công bố quốc tế thứ hạng cao thuộc top 10% các tạp chí chuyên ngành.

    (2) Ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới và chủ động nghiên cứu các công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tiễn trong việc đối phó dịch bệnh tại thành phố và cả nước như: bộ dữ liệu quản lý các bệnh dịch phổ biến ở Việt Nam, bộ kit chẩn đoán bệnh tại chỗ kết hợp các nền tảng công nghệ đa lĩnh vực, vaccine hiệu quả trên người và động vật…

    (3) Thúc đẩy việc thành lập các startup công nghệ trong lĩnh vực khoa học sự sống nói chung và ứng phó với bệnh truyền nhiễm nói riêng, dựa trên việc chia sẻ công nghệ và hình thành các pilot sản xuất, dịch vụ theo công nghệ mới

    (4) Tập huấn để nâng cao nhận thức về dịch bệnh truyền nhiễm, phổ biến kiến thức cũng như chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng ứng phó với các dịch bệnh hiện tại cũng như trong tương lai cho các đối tượng cán bộ chuyên ngành trong và ngoài nước.

    LAI HOÀ

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên