Tin tức - Sự kiện

Biến đổi văn hoá của cư dân huyện đảo Lý Sơn trong quá trình hiện đại hoá - NCS. Cao Nguyễn Ngọc Anh

  • 15/01/2025
  • Luận án: Biến đổi văn hoá của cư dân huyện đảo Lý Sơn trong quá trình hiện đại hoá
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã số: 9310310
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Cao Nguyễn Ngọc Anh
    Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Ngô Văn Lệ; PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Nghiên cứu này nhằm khám phá sự biến đổi văn hóa của cộng đồng cư dân huyện đảo Lý Sơn dưới tác động của quá trình hiện đại hóa. Cụ thể, nghiên cứu hướng đến ba mục tiêu chính: (1) Phân tích quá trình hiện đại hóa tại huyện đảo Lý Sơn, qua đó làm rõ các yếu tố tác động đến đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương; (2) Nghiên cứu sự biến đổi văn hóa, đặc biệt là sự thay đổi trong các thiết chế xã hội truyền thống và thực hành tín ngưỡng trong bối cảnh hiện đại hóa; (3) Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi văn hóa và nhận diện những xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình hiện đại hóa.
    Để lý giải sự biến đổi văn hóa tại huyện đảo Lý Sơn, luận án áp dụng lý thuyết hiện đại hóa và lý thuyết kinh tế chính trị. Lý thuyết hiện đại hóa nhấn mạnh rằng sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và phát triển cơ sở hạ tầng có tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi cấu trúc xã hội và các thực hành văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho sự tái cấu trúc các giá trị văn hóa truyền thống. Trong khi đó, lý thuyết kinh tế chính trị lại tập trung vào tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị và toàn cầu hóa đối với nền văn hóa địa phương, làm nổi bật sự tương tác giữa các yếu tố này trong quá trình biến đổi văn hóa. Cả hai lý thuyết giúp làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa hiện đại hóa và biến đổi văn hóa tại huyện đảo Lý Sơn. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập qua quá trình điền dã kéo dài từ tháng 3 năm 2008 đến tháng 8 năm 2023. Phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa quan sát tham dự, phỏng vấn sâu và nghiên cứu thư tịch đã được sử dụng để tổng hợp và phân tích các tài liệu liên quan.
    Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình hiện đại hóa đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thiết chế làng xã truyền thống, bao gồm sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng xã hội và thực hành tín ngưỡng. Cộng đồng Lý Sơn đã chủ động điều chỉnh các hình thức tổ chức làng xã truyền thống, đồng thời tích hợp yếu tố hiện đại vào các thực hành văn hóa, tạo ra sự giao thoa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, các yếu tố kinh tế – xã hội, như sự phát triển du lịch, hạ tầng và khoa học công nghệ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc các thực hành văn hóa địa phương. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự biến đổi văn hóa tại Lý Sơn không phải là sự thay thế hoàn toàn các giá trị truyền thống, mà là một quá trình tái tạo liên tục, trong đó các yếu tố truyền thống được điều chỉnh và phục hồi trong các bối cảnh xã hội mới. Đây là một quá trình sáng tạo, thích ứng và phát triển, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững bản sắc văn hóa địa phương trong bối cảnh hiện đại hóa.
    2. Kết quả nghiên cứu của luận án
    Kết quả nghiên cứu của luận án đã làm rõ những phát hiện quan trọng về sự biến đổi văn hóa của cộng đồng cư dân huyện đảo Lý Sơn dưới tác động của quá trình hiện đại hóa. Quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã có tác động sâu rộng đến cấu trúc kinh tế và xã hội của địa phương. Đặc biệt, sự chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang các ngành dịch vụ và du lịch, nhất là sau khi huyện đảo kết nối với điện lưới quốc gia vào năm 2014, đã tạo ra sự đa dạng hóa trong phương thức sinh kế của người dân, đồng thời cải thiện đáng kể cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng.
    Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra sự biến đổi của các thiết chế xã hội truyền thống, như làng và vạn. Mặc dù các thiết chế này vẫn duy trì cấu trúc phân cấp từ làng đến xóm, đến lân, nhưng đã có những thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức, tiêu chí bình chọn và vai trò trong cộng đồng, cũng như mối quan hệ giữa thiết chế xã hội truyền thống và tổ chức quan phương. Làng và vạn không còn giữ vai trò quản lý xã hội như trước đây, mà chuyển sang chuyên môn hóa hơn, chủ yếu tập trung vào các hoạt động tín ngưỡng. Những biến đổi này phản ánh khả năng thích ứng linh hoạt của cộng đồng Lý Sơn trong bối cảnh hiện đại hóa.
    Về mặt thực hành tín ngưỡng, luận án làm rõ rằng các thực hành này đã trở nên phong phú và đa dạng trong bối cảnh hiện đại hóa. Không chỉ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, các thực hành tín ngưỡng còn tạo cơ hội phát triển kinh tế thông qua các lễ hội thu hút đông đảo du khách. Việc phục hồi cơ sở thờ tự và thực hành tín ngưỡng cũng thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa chính sách phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, khẳng định bản sắc cộng đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
    Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như chính sách nhà nước, hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển kinh tế, cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, là những yếu tố tác động đến sự biến đổi văn hóa của cộng đồng cư dân Lý Sơn. Quá trình hiện đại hóa tại Lý Sơn không chỉ duy trì và phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sự tái cấu trúc văn hóa, thể hiện qua sự gia tăng các hoạt động lễ nghi và tín ngưỡng, cùng sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong quá trình phát triển.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề cần nghiên cứu tiếp theo
    Về mặt khoa học, luận án đã phân tích mối quan hệ giữa hiện đại hóa và biến đổi văn hóa, nhấn mạnh sự tác động qua lại giữa các yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa. Nghiên cứu sử dụng lý thuyết kinh tế chính trị và lý thuyết hiện đại hóa để lý giải rằng hiện đại hóa không chỉ là một quá trình phát triển kinh tế mà còn là một mối quan hệ phức tạp với các giá trị văn hóa truyền thống. Luận án đã góp phần làm sáng tỏ sự phức tạp của quá trình này bằng cách chỉ ra rằng biến đổi văn hóa tại huyện đảo Lý Sơn không chỉ là quá trình đứt gãy mà còn là sự tái tạo liên tục, trong đó các yếu tố truyền thống được điều chỉnh và tái sinh trong các bối cảnh xã hội mới.
    Luận án cũng đã làm sáng tỏ quá trình hiện đại hóa tại huyện đảo Lý Sơn thông qua phân tích chi tiết về sự thay đổi trong các thiết chế xã hội và thực hành tín ngưỡng. Mặc dù đối diện với nhiều thách thức, cộng đồng địa phương đã cho thấy khả năng linh hoạt và sáng tạo trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Những kết quả này không chỉ nâng cao hiểu biết về quá trình biến đổi văn hóa tại Lý Sơn mà còn đưa ra những gợi ý quan trọng cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong việc phát triển bền vững các khu vực ven biển khác của Việt Nam.
    Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại chủ yếu tập trung vào phân tích dữ liệu định tính, mở ra một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về tác động kinh tế và xã hội của du lịch và dịch vụ đối với cộng đồng. Để làm rõ hơn các xu hướng biến đổi và ảnh hưởng của chúng đối với văn hóa cộng đồng, việc kết hợp phương pháp định tính và định lượng trong các nghiên cứu tiếp theo sẽ là một hướng đi khả thi. Sự kết hợp này không chỉ giúp làm phong phú thêm hiểu biết về tác động của du lịch và dịch vụ mà còn giúp xác định các yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của huyện đảo Lý Sơn trong bối cảnh hiện đại hóa.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên