Tên luận án: Hiện đại hóa văn học Việt Nam ở Nam Bộ qua 3 tờ báo: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 9220121
Nghiên cứu sinh: Trần Huỳnh Tuyết Như
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM
Tóm tắt
Với đối tượng nghiên cứu của luận án là hoạt động sáng tác văn học và lý luận phê bình của ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn trong đời sống văn chương Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm các tài liệu, sau đó sắp xếp, thống kê vào từng loại thể riêng để nghiên cứu về đặc điểm, giá trị cũng như những đóng góp của tờ báo này vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Trong toàn luận án, chúng tôi lần lượt phối hợp sử dụng các phương pháp sau: phương pháp nghiên cứu xã hội, phương pháp nghiên cứu hệ thống và phương pháp so sánh.
Luận án sẽ tìm hiểu các nội dung cơ bản về thành tựu và những đóng góp lớn của văn học trên ba tờ báo: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn trong quá trình hiện đại hóa nền văn học theo hướng nghiên cứu từ tổng quan đến cụ thể. Thông qua việc khảo sát các tư liệu cụ thể trên mỗi tờ báo, luận án nhằm khẳng định vai trò của báo chí trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
Trên cơ sở đó, người viết hướng đến giải quyết các mục tiêu cốt lõi của luận án là:
Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
Ở chương này, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát qua tình hình nghiên cứu văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói chung và ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn nói riêng. Song song đó, thông qua tư liệu, luận án cũng liên hệ tới vấn đề hiện đại hoá văn học phương Tây, văn học Đông Á và văn học Việt Nam cùng những nhân tố cơ bản thúc đẩy tiến trình này, nhằm cung cấp một góc nhìn tổng quan về đối tượng nghiên cứu chính của đề tài.
Chương 2: Hiện đại hoá văn học ở Nam Bộ qua Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn xét trên bình diện đội ngũ những người sáng tác
Trong khuôn khổ của chương 2 của luận án, chúng tôi sẽ khái quát lại thời điểm ra đời, quá trình vận động và phát triển, các chuyên mục của ba tờ báo. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt tập trung làm rõ những đóng góp của Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn trong việc ươm mầm và khuyến khích đội ngũ sáng tác.
Chương 3: Hiện đại hoá văn học ở Nam Bộ qua Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn xét trên bình diện thể loại (truyện dịch, truyện ngắn và tiểu thuyết)
Ở trong chương này, chúng tôi tập trung nghiên cứu và phân tích những đóng góp của Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn cho tiến trình vận động của văn xuôi tự sự, cụ thể là qua mảng văn học dịch, tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong đó, chúng tôi sẽ làm rõ: nếu tác phẩm văn học dịch góp phần khơi nguồn cho nhu cầu thưởng thức văn chương bằng chữ Quốc ngữ của độc giả thì mảng sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn lại góp phần trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của văn xuôi tự sự theo tinh thần hiện đại.
Chương 4: Hiện đại hoá văn học ở Nam Bộ qua Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn xét trên bình diện hoạt động nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học
Do giới hạn của việc tìm kiếm tư liệu, chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát được mảng nghiên cứu lý luận và phê bình văn học trên Gia Định báo nên trong chương này, luận án sẽ chủ yếu tập trung vào hoạt động nghiên cứu lý luận và phê bình văn học được thể hiện qua các bài viết được đăng tải trên các báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn, qua đó thấy được vai trò và những đóng góp tích cực của hoạt động này đối với hiện đại hoá văn học Việt Nam ở Nam Bộ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX.
Những kết quả chính
Sưu tầm, tập hợp tương đối khái quát (trong giới hạn cho phép) các sáng tác văn chương và lý luận phê bình văn học trên ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Bên cạnh đó, luận án cũng tiến hành phân tích, đánh giá một cách chi tiết những khía cạnh khác như bối cảnh lịch sử xã hội, các tiền đề về tư tưởng giáo dục, sự ra đời và hình thành đội ngũ sáng tác mới… góp phần giúp bộ phận văn học từ báo chí phát triển.
Đánh giá một cách toàn diện những đóng góp cũng như hạn chế trong hoạt động sáng tác văn chương, nghiên cứu lý luận phê bình văn học trên ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn. Song song đó, xác định vai trò của các tờ báo nói riêng và mối quan hệ giữa văn học và báo chí nói chung trong những năm đầu thế kỷ XX.
Phân tích, khẳng định đóng góp của ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn trong việc kiến tạo các giá trị mới trong những phương diện như đời sống văn hóa tinh thần, nhận thức thẩm mỹ ở Nam Bộ thời kỳ cuối thể kỳ XIX đầu thế kỷ XX.
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Luận án cung cấp cho độc giả một góc nhìn mới đa dạng đa chiều hơn cho những giá trị riêng của báo chí, mối quan hệ giữa văn học và báo chí, văn học và xã hội những năm đầu thế kỷ XX nói riêng và tổng thể nền văn học nói chung. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở văn học sử, luận án cũng góp phần nêu ra ý nghĩa, những đóng góp riêng của báo chí Quốc ngữ nói chung và ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn về các phương diện như đời sống văn hóa tinh thần, nhận thức thẩm mỹ, quan niệm về nghệ thuật và con người ở Nam Bộ thời kỳ cuối thể kỳ XIX đầu thế kỷ XX.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Trong giới hạn về phạm vi nghiên cứu, luận án còn bỏ ngỏ việc so sánh báo chí Nam bộ so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, hay Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, luận án cũng gợi ra những đề tài nghiên cứu tiếp theo như: So sánh báo chí Nam bộ với báo chí tại Bắc bộ, So sánh thời kỳ đầu phát triển của báo chí Nam bộ với Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc…
Nhìn chung, đóng góp quan trọng của ba tờ báo là việc đưa văn học viết đến gần với công chúng, tiếp nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau, góp phần đại chúng hoá và hiện đại hoá văn học Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua các sáng tác văn chương và mảng nghiên cứu lý luận phê bình văn học, cả ba tờ báo Gia Định báo, Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn đều ra sức khuyến khích tinh thần dân chủ, phá vỡ những quan điểm ước lệ có tính chất giai cấp tồn tại lâu dài trong nền văn học trung đại trước đây.
Hãy là người bình luận đầu tiên