Địa phương

ĐHQG-HCM ứng dụng hoa học - công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương

  • 15/10/2024
  • Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 đã xác định: “Đến năm 2030 ĐHQG-HCM thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn kết và phục vụ cộng đồng”. ĐHQG-HCM luôn cố gắng đồng hành cùng các địa phương trong nhiều hoạt động hợp tác, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

    Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị tiên phong và thực hiện có hiệu quả các hoạt động ứng dụng khoa học – công nghệ giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Điển hình có thể kể đến những hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua. Trường Đại học Bách khoa đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND tỉnh Đồng Tháp vào ngày 21/5/2020. Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM cùng với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các hoạt động ứng dụng Khoa học – công nghệ trên các lĩnh vực mà tỉnh Đồng Tháp đang có nhu cầu và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

    Ứng dụng Khoa học – công nghệ trong lĩnh vực xây dựng

    Hai bên đã thực hiện 01 đề tài cấp tỉnh liên quan trong lĩnh vực xây dựng: “Ứng dụng BIM quản lý vận hành công trình khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp”, thời gian là 12 tháng (từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2023, gia hạn đến 02/2024), tổng kinh phí thực hiện 2,604 tỷ đồng. Sản phẩm đề tài hướng đến mô hình BIM; Ứng dụng BIM trong quản lý và vận hành tại công trình khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp; Xây dựng phần mềm ứng dụng (app) quản lý và vận hành công trình BIM bằng mã QR được tích hợp trên thiết bị điện thoại và máy tính. Thông qua đề tài trên, nhóm nghiên cứu đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Xây dựng, tỉnh Đồng tháp tổ chức các hội thảo nhằm chuyển giao mô hình thông tin BIM và phương pháp quản lý mô hình thông tin; Chuyển giao và hướng dẫn ứng dụng quản lý vận hành cho kỹ thuật và quản lý; Báo kết quả và tính hiệu quả trong việc ứng dụng mô hình BIM trong quản lý vận hành; Tổ chức 05 khóa đào tạo dành cho cán bộ quản lý và chuyên viên, kỹ thuật viên như lớp nhận thức về BIM, lớp mô hình thông tin BIM trong lĩnh vực kiến trúc, lớp mô hình thông tin BIM trong lĩnh vực kết cấu, lớp mô hình thông tin BIM trong lĩnh vực hệ thống cơ điện MEPF, lớp mô hình thông tin BIM trong lĩnh vực quản lý thi công.

    Ứng dụng Khoa học – công nghệ trong lĩnh vực môi trường

    Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM cũng đã thực hiện 01 đề tài cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực môi trường, đó là “Quan trắc môi trường nước phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu tại vườn Quốc gia Tràm Chim”, thời gian thực hiện 18 tháng (từ tháng 05/2022 đến tháng 11/2023) với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Sản phẩm nghiên cứu hướng đến ứng dụng trong quan trắc môi trường nước góp phần công tác bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng biến đổi khí hậu tại vườn Quốc gia Tràm Chim, đồng thời thông qua đề tài nhóm nghiên cứu tổ chức 03 buổi hội thảo cùng chuyên gia, cán bộ quản lý của các sở, ban, ngành và cán bộ vườn Quốc gia Tràm Chim. Công tác bảo tồn vườn Quốc gia Tràm Chim là một nhiệm vụ rất quan trọng, bằng sản phẩm cụ thể về khoa học và các buổi hội thảo, đề tài cũng đã xây dựng được hệ thống thông tin khoa học môi trường, đồng thời cũng đóng góp vào công tác kết nối chuyên gia, nhà quản lý.

    Chuyên gia của Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM nghiên cứu thực địa tại tại vườn Quốc gia Tràm Chim

    Ứng dụng Khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp

    “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp”, thời gian thực hiện 30 tháng từ tháng 11/2020 đến tháng 04/2024, với tổng kinh phí là 15,9 tỷ đồng. Sản phẩm đề tài hướng đến hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu trung tâm cho Làng thông minh; Hệ cơ sở dữ liệu lớn (big data); Platform phân tích, tổng hợp dữ liệu; Máy chủ lưu trữ và phân tích dữ liệu; Cây thông tin Hội quán; Báo cáo mô tả quy trình số hoá sản phẩm Xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và đặc thù của địa phương; Bộ cơ sở dữ liệu về nhật ký canh tác sản phẩm Xoài.

    Người dân tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình Làng thông minh

    Thông qua đề tài, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 05 hội thảo với các chủ đề: Giải pháp công nghệ tiên tiến ứng dụng cho Làng thông minh; Giải pháp Cổng thông tin cho Làng thông minh; Hệ thống camera giám sát an ninh xã hội ứng dụng trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho Làng thông minh; Giải pháp kỹ thuật truy nguyên nguồn gốc nông sản; Hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu trung tâm cho Làng thông minh. Khách mời tham dự hội thảo gồm các chuyên gia, cán bộ quản lý của các sở, ban, ngành, phòng kinh tế, công an thành phố Cao Lãnh, đại diện của địa phương, đoàn thể, hội quán. Đây là mô hình triển khai đề tài cấp Quốc gia điển hình với chuyên gia khoa học đến từ trường đại học, nhu cầu thực tế của tỉnh, sự đồng hành của một số đối tác, trên cơ sở đó, đề tài đã xây dựng đa dạng sản phẩm cụ thể hướng đến ứng dụng cụ thể trong việc phát triển nông nghiệp tại tỉnh.

    Bài và ảnh: Vũ Đức Thế, Phòng Quan hệ Đối ngoại - Trường Đại học Bách khoa