Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Màng bọc thực phẩm ăn được từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây
Sinh viên ĐHQG-HCM

Màng bọc thực phẩm ăn được từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây

  • 23/06/2024
  • Với mong muốn giảm thiểu rác thải nhựa, nhóm nữ sinh Trường ĐH Quốc tế ĐHQG-HCM đã chế tạo màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây.

    Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” do nhóm sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quốc tế, gồm Nguyễn Hoàng Kim Long, Lê Thùy Linh và Nguyễn Ngọc Thùy Dương thực hiện đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022-2024.

    Màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây Yummy Plastic. Ảnh: NVCC

    Giúp nhận biết thực phẩm bị hỏng

    Vì muốn tìm cách thay thế bao bì ni lông, giảm thiểu rác thải ra môi trường nên từ cuối năm 2022, Kim Long đã tìm hiểu các loại màng bọc thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

    Nhận thấy vỏ chanh dây có chứa nhiều pectin - chất xơ tự nhiên thường được sử dụng để cải thiện độ đặc và tạo gel trong nhiều món ăn, Kim Long đã quyết định chế tạo màng bọc thực phẩm từ vỏ chanh dây. Ý tưởng này được Kim Long và Thùy Dương mang đi dự thi cuộc thi Ý tưởng sáng tạo học sinh và sinh viên Mastermind năm 2022 do Trường ĐH Quốc tế tổ chức.

    Kim Long hồi tưởng: “Ý tưởng của tụi mình đoạt giải Ba và được đánh giá là an toàn cho sức khỏe, có thể tự phân hủy nên thân thiện với môi trường, đồng thời giúp giảm thiểu một phần phế phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm cũng được góp ý rằng đề tài chưa có tính mới và chưa rõ ràng về quy trình thực hiện”.

    Qua gợi ý của giảng viên, nhóm đã mời thêm Thùy Linh tham gia vì Linh từng có kinh nghiệm trong việc chế tạo màng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long đỏ.

    Nhờ được Thùy Linh cố vấn kỹ thuật nên Kim Long và Thùy Dương dần hiểu rõ về quy trình cũng như những thí nghiệm cần có để hiện thực hóa màng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây. 

    Trong vòng 4 tháng, bên cạnh việc tạo ra quy trình sản xuất chuẩn, nhóm còn tiến hành các thử nghiệm để kiểm tra tốc độ tăng trưởng của vi sinh vật, quản lý chất lượng… nhằm chứng minh độ an toàn của sản phẩm. Đến tháng 2/2024, nhóm hoàn thiện quy trình và tạo ra màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long, vỏ chanh dây hoàn chỉnh.

    Về quy trình sản xuất, Thùy Linh cho biết vỏ trái cây sau khi thu gom sẽ được làm sạch, phơi khô, trải qua quá trình trích ly, thu được pectin trong vỏ chanh dây và chất màu betacyanin trong vỏ thanh long đỏ. Các dịch chiết này tiếp tục được phối trộn với nước rồi đổ vào khuôn, sấy ở 60 độ C trong 24 giờ. Sau khi thu được thành phẩm, nhóm sẽ cán màng và tạo hình để hoàn thiện màng bọc thực phẩm sinh học.
    Quy trình này kéo dài khoảng 7-10 ngày. Trong đó, công đoạn cán và tạo hình màng bọc là khó khăn nhất vì rất dễ rách nếu không đảm bảo được độ mỏng phù hợp.

    Điểm nổi bật của màng bọc thực phẩm sinh học do nhóm phát triển là khả năng biến đổi màu khi thực phẩm bị hỏng. Theo Thùy Linh, chất màu betacyanin trong vỏ thanh long đỏ có khả năng đổi màu dựa vào độ pH của môi trường. Trong khi đó, nếu các thực phẩm như thịt, cá… bị hỏng, độ pH sẽ giảm dần.

    Linh lý giải: “Khi thực phẩm bắt đầu hư hỏng, màng bọc sẽ dần biến đổi từ màu đỏ hồng sang màu vàng hoặc trong suốt. Chỉ bằng việc quan sát màng bọc thực phẩm, người dùng có thể nhận biết thực phẩm bị hỏng ở mức độ nào, từ đó ngăn ngừa những vụ ngộ độc thực phẩm”.

    Màng bọc thực phẩm của nhóm còn có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa tốt, giúp kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm.

    Tuy nhiên, độ dẻo dai của màng bọc Yummy Plastic so với màng bọc ni lông vẫn chưa cao. Sản phẩm có thời hạn sử dụng 3-4 tuần trong điều kiện nhiệt độ thấp (trong môi trường tủ lạnh) và phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Nếu không đảm bảo điều kiện trên, màng bọc sẽ mất tính năng biến đổi màu.

    Hướng đến thương mại hóa sản phẩm

    TS Lê Quang Phong hướng dẫn Kim Long và Thùy Dương làm thí nghiệm. Ảnh: NVCC

    Với 200 gram vỏ trái cây, nhóm có thể tạo ra một cuộn màng bọc thực phẩm dài 20 mét có giá thành dự kiến là 70 ngàn đồng/cuộn.

    Kim Long chia sẻ: “So với màng bọc ni lông, sản phẩm của nhóm sẽ có giá cao hơn. Nhưng nếu so với các loại màng bọc sinh học trên thị trường thì màng bọc Yummy Plastic có giá thành cạnh tranh hơn”.

    Để chia sẻ dự án đến với nhiều người hơn và có thêm ý tưởng cải tiến, ngay sau khi hoàn thiện, nhóm đã đem màng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây đến cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II.

    “Tuy chỉ đoạt giải Khuyến khích nhưng tụi mình đã học được rất nhiều kiến thức, kỹ năng kinh doanh. Ban giám khảo cũng gợi ý cho nhóm một số giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh so với các sản phẩm trên thị trường” - Kim Long bày tỏ.

    Nhóm còn có cơ hội kết nối với các công ty khởi nghiệp ở tỉnh Bình Thuận. Sau cuộc thi, có 2 công ty đã gửi lời mời hợp tác vì ấn tượng với màng bọc thực phẩm sinh học do nhóm phát triển. Trong đó công ty kinh doanh yến sào muốn nhóm cung cấp màng bọc thực phẩm sinh học có thể ăn được và tan hoàn toàn khi nấu. Còn công ty chuyên về mỹ phẩm chiết xuất thanh long muốn hợp tác với nhóm để sử dụng bao bì thân thiện môi trường hơn. Tuy nhiên, để bảo quản sản phẩm tốt nhất, nhóm cần nâng cao độ dẻo dai của màng bọc. 

    Hiện tại, nhóm thảo luận cùng các khách hàng tiềm năng để xác định nhu cầu, mong muốn của họ, từ đó tinh chỉnh công thức chế tạo màng bọc thực phẩm phù hợp. Nhóm cũng đang tìm kiếm cơ sở sản xuất có quy mô phù hợp để có thể hợp tác lâu dài.

    Trưởng nhóm Kim Long bộc bạch: “Mong muốn lớn nhất của nhóm là thương mại hóa sản phẩm. Đây là một hành trình dài và chắc chắn sẽ có khó khăn, nhưng tụi mình sẽ cố gắng hết sức”.

    Đồng hành cùng nhóm từ những ngày đầu, TS Lê Quang Phong - Trưởng Bộ môn Hóa ứng dụng Trường ĐH Quốc tế, nhận xét màng bọc thực phẩm Yummy Plastic có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao.

    TS Lê Quang Phong đánh giá: “Màng bọc Yummy Plastic không chỉ an toàn với sức khỏe mà còn giúp người dùng dễ dàng nhận biết thực phẩm bị hỏng nhờ khả năng chỉ thị màu. Đây là những nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng hiện đại. Hơn nữa, nhờ tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trái cây, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất nên sản phẩm có tiềm năng lớn trong việc thương mại hoá”.

    THU TRANG

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên