Trong thời đại công nghệ hóa toàn cầu, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, đa dạng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: giáo dục đào tạo, thị trường việc làm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Các trường đại học tích cực tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và giảng viên, nghiên cứu viên gặp gỡ, chia sẻ các nội dung nghiên cứu, phát triển sản phẩm của hai bên.
Để đạt kết quả cao và phát huy tối đa nguồn lực các bên, quy trình hợp tác cần đảm bảo nhiều yếu tố.
Xác định rõ mục tiêu chung
Trường đại học và doanh nghiệp cần xác định mục tiêu và lợi ích chung trong việc thực hiện dự án nghiên cứu, làm rõ các câu hỏi nghiên cứu cụ thể, phương thức phát triển sản phẩm, quy trình công nghệ và những thách thức có thể xảy ra. Điều này đảm bảo cả hai bên có những cam kết hành động và động cơ thúc đẩy cụ thể để hợp tác trong mọi tình huống tương lai. Các đơn vị cần trao đổi về những khó khăn, điểm đặc thù trong quy trình làm việc của đại học công lập và doanh nghiệp, từ đó đưa ra những giải pháp cho các vấn đề tiềm ẩn, cân đối và hài hòa giải quyết những vướng mắc của hai bên. Đặc biệt, các nhà khoa học cũng cần điều chỉnh định hướng nghiên cứu, tránh các nghiên cứu tuy hàm lượng khoa học nhưng chưa thể đưa vào ứng dụng hoặc chưa phù hợp với nhu cầu và thực tế phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.
Lập kế hoạch cụ thể
Điều này để đảm bảo rằng mọi dự án nghiên cứu có kế hoạch rõ ràng với mục tiêu, phạm vi và thời hạn xác định. Kế hoạch cần chuyển hóa lý thuyết thành các hoạt động cụ thể. Khi quyết định hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong trường đại học cần làm rõ các nội dung đầu tư, tài trợ và nguồn lực, bao gồm việc xác định nguồn tài chính, trang thiết bị và đội ngũ nghiên cứu sẽ tham gia dự án.
Bên cạnh đó, đơn vị nghiên cứu thuộc trường đại học cũng cần bàn bạc chi tiết với doanh nghiệp về nội dung sở hữu trí tuệ, các quy định về sáng kiến khoa học khi đề tài có nguồn vốn từ Nhà nước kèm với các quy chế phải tuân thủ. Doanh nghiệp cũng cần trao đổi nguyện vọng trong việc sử dụng các sáng kiến khoa học, chuyển giao công nghệ, khả năng hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất để giảng viên, nghiên cứu viên hiểu rõ và đưa ra phương án hợp tác nghiên cứu phù hợp. Trường đại học và doanh nghiệp có những cơ chế quản lý về thông tin, vận hành và tài chính khác nhau. Do vậy, các đơn vị cần có văn bản ký kết hợp tác đi kèm với phụ lục các hoạt động hợp tác sẽ triển khai, các thông tin chi tiết về phương thức liên hệ, nhân lực phụ trách liên lạc.
Chia sẻ tri thức và kỹ năng
Trong giai đoạn hợp tác nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp cần tạo cơ hội chia sẻ tri thức và kỹ năng giữa hai bên, nhờ đó tăng hiệu quả trong sự phối hợp giữa nhà nghiên cứu đại học và chuyên gia doanh nghiệp. Trong môi trường đại học, các nhà khoa học thường thiếu kiến thức về mảng kinh doanh sản phẩm, nghiên cứu nhu cầu thị trường. Vì vậy những chia sẻ của doanh nghiệp sẽ giúp các các nhà khoa học mở rộng góc nhìn và đánh giá được những sản phẩm khoa học thực sự cần thiết được nghiên cứu và phát triển.
Với doanh nghiệp, việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cần các nghiên cứu cơ bản ban đầu nhưng nguồn lực thường không cho phép, đồng thời thiếu kinh nghiệm quản lý nghiên cứu. Trong quá trình hợp tác, nhà khoa học có thể chia sẻ những phương pháp xây dựng đề án và nghiên cứu, giúp nhà quản lý doanh nghiệp hiểu hơn về quy trình nghiên cứu khoa học.
Đo lường và đánh giá
Cả nhà khoa học và doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện đề tài hợp tác theo các văn bản đã ký kết. Tuy quá trình nghiên cứu do các nhà khoa học đảm nhận nhưng cần có các phương pháp đánh giá và chỉ số để đo lường hiệu suất và hiệu quả của dự án hợp tác. Doanh nghiệp cần hướng dẫn và triển khai các phương án đo lường, đánh giá sản phẩm dựa trên tiêu chí chuẩn của quy mô công nghiệp để nhà khoa học nắm bắt và đáp ứng đúng yêu cầu, tạo ra sản phẩm có thể đưa ra thị trường tiêu dùng.
Học hỏi liên tục
Không chỉ trong quá trình hợp tác, mà kể cả sau khi các dự án đã hoàn thành, cả nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cần có những buổi họp để báo cáo kết quả, phân tích những thuận lợi và khó khăn trong quá trình hợp tác, những điều tốt cần duy trì và phát huy, những nhược điểm cần tìm ra nguyên do và khắc phục. Nhờ vậy, hai bên sẽ tận dụng những kinh nghiệm và học hỏi từ mỗi dự án hợp tác để làm cho các dự án sau càng hiệu quả hơn.
ĐHQG-HCM - với thế mạnh là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo lớn nhất và dẫn đầu về khoa học công nghệ tại Việt Nam, với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên có trình độ cao, năng động, sáng tạo - đang là điểm sáng về việc hợp tác với các doanh nghiệp và địa phương. Thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ của đất nước, ĐHQG-HCM sẽ luôn nỗ lực cùng các doanh nghiệp để thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào việc sản xuất các sản phẩm công nghệ, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Bài, ảnh: ĐỖ THỊ THU HIỀN - NGUYỄN PHƯƠNG THẢO
Hãy là người bình luận đầu tiên