Ngày 17/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và ĐHQG-HCM sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”. Website ĐHQG-HCM đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM về hội thảo này.
* Xin ông cho biết VEC 2018 sẽ tập trung vào các nội dung nào?
- Nối tiếp thành công Hội thảo Giáo dục 2017, năm nay Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) phối hợp ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập quôc tế”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và các đại biểu tham dự, chứ không phải nghe báo cáo một chiều. Ở đó, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sẽ cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung: Các vấn đề chung của giáo dục đại học Việt Nam, năng lực của hệ thống giáo dục đại học, tài chính đại học nhìn từ góc độ quản lý nhà nước và quản trị đại học.
* Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, ĐHQG-HCM sẽ chia sẻ những kinh nghiệm gì để phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay?
- Những nội dung thảo luận trong hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho Ủy ban trong việc thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định những chính sách phát triển giáo dục đại học tương xứng với vị trí, vai trò của trình độ đào tạo này; đặc biệt là xây dựng được nguồn dữ liệu phục vụ việc thẩm tra Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào cuối năm 2018.
Tham gia Hội thảo lần này, ĐHQG-HCM rất muốn lắng nghe ý kiến đóng góp nhiều chiều, nhiều góc độ của các chuyên gia nghiên cứu - quản lý giáo dục; đồng thời, ĐHQG-HCM cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính sách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm thế nào để xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và cả bên ngoài hiệu quả, cũng như kinh nghiệm triển khai công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài và cải tiến liên tục tại đơn vị.
Tôi tin rằng, từ hội thảo này, ĐHQG-HCM sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của ĐHQG-HCM, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục đại học Việt Nam.
* Cách thức tổ chức hội thảo năm nay có gì khác so với năm 2017 không, thưa ông?
- Từ kinh nghiệm của năm 2017, năm nay công tác tổ chức có ít nhiều thay đổi để làm sao các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có thể đóng góp được nhiều nhất. Ban Tổ chức Hội thảo đã tập trung thành 3 nhóm chính:
Nhóm 1: Mời viết tham luận và trình bày tại phiên toàn thể và ba phiên chuyên đề. Được biết, các tổ chức và cá nhân đều nhiệt tình tham gia theo lời mời của Ban Tổ chức.
Nhóm 2: Mời viết tham luận và không trình bày tại hội thảo. Đã có khoảng 30 chuyên gia tham gia viết bài.
Nhóm 3: Đăng ký tự do trên website của hội thảo và của ĐHQG-HCM. Nhóm này có hơn 50 tác giả đăng ký, trong đó có 5 bài tham luận được gửi đến từ Nga, Phần Lan, Mỹ, Anh.
Nhìn chung, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục rất quan tâm và có những bài tham luận hết sức tâm huyết, nhiều ý kiến hay.
* Ông có kỳ vọng gì vào VEC 2018?
- Tôi kỳ vọng VEC 2018 sẽ thực sự trở thành một diễn đàn chính sách, nơi các đại biểu đóng góp ý kiến một cách rõ ràng, trách nhiệm, với tâm huyết chung là xây dựng nền giáo dục Việt Nam ngày càng hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển đất nước ngang tầm với khu vực và thế giới.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên