Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
GS Phạm Phụ: Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính
Tin tổng hợp

GS Phạm Phụ: Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính

  • 07/02/2017
  • Tự chủ đại học (TCĐH) đang là một trong những là vấn đề nóng của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam. Vậy TCĐH nên hiểu chính xác như thế nào? Mức độ tự chủ ở các loại ĐH có khác nhau? Và vì sao TCĐH đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực? Bản tin ĐHQG-HCM xin giới thiệu nội dung trao đổi với GS Phạm Phụ - một chuyên gia GDĐH hàng đầu của Việt Nam - về các vấn đề trên.

    Giáo sư Phạm Phụ. Ảnh: Minh Châu

    * Thưa Giáo sư, hiện nay không chỉ các trường ĐH mong muốn TCĐH mà Thủ tướng, Bộ GD&ĐT… đều rất ủng hộ việc giao tự chủ cho các trường. Thế nhưng về cơ bản vẫn chưa có TCĐH đúng nghĩa. Vậy căn nguyên của vấn đề đang nằm ở đâu?

        - Đang nằm ở Bộ GD&ĐT và ở cả chính từ các trường ĐH. Nghe có vẻ hơi lạ một chút nhưng thực sự là như vậy.

    * Xin Giáo sư có thể nói rõ hơn?

        - Trước hết cần nói, TCĐH là thuộc tính vốn có của GDĐH, có tự chủ thì GDĐH mới phát triển được. Vì vậy nó là vấn đề phổ biến trên thế giới và ai ai cũng ủng hộ TCĐH cả. Nhưng việc chuyển giao quyền tự chủ lại là vấn đề chuyển giao quyền lực. Mà quyền lực thì, nói thực, ai cũng ham muốn cả. Đó là trở ngại trước tiên nếu nhìn về một phía. Nhưng cũng cần nhìn về phía khác, phía các trường ĐH. 

        TCĐH có nội dung rất rộng, một số nghiên cứu trên thế giới chia thành đến 7 nội dung: (1) Tự chủ về nghiên cứu và công bố (R&Pu), (2) Tự chủ về nhân sự (Staff), (3) Tự chủ về chương trình và giảng dạy (C&T), (4) Tự chủ về chuẩn mực học thuật (Ac.S), (5) Tự chủ về sinh viên (Stud), (6) Tự chủ về quản trị trường (Gov.), (7) Tự chủ về hành chính và tài chính (A&F). 

        Ở Việt Nam, khởi đầu về vấn đề tự chủ, lại là vấn đề tài chính. Các trường có chi phí đào tạo thấp nên có thể không nhận kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước (có quyền tăng học phí cao hơn), lại là những trường được tự chủ đầu tiên. Bạn có thấy không? Bắt đầu là các ĐH kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… Và cũng vì vậy, ở Việt Nam, nói TCĐH nhiều người nghĩ, chủ yếu là vấn đề “tự chủ tài chính” (!).

        Nhưng như tôi đã nói, nội dung TCĐH rất rộng, nhiều vấn đề không kém quan trọng so với tài chính. Cũng chính vì vậy, người ta giao tự chủ cho trường ĐH thực chất là giao cho hội đồng trường (HĐT) với trách nhiệm xã hội rõ ràng chứ không phải là giao cho hiệu trưởng. Cho nên trở ngại lớn tiếp theo là nhiều trường ĐH vẫn chưa có HĐT đúng nghĩa.

        Cũng cần nói thêm một tí. Có thể nói Bộ GD&ĐT là nơi rất thụ động trong việc tổ chức HĐT ở các trường ĐH nên chưa có những chế tài rõ ràng trong vấn đề HĐT. Mà đây lại là điều kiện có thể gọi là tiên quyết trong việc giao tự chủ cho các trường ĐH.

    * Theo Giáo sư, đâu là bản chất của HĐT để có thể xem nó là điều kiện tiên quyết cho việc giao quyền tự chủ? Và thế nào là một HĐT đúng nghĩa?

        - Đây là một câu hỏi hay nhưng rất khó trả lời trong phạm vi một bài phỏng vấn. Nhưng tôi sẽ cố gắng trả lời theo một cách đơn giản nhất.

        Ở nhiều tổ chức trong xã hội hiện đại như một nhà nước, một doanh nghiệp nhà nước, một công ty lớn, một tổ chức không vì lợi nhuận…, thường có vấn đề tách rời quyền sở hữu (QSH) và quyền sử dụng (QSD). 

        QSH bao gồm: quyền hưởng và định đoạt lợi ích; quyền chuyển nhượng và quyền sử dụng, khai thác. Chủ sở hữu ở những tổ chức này thường có dạng “chủ sở hữu mờ” hoặc “chủ sở hữu cộng đồng”, họ thường giao QSD cho người khác thực hiện, được gọi là “người được ủy thác” (Trustee). Do đó, ở đây cũng thường có hai cơ chế trong một tổ chức. Thứ nhất là cơ chế hội đồng (Board, Council), lập ra theo cách bầu chọn, là đại diện của các “nhóm lợi ích có liên quan” (Stakeholders), làm việc theo cách “ra quyết định” là những nghị quyết của tập thể hội đồng. Công việc chính của họ là “quản trị” (governance), là chọn việc đúng (doing the right things). Thứ hai là cơ chế thực thi (Executive), lập ra theo kiểu cử, tuyển; cách “ra quyết định” là những quyết định cá nhân, công việc chính của họ là “quản lý” (management), thực hiện một cách hiệu quả những việc lớn đã được hội đồng ra quyết định (doing the things right).

        Ví dụ trong một quốc gia, cơ chế thứ nhất là quốc hội, cơ chế thứ hai là chính phủ, ở một tỉnh là HĐND và UBND, ở một công ty lớn, công ty cổ phần là hội đồng quản trị (Governance Board) và trưởng cơ quan thực thi (Chief Executive Officers - CEO). Tương tự như vậy, ở trường ĐH là HĐT và hiệu trưởng. Như vậy, bản chất của HĐT là hội đồng ủy thác (Board of Trustees) và công việc chính của nó là “quản trị”, khác với “quản lý”. Trên thế giới có rất nhiều mô hình với nhiều tên gọi khác nhau về HĐT như: Board of Trustees, Board of Regents, Board of Governers, University Board, University Council, University Court… Nhưng tất cả đều có bản chất là hội đồng ủy thác hay “hội đồng cai quản” (Governance).

        Một HĐT đúng nghĩa phải là một hội đồng đại diện được cho các “nhóm lợi ích có liên quan”, đại diện chẳng những cho nhà nước, cho chủ sở hữu, cho thầy cô giáo mà còn cho sinh viên, cho phụ huynh, cho chính quyền địa phương cho các học giả, cho khách hàng, người tài trợ, trường ĐH bạn, người đóng thuế, nhân dân, cộng đồng dân cư trong vùng… Và, hội đồng thường có số thành viên bên ngoài trường nhiều hơn số thành viên bên trong trường.

    * Thưa Giáo sư, vậy Hội đồng quản trị ở các ĐH tư thục hiện nay thực chất cũng là một HĐT?

        - Tôi nghĩ là như vậy. Nhưng ở Việt Nam vẫn còn có “truyền thống” xem “đồng tiền là liền khúc ruột” và quy chế của Bộ GD&ĐT cũng quy định, ai góp vốn nhiều nhất là chủ tịch hội đồng quản trị (!). Vì vậy hội đồng quản trị ở đây thường chỉ bao gồm đại diện những chủ sở hữu. Xin lưu ý có nhiều công ty lớn trên thế giới, vốn các thành viên hội đồng quản trị và cả ban giám đốc có khi chỉ chiếm trên 10%, hơn 80% còn lại là của “bàng dân thiên hạ”, nhiều người mua cổ phiếu của công ty nhưng có khi không biết trụ sở chính của công ty ở đâu trên thế giới này và cũng chưa bao giờ đi họp đại hội cổ đông.

    *Nhưng hội đồng quản trị ở các ĐH ngoài công lập cũng như ở một số ĐH công lập đã có thành lập HĐT hiện nay vẫn hoạt động chưa có hiệu quả và vẫn chưa được giao quyền tự chủ một cách toàn diện như Giáo sư đã nói ở trên?

        - Sở dĩ có tình trạng trên, có thể là do mấy nguyên nhân: (1) Trở ngại trong việc chuyển giao quyền lực, (2) Hiểu TCĐH còn phiến diện, (3) HĐT chưa đúng nghĩa, (4) HĐT và hiệu trưởng chưa biết cách phối hợp làm việc, (5) Một số vấn đề mang tính truyền thống, không dễ gì thay đổi trong một thời gian 5, 7 năm… Tôi xin lấy một ví dụ. Cách đây mấy năm tôi có tham gia với Quốc hội đi giám sát các trường ĐH. Ở ĐH Tây Nguyên đã có HĐT nhưng hoạt động không hiệu quả. Nhà trường nói, trong HĐT có vị đại diện của UBND tỉnh, nhưng khi được mời thì vị này không đi họp. Ở các nước người ta xem việc được tham gia HĐT là một niềm vinh dự rất lớn, dù không có lương. Ở Mỹ năm 1987, có đến 46.000 người là thành viên hội đồng (Trusteeships) của các trường ĐH khác nhau, còn tính đến ở các tổ chức khác nữa thì có cả hàng triệu người giữ vai trò đó. 

        Cuối cùng điều tôi muốn nói là, triết lý của HĐT là “tạo ra sự thay đổi” (make a change), còn triết lý của hiệu trưởng là “giữ trong trật tự” (Keep in order). Nếu không có HĐT đúng nghĩa thì GDĐH Việt Nam không đổi mới được. Và tất nhiên, mức độ tự chủ có một “phổ” rất rộng, không phải ĐH nào cũng có đầy đủ quyền tự chủ và mức độ ở các nội dung tự chủ cũng khác nhau. Ở Úc, các chuyên gia cho rằng, chính phủ có thẩm quyền pháp lý để can thiệp vào nội dung tự chủ hành chính và tài chính, tỷ lệ cao nhất đến 63%. Và, đổi mới càng cơ bản thì càng phải bài bản và có lộ trình.

    * Xin cảm ơn Giáo sư  về những trao đổi rất căn cơ và thẳng thắn. TCĐH, rõ ràng là vấn đề không đơn giản.

    MINH CHÂU

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên