Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Trường đại học cần chủ động khơi nguồn cho khởi nghiệp
Giao lưu

Trường đại học cần chủ động khơi nguồn cho khởi nghiệp

  • 21/12/2022
  • Đó là nhận định của GS Wong Poh Kam - Giáo sư danh dự của ĐHQG Singapore (NUS) tại buổi chia sẻ “Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: Kinh nghiệm của ĐHQG Singapore” vào chiều 21/22 tại Hội trường Trần Chí Đáo ĐHQG-HCM.

    Buổi chia sẻ đã thu hút gần 800 giảng viên, sinh viên của ĐHQG-HCM tham dự theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trường ĐH An Giang ĐHQG-HCM.

    GS Wong Poh Kam chia sẻ về khởi nghiệp cho gần 800 giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM.

    Phát biểu mở đầu, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, chia sẻ góc nhìn của mình rằng tinh thần không sợ khó, không ngại thách thức và không sợ thất bại là những tư duy khởi nghiệp đầu tiên mà những nhà khởi nghiệp cần có. Một số người chọn lối đi an toàn, tránh những con đường rải đầy đá, trong khi những nhà khởi nghiệp có thể gạt đi những phiến đá để tạo thành đường đi. Ông tin tưởng rằng GS Wong Poh Kam sẽ mang đến những thông tin giá trị về tư duy, tinh thần đổi mới sáng tạo cho các bạn sinh viên.

    Trả lời cho câu hỏi của sinh viên của Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM về những khó khăn mà những nhà khởi nghiệp trẻ thường đối mặt, GS Wong Poh Kam đề cập 3 thách thức. Đầu tiên, người trẻ thường thiếu kinh nghiệm làm việc, chỉ nghĩ vấn đề ở góc độ của mình mà chưa hiểu rõ thị trường đang cần gì. Nhà khởi nghiệp có thể cảm nhận ý tưởng của mình hay nhưng thật ra khi triển khai thì lại không hiệu quả. Vì vậy, cần có bước xác minh lại nhu cầu của thị trường, cũng như tìm hiểu họ sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho sản phẩm, công nghệ đó.

    Thách thức thứ hai đối với người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là tại châu Á, là rào cản của các bậc phụ huynh. Cha mẹ mong muốn con cái có việc làm ổn định, nên nếu biết con mình dự định dấn thân vào con đường khởi nghiệp đầy rủi ro thì thường sẽ ngăn cản vì nhiều lý do. Trong khi đó, sự hỗ trợ tinh thần, khích lệ từ phía người thân lại là một yếu tố cần thiết cho nhà khởi nghiệp.

    Thứ ba, nguồn tài trợ thường được nhiều người nhìn nhận là thách thức lớn nhất. Nhưng đối với GS Wong, thách thức này không thật sự khó đến như thế, nếu chúng ta có ý tưởng hay và có lòng kiên trì. Ông biết một vài nhà khởi nghiệp thành công từng bị từ chối vài ba chục lần, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục nỗ lực và đến cuối cùng tìm được nhà tài trợ.

    Chia sẻ về kinh nghiệm của NUS, GS Wong Poh Kam giới thiệu một mô hình mà NUS đã áp dụng cách nay 20 năm. Thành lập năm 2002, chương trình NUS Overseas Colleges được thiết kế để gửi các sinh viên thực tập toàn thời gian trong một năm tại các trung tâm khởi nghiệp của thế giới. Các sinh viên này sẽ học thêm 1-2 lớp đào tạo về khởi nghiệp tại các đại học đối tác danh tiếng như ĐH Stanford (Hoa Kỳ), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Toronto (Canada)…

    Theo GS Wong, để một cơ sở giáo dục - đào tạo có thể chuyển giao được những điều muốn chia sẻ với xã hội thì chính cơ sở này phải là một nơi có tinh thần khởi nghiệp, từ đó lan tỏa ra sinh viên, giảng viên và rộng rãi hơn ra xã hội. Trường đại học phải đóng vai trò chủ động, là nơi khơi nguồn cho những sự bắt đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp trong chính địa phương, quốc gia sở tại. Đây là mô hình mà NUS đã bắt đầu từ 20 năm về trước.

    PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, tặng quà tri ân GS Wong Poh Kam.
    GS Wong Poh Kam chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể tham dự buổi chia sẻ.

    LÊ HOÀI - THIỆN THÔNG

    GS Wong Poh Kam hiện là Giáo sư danh dự tại ĐHQG Singapore (NUS), giảng dạy tại Trường Kinh doanh và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của NUS. Ông tốt nghiệp hai bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế hàng đầu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

    GS Wong còn là nhà tư vấn các chính sách phát triển hệ sinh thái đổi mới và khởi nghiệp cho nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều cơ quan chính phủ khác nhau tại Singapore. Ngoài vai trò là giáo sư tại NUS, ông còn là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học hàng đầu thế giới như ĐH Stanford, ĐH Oxford, ĐH Korea, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS)...

    Trong những năm qua, GS Wong Poh Kam đã khởi xướng nhiều cuộc thi về kinh doanh và khởi nghiệp có quy mô lớn tại Singapore, góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh khởi nghiệp của nhiều người trẻ tại đây. Ông còn là một nhà đầu tư tích cực cho nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp tại Singapore, Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Ông là chủ tịch sáng lập Mạng lưới Business Angel tại Đông Nam Á và là cố vấn của Quỹ iGlobe Partners có trụ sở tại Singapore.

    Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong nhiều năm cho giáo dục khởi nghiệp tại Singapore, GS Wong Poh Kam được Chính phủ Singapore trao tặng Huân chương bạc Hành chính công. Ngoài ra, ông còn được trao tặng giải thưởng Doanh nhân của Thế giới (hạng mục nhà giáo dục) từ Diễn đàn Doanh nhân Thế giới năm 2015.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên