Tin tức - Sự kiện

Việc chọn nghề của thanh niên tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay - NCS. Trần Thị Thảo

  • 15/01/2025
  • Luận án: Việc chọn nghề của thanh niên tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
    Ngành: Dân tộc học
    Mã ngành: 93.10.310
    Nghiên cứu sinh: Trần Thị Thảo
    Cán bộ hướng dẫn: NGND.GS.TS. Ngô Văn Lệ; TS. Trương Thị Thu Hằng
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt
    Sự phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào việc kết hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác nhau. Trong mỗi giai đoạn phát triển, sự tương tác giữa các nguồn lực này thay đổi linh hoạt theo trình độ sản xuất và khả năng tổ chức quản lý. Trong số các nguồn lực đó, nhân lực được coi là yếu tố quan trọng, có khả năng tạo ra những bước đột phá cho nền kinh tế. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực là một nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Để có một đội ngũ nhân lực chất lượng, việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên đóng vai trò then chốt. Quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mỗi cá nhân không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Việc nghiên cứu về thực trạng của việc lựa chọn nghề và các yếu tố tác động đến hoạt động đó của thanh niên trở nên cần thiết để có thể nhận diện rõ hiện trạng, từ đó có những chính sách phù hợp giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.
    Luận án được thực hiện nhằm làm rõ thực trạng và xu hướng chọn nghề của thanh niên nói chung qua nghiên cứu tại khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, xác định các yếu tố tác động đến lựa chọn nghề của thanh niên hiện nay. Luận án dùng phương pháp nghiên cứu kết hợp cả định tính lẫn định lượng để có thể nhận diện và khái quát các xu hướng thực trạng, đồng thời phân tích và làm rõ các yếu tố tác động đến lựa chọn nghề. Số lượng mẫu nghiên cứu định lượng là 500 mẫu và mẫu nghiên nghiên cứu định tính là 100 mẫu đã cung cấp bộ dữ liệu sơ cấp kết hợp với các dữ liệu thứ cấp đủ sâu để đề tài đi đến các kết luận có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Luận án đã xác định các xu hướng chọn nghề phụ thuộc vào các nội dung như loại hình nghề nghiệp, giới tính độ tuổi, mức thu nhập, nghề truyền thống của gia đình, các dự báo của xã hội, các nghề có vị thế trong xã hội... Đồng thời luận án cũng tìm ra các nhóm yếu tố tác động đến việc lựa chọn nghề bao gồm đặc điểm tính cách và sở thích cá nhân; mạng lưới xã hội của cá nhân, hoạt động truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các chính sách về lao động việc làm và định hướng nghề nghiệp.
    2. Kết quả
     Về mặt lý luận:
    Luận án hệ thống hoá và góp phần làm sáng tỏ các khái niệm có liên quan đến đề tài như việc làm, nghề nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp, thanh niên ngoại thành... Luận án đã vận dụng các lý thuyết về các yếu tố tác động đến việc chọn nghề để thấy được tính tương đồng giữa thực tiễn và lý thuyết để phân tích vấn đề chọn nghề của thanh niên trong bối cảnh kinh tế - xã hội của khu vực nghiên cứu là ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này đóng góp vào hệ thống cơ sở khoa học về lý luận cho việc hiểu biết đầy đủ hơn về thực trạng và xu hướng chọn nghề của nhóm đối tượng nghiên cứu hiện nay cùng với những yếu tố tác động đến các quyết định lựa chọn nghề của họ. Từ đó, bổ sung nguồn tư liệu khoa học cho ngành Dân tộc học/ Nhân học về lĩnh vực nghiên cứu của luận án, cụ thể là lao động việc làm của thanh niên cũng như vai trò của việc tư vấn hướng nghiệp để có thể đề xuất những quyết sách phù hợp, nhằm tạo ra nguồn nhân lực hiệu quả cho hoạt động kinh tế xã hội. Luận án cũng gợi ý một mô hình khung phân tích về các yếu tố tác động đến việc chọn nghề của thanh niên dựa vào các nhóm yếu tố chính khác nhau.  
     Về mặt thực tiễn:
    Về mặt thực tiễn, luận án mô tả và phân tích, đánh giá khách quan, hướng đến làm rõ thực trạng việc chọn nghề hiện nay của thanh niên tại địa bàn nghiên cứu cụ thể là năm huyện ngoại thành TP.HCM (bao gồm Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè). Các xu hướng chọn nghề này được xác định dựa theo các đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng nghiên cứu. Luận án cũng đưa ra các phân tích để thấy được các yếu tố tác động đến việc chọn nghề phụ thuộc vào các nhóm yếu tố chính là đặc điểm riêng của cá nhân; mạng lưới xã hội của cá nhân, các hoạt động truyền thông đại chúng và mạng xã hội cũng như các chính sách về lao động việc làm, tư vấn hướng nghiệp được triển khai và ảnh hưởng đến mỗi cá nhân trong quá trình chọn lựa và quyết định nghề nghiệp của bản thân..
    3. Khả năng áp dụng và các vấn đề cần nghiên cứu thêm
    - Luận án nghiên cứu vấn đề nghề nghiệp và lựa chọn nghề của thanh niên ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, dựa trên thực trạng và xu hướng hiện nay. Kết quả chỉ ra rằng quyết định chọn nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phù hợp với đặc điểm cá nhân, sự ảnh hưởng từ thông tin tư vấn trong các mạng lưới xã hội, và tác động của các nội dung truyền thông qua phương tiện đại chúng và mạng xã hội. Nghiên cứu cũng khẳng định rằng các hoạt động truyền thông, cả trong các mạng lưới xã hội cá nhân và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đều đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và kết nối nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
    - Luận án chỉ ra rằng hoạt động truyền thông qua phương tiện đại chúng và mạng xã hội có ảnh hưởng rõ rệt đến việc lựa chọn nghề của thanh niên, trong khi vai trò của cha mẹ cũng đóng góp quan trọng vào quyết định này. Dữ liệu nghiên cứu gợi ý rằng các chương trình tư vấn hướng nghiệp cần chú trọng đến nội dung truyền tải qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình và mạng xã hội. Đồng thời, các thông điệp truyền thông không chỉ truyền tải trực tiếp đến thanh niên mà còn có thể gián tiếp khi hướng đến gia đình, với cha mẹ là nhân tố có vai trò quan trọng, tác động đến quyết định nghề nghiệp của con cháu trong gia đình. Có thể làm rõ các nội dung này cho những hướng nghiên cứu tiếp theo.
    - Song song đó, luận án còn cho thấy yếu tố về bối cảnh kinh tế chính trị chung của xã hội cũng ảnh hưởng đến việc thanh niên cân nhắc khi lựa chọn nghề. Điều đó thể hiện qua các chính sách xã hội, lao động việc làm và được triển khai trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp.
    - Mô hình về các nhóm yếu tố tác động đến việc chọn nghề của thanh niên được đề xuất trong luận án có thể được vận dụng để tiến hành nghiên cứu phục vụ cho công tác xây dựng chính sách về lao động việc làm, định hướng nghề nghiệp, từ đó góp phần vào việc chuẩn bị, đào tạo và phát huy tối ưu nguồn lực lao động trong xã hội.
    Các trường học, đơn vị sự nghiệp về lao động việc làm, định hướng nghề nghiệp, các đơn vị hoạt động và quản lý truyền thông tại Việt Nam có thể tham khảo kết quả nghiên cứu để định hướng các nội dung truyền thông nhằm đảm bảo chuyển tải đúng và hiệu quả các chủ trương chính sách của Nhà nước, về lao động việc làm và tư vấn hướng nghiệp. Luận án cũng đóng góp nguồn tư liệu, dữ liệu thứ cấp cho nghiên cứu và giảng dạy ngành Dân tộc học/ Nhân học trong tiếp cận nghiên cứu về lao động việc làm.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên