Tin tức - Sự kiện

Lỗi phát âm tiếng Việt của người Mỹ (trên cứ liệu phân tích thực nghiệm) - NCS. Lê Ngọc Diệp

  • 07/10/2019
  • Tên luận án: Lỗi phát âm tiếng Việt của người Mỹ (trên cứ liệu phân tích thực nghiệm)

    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học So sánh Đối chiếu
    Mã số: 62.22.01.10
    Nghiên cứu sinh: Lê Ngọc Diệp
    Cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV– ĐHQG-HCM
    Người hướng dẫn 1: PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang
    Người hướng dẫn 2: GS.TS Nguyễn Văn Lợi

    1.Tính cấp thiết của đề tài
    Trong sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam ngày càng phổ biến ở các nước trên thế giới. Việc dạy tiếng Việt, việc xây dựng các cơ sở lý luận, phương pháp, giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài với tư cách là L2 ngày càng được quan tâm, trong đó việc nghiên cứu các lỗi phát âm tiếng Việt và đề ra các giải pháp là rất cần thiết. 
    2.Mục đích nghiên cứu
    Luận án “Lỗi phát âm tiếng Việt của người Mỹ (trên cứ liệu phân tích thực nghiệm)” có mục đích là:
    -    So sánh, tìm ra những đặc điểm đồng nhất và khác biệt về ngữ âm âm vị học tiếng Việt và tiếng Anh-Mỹ: cấu trúc âm tiết, âm đầu, vần, thanh điệu.
    -    Phân tích các kiểu lỗi phát âm và lý giải nguyên nhân các lỗi phát âm tiếng Việt ở người Mỹ: Phụ âm đầu, vần, thanh điệu.
    -    Tìm ra các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể để khắc phục các lỗi phát âm tiếng Việt ở người Mỹ: Phụ âm đầu, vần, thanh điệu.
    3.Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    -    Luận án vận dụng những cơ sở lý thuyết sau: Ngôn ngữ học đối chiếu trên cấp độ ngữ âm âm vị học, lý thuyết lỗi (chuyển di tích cực, tiêu cực, các kiểu giao thoa ngữ âm âm vị học).
    -    Một số khái niệm cơ bản về miêu tả, phân tích ngữ âm âm vị học.
    -    Phương pháp nghiên cứu: Áp dụng các phương pháp phân tích miêu tả bằng cảm thụ thính giác kết hợp với các phương pháp phân tích tiếng nói bằng phần mềm máy tính WinCecil (phần mềm dùng trong window để phân tích các yếu tố ngôn điệu của tiếng nói), Speech Analyzer (phân tích tiếng nói) và Praat (dùng trong Windows) biểu diễn các thuộc tính âm học của âm thanh ngôn ngữ như dạng sóng âm, phổ âm, phổ đồ, F0, cường độ, trường độ, cấu trúc Formant, chất giọng (voice quality) của đơn vị âm thanh ngôn ngữ. Các phần mềm này được dùng để ghi âm, phân tích, miêu tả đặc trưng ngữ âm-âm vị học của âm đầu, vần, thanh điệu tiếng Việt do người Mỹ phát âm.
    -    Cơ sở dữ liệu: Luận án dựa trên cơ sở dữ liệu số hoá (digital data base) bao gồm các file âm thanh ghi âm số hoá các cách phát âm: phụ âm đầu, vần, thanh điệu của 20 người Mỹ: 10 nam, 10 nữ phát âm phụ âm đầu, vần, thanh điệu tiếng Việt.
    4.Kết quả nghiên cứu
    -    Luận án xây dựng cơ sở lý luận của việc phân tích lỗi phát âm, tình hình nghiên cứu về các lỗi phát âm ngữ âm âm vị học nói chung và lỗi phát âm tiếng Việt với tư cách là L2 ở người nước ngoài (chương 1).
    -    Chỉ ra những đặc điểm đồng nhất và khác biệt về hệ thống phụ âm đầu tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ (chương 2), chỉ ra những đặc điểm đồng nhất và khác biệt của các loại vần tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ (chương 3).
    -    Miêu tả, phân tích các kiểu lỗi và lí giải nguyên nhân gây nên các loại lỗi phát âm phụ âm đầu tiếng Việt ở người Mỹ (chương 2).
    -    Miêu tả, phân tích các kiểu lỗi và lí giải nguyên nhân gây nên các loại lỗi phát âm vần ở người Mỹ (chương 3).
    -    Miêu tả, phân tích các kiểu lỗi và lí giải nguyên nhân gây nên các loại lỗi phát âm thanh điệu tiếng Việt ở người Mỹ (chương 4).
    -    Đề ra các nguyên tắc và các giải pháp cụ thể khắc phục các kiểu loại lỗi phát âm phụ âm đầu, vần, thanh điệu tiếng Việt ở người Mỹ.
    5.    Đóng góp về lí luận và thực tiễn của luận án
    -    Những kết quả nghiên cứu ở trên góp phần nghiên cứu về mặt ngữ âm âm vị học tiếng Việt và tiếng Anh Mỹ, góp phần nghiên cứu về lỗi và cách khắc phục các loại lỗi ngữ âm âm vị học ngôn ngữ thứ 2 (L2) (là ngôn ngữ đơn lập đơn tiết có thanh điệu) đối với những người nói ngôn ngữ thứ nhất (L1) (là ngôn ngữ biến hình, đa tiết, không có thanh điệu).
    -    Những kết quả nghiên cứu trên góp phần nâng cao hiệu quả dạy người Mỹ phát âm tiếng Việt (biên soạn giáo trình dạy tiếng Việt cho người Mỹ)
    -    Một số kết quả nghiên cứu luận án được công bố ở ba bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành: “Lỗi phát âm phụ âm đầu tiếng Việt của người nói tiếng Anh (Mỹ)” đăng trên tạp chí “Từ điển học và bách khoa thư”, số 3 (47), 5-2017; “Lỗi phát âm tiếng Việt thường gặp ở người nói tiếng Anh (Mỹ), đăng trên tạp chí “Ngôn ngữ & đời sống” số 10 (264)-2017; “Lỗi giao thoa phát âm vần mở tiếng Việt ở người nói tiếng Anh (Mỹ)”, Ngôn ngữ & đời sống, số 8 (275)-2018.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên