Tin tổng hợp

Hội nghị Sơ kết Đề án Vị trí việc làm ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2024

  • 05/01/2024
  • Sáng 5/1, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM tổ chức Hội nghị Sơ kết Đề án Vị trí việc làm ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2024. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, chủ trì hội nghị.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu khai mạc hội nghị.

    Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học, việc xây dựng Đề án Vị trí việc làm (VTVL) là tất yếu và hơn ai hết người đứng đầu phải nắm được cơ cấu nhân sự trong đơn vị.

    “Chúng ta là đơn vị tự chủ. Đề án VTVL không thể làm đối phó. Điều này đặt ra nhận thức của người lãnh đạo đối với tầm quan trọng về Đề án VTVL. Người đứng đầu đơn vị phải xây dựng bảng mô tả công việc chi tiết nhất có thể để biết được nhân viên của mình đang làm việc đó như thế nào với mức hiệu quả ra sao” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định.

    Giám đốc ĐHQG-HCM lưu ý, chính sách lương mới áp dụng từ ngày 1/7/2024. Nếu không làm tốt Đề án VTVL, hiệu trưởng, trưởng phòng tài vụ, kế toán trưởng của các đơn vị sẽ khó tìm được nguồn để chi trả.

    Theo ThS Trần Thị Tố Uyên - Phó ban Ban Tổ chức - Cán bộ ĐHQG-HCM, năm 2022, 29/35 đơn vị (chiếm tỷ lệ 82,8%) đã xây dựng và được ĐHQG-HCM phê duyệt Đề án VTVL. 6 đơn vị còn lại do đang trong quá trình thực hiện tái cấu trúc nên chưa trình ĐHQG-HCM phê duyệt theo thẩm quyền.

    Đến năm 2023, 6 đơn vị đã trình ĐHQG-HCM phê duyệt điều chỉnh VTVL, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

    ThS Trần Thị Tố Uyên đánh giá: “Nghị định 106 của Chính phủ về VTVL và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành năm 2020 nhưng đến cuối năm 2022 và trong năm 2023 các bộ, ban ngành mới ban hành các thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ĐHQG-HCM và sự quyết tâm thực hiện của các đơn vị, Đề án VTVL của các đơn vị được xây dựng và hoàn thiện. Qua đó, trở thành căn cứ pháp lý quan trọng trong việc tuyển dụng, quản lý và xây dựng đội ngũ viên chức của ĐHQG-HCM nói chung và của các đơn vị nói riêng”.

    Ông Vũ Hải Nam - Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội Vụ, đánh giá cao việc ĐHQG-HCM đã tích cực triển khai Đề án VTVL từ rất sớm.

    Theo ông Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các trường đại học hiện nay đều phải cạnh tranh với các chương trình đào tạo quốc tế. Nếu các trường không có cơ cấu tổ chức hợp lý về VTVL sẽ khó có thể thực hiện tự chủ.

    “ĐHQG-HCM đặt ra mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học mang tầm khu vực và quốc tế, do đó việc đổi mới vị trí, đội ngũ và cơ chế vận hành thích hợp là những yêu cầu cấp bách” - Ông Vũ Hải Nam nhấn mạnh.

    Ông Nam cho biết thêm, Bộ Nội vụ sẽ sớm có chỉ đạo xây dựng về cơ cấu công chức, viên chức. Đây là bài toán khó nhất trong xây dựng vị trí việc làm. Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn trần, các đơn vị tự xác định theo yêu cầu thực tế.

    Hội nghị đã lắng nghe các tham luận về Kết quả thực hiện xây dựng và triển khai Đề án Vị trí việc làm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ThS Phùng Quán - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên), Báo cáo Hội nghị sơ kết Đề án Vị trí việc làm ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2024 của Trường ĐH Bách Khoa (TS Võ Việt Hải - Trường ĐH Bách Khoa), Một số đề xuất liên quan đến xây dựng vị trí việc làm đối với nhà khoa học trẻ (GS Phan Bách Thắng - Trung tâm INOMAR) và Báo cáo về việc thực hiện Đề án Vị trí việc làm của Trung tâm Quản lý Ký túc xá giai đoạn 2022-2024 (ThS Tăng Hữu Thủy - Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐHQG-HCM).

    Ông Vũ Hải Nam phát biểu tại hội nghị.
    Toàn cảnh hội nghị.

    Tin, ảnh: PHIÊN AN

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên