Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương để khai thác tiềm năng du lịch, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhằm nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam là một trong những sứ mạng phục vụ cộng đồng mà Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đặc biệt chú trọng những năm qua.
Khai thác bền vững tài nguyên du lịch - Đa dạng hóa sản phẩm
Đội ngũ nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu ý nghĩa, tối ưu việc khai thác tiềm năng du lịch đặc trưng của các địa phương ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gợi ý đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng chiến lược và mô hình phát triển du lịch gắn kết với văn hóa, lịch sử và cuộc sống của cộng đồng địa phương.
An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL mà Trường ĐHKHXH&NV đã triển khai nhiều nghiên cứu chuyên sâu về phát triển du lịch địa phương, trong đó tiêu biểu là nghiên cứu về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của An Giang và nghiên cứu quảng bá hình ảnh tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025 như một điểm đến đầu tư và một điểm đến du lịch nhiều tiềm năng. An Giang cũng được các chuyên gia của Trường ĐHKHXH&NV chú trọng nghiên cứu về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm thông qua các sản phẩm du lịch văn hóa, tích hợp văn hóa Chăm vào trải nghiệm du lịch. Những nghiên cứu này đã chỉ ra hướng tiếp cận và cách làm hiệu quả nhằm khai thác tài nguyên du lịch đặc thù của địa phương.
Một trong những nghiên cứu quan trọng về phát triển du lịch địa phương mà Trường ĐHKHXH&NV đã dành nhiều tâm huyết và công sức là nghiên cứu về chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Nghiên cứu này góp phần hỗ trợ các địa phương về cách tiếp cận chiến lược để tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt truyền thống của cộng đồng nông thôn. Những sản phẩm được tích hợp trong chuỗi giá trị du lịch nông thôn không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn mang lại cho du khách trải nghiệm đặc sắc về cuộc sống nông thôn, từ thực hành trồng trọt đến chế biến thực phẩm từ sản vật địa phương.
Khai thác thế mạnh sông nước của ĐBSCL để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cũng là hướng nghiên cứu mà Trường ĐHKHXH&NV đã có những đóng góp quan trọng, cụ thể là nghiên cứu phát triển các tuyến du lịch đường sông kết nối thị trường du lịch TP.HCM với Tiền Giang và Bến Tre. Các tuyến du lịch đường sông này không chỉ giúp du khách khám phá văn hóa và đời sống sông nước mà còn là cầu nối giữa các giá trị văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật truyền thống của vùng. Nghiên cứu cho thấy việc phát triển du lịch đường sông không chỉ tạo ra các sản phẩm du lịch mới mà còn nâng cao sức hút của cả khu vực. Một nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV cũng đang thực hiện những khảo sát cụ thể tiềm năng khai thác hệ thống sông Cần Giuộc và hệ thống sông Vàm Cỏ để triển khai nghiên cứu đề tài về phát triển tuyến điểm du lịch đường sông tỉnh Long An. Nhà trường cũng đóng góp tiếng nói chuyên môn về bảo tồn di sản lịch sử và khai thác du lịch thông qua nghiên cứu di tích Đồn Rạch Cát tại Long An. Đây là một công trình quân sự có giá trị lịch sử, gắn liền với những câu chuyện về bảo vệ đất nước. Dự án không chỉ đề xuất các giải pháp khai thác du lịch văn hóa - lịch sử mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa.
Với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, các nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV thời gian qua cũng chú trọng đến việc nghiên cứu khai thác lợi thế về cảnh quan biển hấp dẫn, kết hợp với các giá trị văn hóa địa phương đặc sắc để thiết kế phát triển sản phẩm du lịch đêm. Việc mở rộng các hoạt động như chợ đêm, lễ hội văn hóa và giải trí về đêm không chỉ gia tăng thời gian lưu trú của du khách mà còn mở ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng lớn của loại hình du lịch này, giúp gia tăng chi tiêu của du khách và phát triển kinh tế vùng.
Nghĩ về hợp tác tương lai
Dựa vào kinh nghiệm tham gia cùng các địa phương trong nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch, để phát triển du lịch địa phương bền vững và gia tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV theo đuổi mục tiêu mở rộng hợp tác với các địa phương hơn nữa nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các hướng hợp tác được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, khai thác ứng dụng công nghệ thông minh vào lĩnh vực du lịch và nâng cao năng lực quản lý điểm đến.
Nghiên cứu về mô hình phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp - nông thôn là một trong những hướng hợp tác nhiều triển vọng giữa các địa phương có thế mạnh nông nghiệp với Trường ĐHKHXH&NV. Hướng đi này phù hợp với xu thế phát triển du lịch đang được ưa chuộng toàn cầu nhờ tính bền vững và khả năng đem lại lợi ích kinh tế, văn hóa cho cộng đồng, góp phần nâng cao sinh kế nông nghiệp cho nông dân. Thông qua hợp tác với địa phương, Nhà trường tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa bản địa. Những trải nghiệm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng nông thôn và giá trị nông nghiệp không chỉ thu hút du khách yêu thiên nhiên mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù và chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp cũng là trọng tâm trong chiến lược hợp tác. Trường ĐHKHXH&NV đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ các địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch gắn liền với nông nghiệp, làng nghề truyền thống và di sản văn hóa. Những sản phẩm này không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn giúp bảo tồn di sản văn hóa và tạo ra thu nhập bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ứng dụng công nghệ thông minh trên nền tảng số vào quản lý và quảng bá du lịch là yếu tố cốt lõi trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Công nghệ thông minh không chỉ giúp tăng cường trải nghiệm du khách mà còn tạo điều kiện tối ưu hóa các hoạt động quản lý, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của ngành du lịch địa phương theo hướng du lịch thông minh. Trường ĐHKHXH&NV văn thời gian qua cũng có những bước chuẩn bị quan trọng để tăng cường hướng nghiên cứu chuyển giao giải pháp về du lịch thông minh cho các địa phương có nhu cầu.
Nâng cao năng lực nguồn nhân lực du lịch của địa phương là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài. Với lợi thế của một cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống ĐHQG-HCM, Trường ĐHKHXH&NV đặt mục tiêu tăng cường tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, các lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ năng quản lý du lịch, hướng dẫn viên, và kiến thức bảo tồn văn hóa, thiên nhiên trong hoạt động du lịch. Những chương trình đào tạo này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia và đóng góp vào các hoạt động du lịch, từ đó tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Một hướng hợp tác nữa cũng được Trường ĐHKHXH&NV chú trọng là hỗ trợ địa phương xây dựng chiến lược quảng bá quốc tế. Nhà trường sẽ phối hợp cùng địa phương xây dựng các kế hoạch quảng bá hình ảnh địa phương ra quốc tế thông qua các sự kiện, hội thảo và kênh truyền thông đa phương tiện. Mỗi địa phương cần khai thác các giá trị độc đáo của mình để tạo nên thương hiệu du lịch hấp dẫn, từ đó thu hút du khách và xây dựng hình ảnh điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới.
Trường ĐHKHXH&NV hy vọng những hướng hợp tác này không chỉ góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch của mỗi địa phương nói riêng trên thị trường quốc tế mà còn mang lại giá trị kinh tế, xã hội lâu dài cho các địa phương, đồng thời giúp bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc.
Nguyệt Phạm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Hãy là người bình luận đầu tiên