Luận án: Bơm ép kiềm - chất hoạt động bề mặt - polymer cho thu hồi dầu tăng cường: từ thí nghiệm tối ưu tổ hợp hóa phẩm đến mô phỏng ở phạm vi vỉa
Chuyên ngành: Kỹ thuật dầu khí
Mã số: 62520604
Họ và tên NCS: Phạm Hữu Tài
Tập thể hướng dẫn: PGS. TS. Trần Văn Xuân
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM
Thông tin tóm tắt về những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Alkaline-Surfactant-Polymer (ASP) là tổ hợp hóa phẩm được áp dụng bơm ép trong giai đoạn thu hồi dầu tăng cường (Enhanced Oil Recovery - EOR). Tuy nhiên, việc lựa chọn phù hợp một công thức hóa phẩm ASP cho một mỏ dầu cụ thể là một công việc vô cùng phức tạp và chiếm nhiều thời gian cũng như công sức. Nghiên cứu “Bơm ép kiềm - chất hoạt động bề mặt -polymer cho thu hồi dầu tăng cường: từ thí nghiệm tối ưu tổ hợp hóa phẩm đến mô phỏng ở phạm vi vỉa” tối ưu quá trình thí nghiệm tìm công thức hoá phẩm để giảm thiểu tối đa số lần thí nghiệm nhưng vẫn đáp ứng được mức độ bao quát và độ chính xác kết quả đạt được.
Trạng thái nhũ tương pha II trong dung dịch Kiềm/Chất hoạt động bề mặt/Polymer (ASP) và dầu đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của quá trình bơm ép ASP. Pha vi nhũ tương chất lượng cao có sức căng bề mặt cực thấp giúp tăng hệ số thu hồi dầu. Nghiên cứu đã sử dụng thiết kế thí nghiệm tối ưu và phương pháp đáp ứng bề mặt để dự đoán nồng độ tối ưu của các hóa chất trong dung dịch ASP, nhằm tạo lượng vi nhũ tốt nhất. Tiếp theo đó, công thức ASP tối ưu này đã được pha chế và bơm ép trên mẫu lõi chế bị để đánh giá hiệu quả. Theo kết quả, tổng nồng độ tối ưu của chất hoạt động bề mặt trong dung dịch ASP là 0,57% khối lượng và thể tích tiêm hiệu quả cao nhất là 19,33% thể tích lỗ rỗng.
Nghiên cứu cũng tiến hành mô phỏng trên phạm vi mỏ với công thức ASP đã được tối ưu. Mô phỏng dự đoán lượng cộng dồn do bơm ép ASP và so sánh với lượng dầu cộng dồn trong cùng thời kỳ do bơm ép nước. Kết quả được sử dụng để đánh giá khả năng áp dụng trên mỏ.
Hãy là người bình luận đầu tiên