Tin tức - Sự kiện

Chiến lược ứng phó đối với rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan - NCS. Nguyễn Xuân Anh

  • 23/02/2023
  • Tên đề tài: Chiến lược ứng phó đối với rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan
    Chuyên ngành: Xã hội học
    Mã số: 9310103
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Xuân Anh
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Xoan; PGS. TS Lê Thanh Sang
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
    + Tóm tắt nội dung luận án:
    Trong những năm gần đầy, di cư lao động quốc tế có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Nguồn lợi về kinh tế đem lại từ những người di cư lao động là rất lớn, tuy nhiên người di cư cũng đã phải chịu nhiều rủi ro, đặc biệt là nhóm di cư lao động tự do. Luận án hướng đến việc tìm hiểu: (1) nhận diện nguyên nhân khiến cho người lao động Việt Nam di cư sang Thái Lan; (2) xác định các yếu tố rủi ro trong đời sống, việc làm và tình trạng pháp lý của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan; (3) phân tích các chiến lược ứng phó rủi ro của lao động Việt Nam di cư tự do sang Thái Lan. Để tiến hành phân tích, làm rõ mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng khái niệm “Lao động di cư không giấy tờ”, “Chấp nhận rủi ro” và lý thuyết về Quản lý rủi ro làm cơ sở để nghiên cứu các nội dung của luận án. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, luận án đã chỉ ra tính tích cực của người lao động thông qua việc chấp nhận rủi ro di cư để đạt được mong đợi và kỳ vọng của cá nhân cũng như gia đình có thành viên di cư. Nghiên cứu cũng cho thấy tính hai mặt của mạng lưới xã hội vừa là cơ hợi vừa là rủi ro đối với các nhóm lao động. Vì vậy, với những loại hình rủi ro khác nhau, người lao động sẽ có cách thức ứng phó bằng cách kết hợp nhiều hơn một chiến lược bao gồm: thích ứng và phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, ứng phó rủi ro.
    + Những kết quả của luận án:
    1. Luận án đã chỉ ra rằng nguyên nhân di cư của nhóm lao động tại 4 xã ven biển huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh không phải do nghèo đói, thất nghiệp hay ô nhiễm môi trường biển; mà là do sợ bị nghèo, sợ bị thất nghiệp trong khi họ vẫn được nhận đền bù vật chất lẫn chuyển đổi công việc. Đa số LĐDC không xem rủi ro là điều gì quá nguy hiểm, thậm chí họ còn tích cực cạnh tranh làm việc, chủ động tìm kiếm rủi ro để nâng cao năng lực quản lý rủi ro. Ngoài ra, quyết định di cư cũng được củng cố bởi những mong đợi, kỳ vọng đến từ các thành viên khác trong hộ gia đình.
    2. Luận án đã nêu được những yếu tố rủi ro chủ yếu của người lao động Việt Nam sang Thái Lan trong ba môi trường làm việc, môi trường sống, môi trường pháp lý. Nguyên nhân dẫn đến những rủi ro trên do tình trạng pháp lý và mạng lưới xã hội gây ra.
    3. Luận án khẳng định rằng nhóm lao động di cư không giấy tờ từ Việt Nam sang Thái Lan đã quản lý rủi ro bằng nhiều chiến lược cấp độ khác nhau bao gồm: thích ứng và phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro, ứng phó rủi ro. Ở mỗi cấp độ, người lao động có những cách thức khác nhau để đạt được lợi ích lớn nhất. Họ luôn có tâm thế sẵn sàng chấp nhận rủi ro, xem đó là là điều tích cực để hoàn thiện bản thân.
    4. Luận án đã đề xuất một số khuyến nghị gắn liền với các phát hiện nghiên cứu ở cấp độ chính sách vĩ mô, cấp độ cộng đồng, cấp hộ gia đình và cá nhân.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    - Kết quả luận án có thể hướng đến vấn đề nghiên cứu về tình trạng pháp lý của lao động Việt Nam di cư không giấy tờ tại nước ngoài, các chính sách hỗ trợ hoặc giải quyết rủi ro.
    - Ngoài ra, luận án là cơ sở để đề xuất những giải pháp nhằm phát huy tốt hơn vai trò của các nhóm xã hội có liên quan như đại diện chính quyền địa phương tại hai quốc gia xuất cư, nhập cư, nhà tuyển dụng, các tổ chức hỗ trợ phi chính thức như cộng đồng, tổ chức phi chính phủ.

    Tệp đính kèm: