Tên luận án: Biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt và cách chuyển dịch sang tiếng Hán
Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã ngành: 9220241
Cán bộ hướng dẫn: PGS. TS.Phạm Hữu Đức, TS. Đỗ Thúy Hà
Nghiên cứu sinh: Hà Thị Minh Trang
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt
Luận án “Biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt và cách chuyển dịch sang tiếng Hán” hướng đến việc làm sáng tỏ các vấn đề liên quan tới cấu tạo, ngữ nghĩa, cách sử dụng biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt (đặc biệt là các đối tượng khảo sát trực tiếp); đồng thời làm rõ các phương tiện và cách thức biểu đạt tương đương trong tiếng Hán hiện đại. Luận án nhằm lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực dịch thuật, tìm ra các quy tắc và chiến lược dịch thuật cho các văn bản Việt-Hán tương lai, từ đó, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong mảng ngôn ngữ học so sánh và ứng dụng.
Đề tài lựa chọn đối tượng nghiên cứu chính là biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt ở dạng danh ngữ, điển cứu ở hai dạng thức: “một + danh từ ± ĐNmiêu tả” và “những + danh từ ± ĐNmiêu tả” và phương thức chuyển dịch sang tiếng Hán hiện đại. Khách thể nghiên cứu được tập trung vào hai tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, Nỗi buồn chiến tranh cùng các bản dịch tiếng Hán hiện đại tương ứng.
Các lý thuyết sử dụng trong đề tài gồm: lý thuyết về giao tiếp và các nhân tố giao tiếp, lý thuyết chiếu vật, lý thuyết về dịch thuật. Theo đó, lý thuyết về giao tiếp và các nhân tố giao tiếp được sử dụng để phân tích cách mà các biểu thức miêu tả không xác định xuất hiện trong các ngữ cảnh cụ thể và vai trò của chúng trong việc truyền đạt thông tin giữa các đối tượng giao tiếp. Lý thuyết này giúp chỉ rõ những yếu tố như người phát ngôn, người tiếp ngôn, ngữ cảnh và mục đích giao tiếp có ảnh hưởng như thế nào đến việc lựa chọn và sử dụng biểu thức miêu tả không xác định. Lý thuyết chiếu vật trình bày cách nhận diện và phân tích cách các biểu thức miêu tả không xác định hoạt động trong vai trò chiếu vật và không chiếu vật ở văn bản tiếng Việt. Lý thuyết này cung cấp khung lý luận để làm rõ mối quan hệ giữa các biểu thức ngôn ngữ và thực thể mà chúng đại diện, đặc biệt trong trường hợp các biểu thức đó có thể liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh cụ thể. Lý thuyết về dịch thuật được áp dụng để phân tích và đánh giá cách biểu thức miêu tả không xác định thuộc phạm vi nghiên cứu được chuyển dịch sang tiếng Hán. Lý thuyết này giúp xác định những phương pháp phù hợp để chuyển tải các yếu tố trong biểu thức miêu tả không xác định, đảm bảo rằng sự tương đương về ngữ nghĩa, ngữ dụng được duy trì một cách tối ưu trong quá trình dịch thuật.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt (chỉ người, chỉ động vật, chỉ thực vật, chỉ sự vật khác) có những đặc trưng rõ ràng về cấu tạo, ngữ nghĩa và cách sử dụng. Việc chuyển dịch chúng sang tiếng Hán hiện đại cần lưu ý truyền tải rõ các bình diện ngữ nghĩa và dụng ý nghệ thuật trong văn bản gốc, nhằm hướng tới mục tiêu mang đến sự cảm nhận tốt nhất, trung thực nhất cho độc giả văn bản dịch. Phương pháp trực dịch được nhận định là phương pháp chủ đạo mà các dịch giả sử dụng; trường hợp không sử dụng được phương án trực dịch, các dịch giả sẽ sử dụng nhiều phương án dịch linh hoạt khác như: lược dịch, dịch tách, dịch bằng cách thay thế văn hóa, v.v..
Luận án cung cấp một nền tảng lý thuyết và thực tiễn vững chắc cho việc nghiên cứu cũng như ứng dụng hai dạng biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt và cách chuyển dịch chúng sang tiếng Hán hiện đại. Kết quả nghiên cứu đạt được giúp cải thiện việc dạy và học ngôn ngữ, nâng cao chất lượng dịch thuật, góp phần vào sự phát triển của ngành ngôn ngữ học và dịch thuật nói chung.
2. Kết quả
Đề tài đã làm rõ vai trò của biểu thức miêu tả không xác định trong tiếng Việt ở các tình huống cụ thể. Việc phân tích cách chuyển dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hán hiện đại đã làm sáng tỏ quá trình biến đổi ngữ nghĩa trong quá trình chuyển dịch các biểu thức này. Kết quả đạt được của luận án giúp chuẩn hóa các thuật ngữ và biểu thức miêu tả không xác định, cung cấp một cơ sở học thuật rõ ràng hơn cho các nhà nghiên cứu và dịch giả.
Kết quả nghiên cứu của đề tài này góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch thuật, đặc biệt là khả năng dịch các biểu thức miêu tả không xác định một cách chính xác, trôi chảy và đảm bảo tính dễ tiếp nhận từ tiếng Việt sang tiếng Hán. Nghiên cứu này giúp người học và người dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc (và ngược lại) nắm vững các nét tương đồng và khác biệt khi chuyển dịch; từ đó cải thiện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Bên cạnh đó, đề tài cũng tạo nền tảng khoa học vững chắc cho các nghiên cứu tiếp theo về các khía cạnh ngữ pháp, ngữ nghĩa và dịch thuật giữa tiếng Việt và tiếng Hán.
3. Khả năng áp dụng và các vấn đề cần nghiên cứu thêm
Kết quả của đề tài có thể được ứng dụng vào giảng dạy và học tập ngôn ngữ như: có thể làm tài liệu giảng dạy, hỗ trợ người Trung Quốc học tiếng Việt một cách có hệ thống, đặc biệt về danh từ, danh ngữ và cách sử dụng trong các ngữ cảnh cụ thể. Ngoài ra, luận án cũng giúp người dạy thiết kế bài giảng phù hợp với người học, chú trọng vào cách diễn đạt tương đương giữa hai ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn có tiềm năng hỗ trợ phát triển các công cụ nhận diện và xử lý danh từ không xác định trong văn bản song ngữ, góp phần nâng cao chất lượng dịch thuật và ứng dụng công nghệ ngôn ngữ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng tôi nhận thấy, còn một số vấn đề cần nghiên cứu và phát triển thêm trong tương lai như:
- Mở rộng phạm vi nghiên cứu bằng cách xem xét cách sử dụng biểu thức miêu tả không xác định trong ngữ cảnh của lời nói, giúp hiểu rõ hơn về cách chúng hoạt động trong giao tiếp tự nhiên.
- Mở rộng phạm vi đối chiếu bằng cách hiện đối chiếu trên nhiều tác phẩm văn học và nhiều dạng văn bản khác nhau nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện hơn về chiến lược và hiệu quả chuyển dịch.
- Khi thị trường có những bản dịch khác nhau, cần so sánh kết quả chuyển dịch trong nhiều bản dịch của cùng một tác phẩm để tìm ra điểm tương đồng, khác biệt và xu hướng dịch thuật phổ biến.
Hãy là người bình luận đầu tiên