“Chuyện gì đến thì mình từ từ đón nhận rồi tìm cách giải quyết” - tâm niệm như vậy nên khi trải qua những biến cố trong cuộc đời, Nguyễn Khắc Mạnh - sinh viên năm hai Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa ĐHQG-HCM - chưa từng nản lòng. Đối với Mạnh, điều giúp cậu kiên định với hành trình học tập chính là gia đình.
Nhờ tinh thần ham học hỏi và nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Khắc Mạnh đã được trao học bổng Ước mơ cho em trị giá 90 triệu đồng. Đây là chương trình do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp Quỹ xã hội Bảo An thuộc Bộ Nội vụ thực hiện.
Biến khó khăn thành động lực
Khắc Mạnh kể cậu không có ký ức về mẹ vì mẹ của Mạnh mất khi cậu chưa tròn 7 tháng tuổi. Một mình ba chăm sóc 3 đứa con thơ bằng nghề nông. Thu nhập bấp bênh nên gia đình thường xuyên thiếu trước, hụt sau.
Nỗi đau này chưa nguôi ngoai thì sóng gió khác lại ập đến. Bốn năm sau, chị gái của Mạnh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. “Lúc đó, gia đình mình suy sụp cả về vật chất lẫn tinh thần, không khí trong nhà u buồn lắm” - Mạnh hồi tưởng.
Khi Mạnh lên lớp 10 thì bệnh tình của chị gái ngày càng trở nặng, đánh đập cả người thân. Vì sợ ba áp lực nên lúc nào Mạnh cũng túc trực bên cạnh để động viên và may mắn là ba của Mạnh đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Dẫu trải qua nhiều biến cố, nam sinh quê Quảng Trị chưa bao giờ xao nhãng việc học. Trong suốt 12 năm, Mạnh luôn là học sinh giỏi tốp đầu của lớp. Nam sinh còn giành giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn vật lý.
Khắc Mạnh bộc bạch: “Hồi xưa, ba học rất giỏi nhưng không thể tiếp tục việc học vì nhà nghèo. Vậy nên ba luôn định hướng cho cả 3 anh em phải học đại học từ khi còn nhỏ. Hơn nữa, mình hiểu rằng học tập là con đường ngắn nhất để gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo”.
Mạnh còn chăm chỉ phụ giúp ba công việc đồng áng từ những năm tiểu học. Lên trung học, Mạnh xin làm thợ phụ cho các chú thợ xây, thợ mộc trong làng để kiếm thêm chút tiền, đỡ đần chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Trong một lần làm thợ phụ, Mạnh chứng kiến chú thợ mộc bị đứt lìa một bàn tay do máy cắt gỗ bị hỏng. Ký ức đó không ngừng thôi thúc nam sinh nuôi dưỡng khát vọng về việc chế tạo những máy móc, thiết bị tốt hơn để hỗ trợ cho người lao động. Đó cũng là lý do Khắc Mạnh chọn ngành Kỹ thuật Cơ khí, Khoa Cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa.
Mạnh rời xa ngôi nhà nhỏ ở thôn Lưu Nghĩa, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với nhiều hoài bão. Nhưng khi chứng kiến anh trai, người Mạnh luôn ngưỡng mộ và noi theo, từ bỏ công việc kiến trúc sư để về quê vì căn bệnh trầm cảm, Mạnh dần có những suy nghĩ tiêu cực.
“Ban đầu, mình định nghỉ học để về quê chăm sóc cho gia đình, nhưng suy nghĩ lại, nếu bây giờ từ bỏ thì những cố gắng từ trước đến giờ của mình đều đổ sông đổ bể. Thế là mình biến khó khăn đó thành động lực học tập để sau này có thể chăm lo cho gia đình tốt hơn” - Mạnh bày tỏ.
Chia sẻ một phần ba học bổng
Từ năm thứ nhất, để tích góp tiền đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt, Mạnh thường chạy xe ôm công nghệ sau giờ học và làm nhân viên phục vụ nhà hàng vào cuối tuần. Nhưng vì dành quá nhiều thời gian đi làm thêm nên học lực của Mạnh bị sa sút.
Vốn đặt mục tiêu tốt nghiệp loại Khá trở lên nên Mạnh quyết định giảm bớt thời gian đi làm thêm, đồng thời thay đổi phương pháp học tập. Trước mỗi buổi học, nam sinh thường tìm đọc trước tài liệu và tập trung nghe giảng để hiểu bài ngay trên lớp. Có điểm nào chưa hiểu thì cậu ghi chú lại để hỏi thầy cô, bạn bè ngay sau giờ học và tìm hiểu kỹ hơn khi về nhà. Cuối tuần, Mạnh hệ thống lại những kiến thức đã học để tiết kiệm thời gian ôn tập trước kỳ thi. Nhờ vậy, cậu đã cải thiện điểm trung bình lên 8,0 điểm vào năm thứ hai.
Những nỗ lực không ngừng của Khắc Mạnh đã phần nào được công nhận khi cậu trở thành nhân vật chính trong chương trình Ước mơ cho em và được trao học bổng trị giá 90 triệu đồng. Mạnh cho biết cậu rất bất ngờ trước kết quả này vì lúc phỏng vấn, ai cũng có câu chuyện riêng và trình bày rất hay, còn cậu thì chia sẻ khá sơ sài.
Mạnh giải thích: “Từ trước tới nay, mình luôn giấu hoàn cảnh gia đình vì mình không thích kể khổ hay làm phiền người khác. Đến khi ban giám khảo hỏi kỹ và nói rằng cứ xem cô chú như bạn bè, mình mới mở lòng và chia sẻ những điều mà mình giấu kín trong suốt 13 năm đi học. Khi nói ra được thì mình cảm thấy rất thoải mái, giống như mở được nút thắt trong lòng”.
Đối với Khắc Mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ tài chính giúp cậu vơi bớt nỗi lo về học phí của 2 năm học còn lại, chương trình Ước mơ cho em còn mang đến cho cậu cơ hội chia sẻ và được cảm nhận sự quan tâm mà mọi người dành cho mình.
Khắc Mạnh cũng quyết định chia sẻ một phần ba số tiền học bổng với Nguyễn Thị Trúc Linh - sinh viên năm 4 ngành Cơ kỹ thuật, Khoa Khoa học Ứng dụng, Trường ĐH Bách khoa. Cũng giống Mạnh, Trúc Linh phải làm thêm nhiều công việc và từng nhịn đói nhiều ngày để có thể tiếp tục đến trường. Nữ sinh mong nhận học bổng để tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư y sinh, đồng thời hỗ trợ học phí cho em gái đang chuẩn bị vào đại học.
“Ngoài học phí khoảng 60 triệu, số tiền dư mình có thể dùng cho chi phí sinh hoạt. Nhưng mình nghĩ việc chia sẻ số tiền đó để chị Linh hỗ trợ phần nào học phí cho em gái thì sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Về phần mình, chỉ cần đủ đóng tiền học phí để tiếp tục đến trường là mình hạnh phúc rồi” - nam sinh thổ lộ.
Vốn là người thích chia sẻ nên Khắc Mạnh còn tham gia Câu lạc bộ (CLB) Công tác xã hội Khoa Cơ khí từ năm thứ nhất. Thứ 7 hằng tuần, cậu thường đến Cơ sở Bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình ở Đồng Nai cùng các thành viên CLB để dạy kèm cho các em nhỏ và phụ việc nhà như giặt thảm, chặt củi, làm vườn… hay đi phát quà đêm cho người vô gia cư với nhóm bạn.
Về dự định tương lai, nam sinh sinh năm 2004 cũng đã có những hình dung cụ thể. Mạnh bày tỏ: “Trước mắt, mình sẽ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và trau dồi tiếng Anh để tốt nghiệp đúng hạn, đạt loại Khá trở lên. Sau 5-10 năm làm việc ở Sài Gòn, mình sẽ về quê để thuận tiện chăm sóc ba và chị gái. Nếu thuận lợi, mình muốn mở xưởng cơ khí để cung cấp máy móc, thiết bị hỗ trợ người lao động và tạo việc làm cho bà con”.
Là người có tinh thần học tập nghiêm túc Gắn bó với Khắc Mạnh từ những năm THPT qua các lớp dạy kèm, anh Nguyễn Thiện Phúc - Chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, cho biết Mạnh là một chàng trai kiệm lời, ít tâm sự với người khác. Chỉ đến khi chương trình Ước mơ cho em phát sóng, bạn bè mới biết được một phần hoàn cảnh gia đình Mạnh. Anh Phúc chia sẻ: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình chưa bao giờ nghe Mạnh than vãn, lúc nào cũng thấy em cười. Về học tập, Mạnh có tinh thần học nghiêm túc. Mỗi khi đặt ra mục tiêu, em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành. Mạnh còn thường xuyên giúp đỡ bạn bè học tập đến khi bạn hiểu mới thôi”. Anh Thiện Phúc mong Khắc Mạnh sẽ tiếp tục học hành nghiêm túc, có công việc đúng với sở trường sau khi tốt nghiệp để có thể giúp đỡ gia đình. |
THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên