Sinh viên ĐHQG-HCM

Nghiên cứu khoa học là cách thỏa mãn trí tò mò

  • 24/12/2023
  • Đó là cách Nguyễn Quỳnh Giang - sinh viên năm thứ 5 ngành Y khoa, Khoa Y ĐHQG-HCM định nghĩa về hành trình học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) của mình. Có lẽ chặng đường NCKH của nữ sinh Khoa Y chỉ đơn giản là hành trình thỏa mãn lòng hiếu tri bất tận.

    Sau 5 năm học, Nguyễn Quỳnh Giang đã gặt hái nhiều thành tích như giải Nhất Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2022, giải Nhất Giải thưởng KHCN dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2023. Nữ sinh còn nhận danh hiệu Sinh viên 5 tốt 3 năm liền nhờ tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của sinh viên.

    Nguyễn Quỳnh Giang muốn trở thành bác sĩ và giảng viên trong tương lai. Ảnh: Thu Trang

    Hai giải Nhất ở các cuộc thi NCKH

    Năm lớp 8, Quỳnh Giang hứng thú nhất với môn sinh, vì môn học này đáp ứng sở thích tìm tòi của nữ sinh. Đến khi đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi TP.HCM môn sinh năm lớp 9 và học lớp chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, Giang nhận ra bản thân yêu thích và có khả năng theo đuổi lĩnh vực này.

    Trong các ngành xét tuyển khối B (Toán, Hóa, Sinh) thì Quỳnh Giang thích nhất là ngành y khoa. Dì của Giang là bác sĩ nhi nên nữ sinh cũng được truyền cảm hứng từ dì, đồng thời hiểu được ngành y khoa có nhiều cơ hội phát triển. 

    Vì muốn hiểu rõ hơn về ngành này nên vào năm lớp 11, Giang đã tham gia cuộc thi Ươm mầm tài năng y khoa do Trường ĐH Tân Tạo tổ chức và đoạt giải Ba. Nhờ vậy, cô được tham gia chuyến nghiên cứu ngắn hạn tại Hàn Quốc và học hỏi trực tiếp từ các giáo sư đầu ngành.

    Không chỉ có cái nhìn chân thực hơn về nghề bác sĩ, xu hướng phát triển của ngành y khoa, chuyến đi này còn giúp Quỳnh Giang thêm kiên định với quyết định của mình, đó là theo học ngành Y khoa tại Khoa Y ĐHQG-HCM.

    Nữ sinh lý giải: “Mình là người thích tìm tòi, học hỏi những cái mới, còn kiến thức ngành y khoa thì cập nhật liên tục nên rất phù hợp với mình. Nghề bác sĩ cũng là nghề đòi hỏi sự cống hiến. Mình nghĩ bản thân có sự kiên định và trách nghiệm, có thể vượt qua mọi khó khăn để giúp đỡ bệnh nhân”.

    Sự tò mò và ham học hỏi cũng là điều đưa Quỳnh Giang đến với NCKH. Sau khi học môn Phương pháp NCKH, vào đầu năm thứ 3, Giang đã xin vào phòng thí nghiệm của TS Bùi Chí Bảo - giảng viên Khoa Y.

    “Ban đầu, mình chỉ muốn biết cách làm nghiên cứu. Sau này, NCKH trở thành phương cách để mình thỏa trí tò mò. Khi thấy điều gì mới, mình thường đặt câu hỏi và nghiên cứu để tìm câu trả lời” - nữ sinh sinh năm 2001 bộc bạch.

    Trong hơn 2 năm, Quỳnh Giang đã tham gia 4 đề tài theo hướng nghiên cứu của TS Bảo là nghiên cứu đa ngành liên quan khoa học thần kinh dựa trên sinh học phân tử và giải mã gen các bệnh ung thư, bệnh hiếm của nhi. Trong đó, Giang tâm đắc nhất là công trình Nghiên cứu biến tính collagen bằng nhiệt trên khối u nguyên bào thần kinh trẻ em (UNBTK).

    Theo Giang, đây là một trong những nghiên cứu đi đầu trong việc tìm hiểu về collagen và UNBTK. Công trình còn áp dụng phương pháp biến tính collagen bằng cắt hủy nhiệt laser. Phương pháp cắt hủy hiện đại này được ứng dụng phổ biến trong việc điều trị các khối u rắn khác như u gan, thận, tuyến giáp, nhưng lại chưa có nghiên cứu nào về việc ứng dụng phương pháp này trên UNBTK.

    Công trình cho thấy collagen biến tính do cắt hủy laser có khả năng làm giảm sự tăng sinh, hạn chế di chuyển và tăng quá trình chết theo chu trình của tế bào ung thư, gián tiếp làm giảm sự di căn và quá trình chuyển tiếp trung mô - biểu mô của UNBTK. Có thể nói, collagen biến tính sẽ là một tác nhân tiềm năng cho việc điều trị UNBTK.

    Sau một năm hoàn thiện phần thực nghiệm, từ tháng 6/2022, Quỳnh Giang bắt đầu viết bài báo khoa học và tham gia cuộc thi. Không chỉ được đăng trên tạp chí quốc tế Journal of Thermal Biology thuộc danh mục Q1, công trình này còn đoạt giải Nhất Giải thưởng KHCN dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2023 lĩnh vực Khoa học Y, Dược.

    Giải thưởng là sự công nhận rất lớn đối với kết quả nghiên cứu của tụi mình. Mình còn được lắng nghe nhận xét, góp ý từ thầy cô về những thiếu sót của đề tài và học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng như thuyết trình, làm poster… Đặc biệt, mình hiểu được ý nghĩa của NCKH và việc mình đang làm mang lại giá trị cho xã hội” - nữ sinh bày tỏ.

    Trước đó, nhóm nghiên cứu của Giang cũng đoạt giải Nhất Giải thưởng Sinh viên NCKH Euréka năm 2022 lĩnh vực Công nghệ sinh - Y sinh với đề tài Phân tích kiểu hình của cá thể mang bệnh nền và mô hình hóa thời gian thực của di chứng hậu COVID-19 ở Việt Nam.

    TS Bùi Chí Bảo và Nguyễn Quỳnh Giang tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng KHCN dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2023. Ảnh: NVCC

    Đạt Sinh viên 5 tốt 3 năm liền

    Đối với Quỳnh Giang, khó khăn lớn nhất trong quá trình NCKH là sắp xếp thời gian, đặc biệt là vào năm thư 4, khi cô bắt đầu đi học lâm sàng tại bệnh viện.

    Để vừa NCKH, vừa duy trì thành tích, Giang thường lập danh sách các công việc cần hoàn thành trong tuần, đồng thời tìm phương pháp học tập phù hợp nhất với bản thân. Cứ 1 tiếng thì nữ sinh sẽ tập trung học 50 phút và nghỉ ngơi 10 phút. Nhờ vậy, trong 5 năm học, Giang luôn duy trì điểm trung bình trên 8, học kỳ nào cũng nhận học bổng của Khoa Y. Điểm trung bình hiện tại của cô là 8,45.

    Vốn yêu thích và giỏi tiếng Anh (IELTS 7.5) nên Quỳnh Giang còn tham gia các cuộc thi tiếng Anh và đoạt nhiều giải thưởng như giải Ba cuộc thi Olympic Tiếng Anh chuyên toàn quốc 2021, giải Ba cuộc thi Tiếng Anh trong sinh viên Star Awards 2022 cụm TP.HCM.

    Nữ sinh còn xung phong làm chỉ huy đội hình y tế của Khoa Y trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè Xanh ĐHQG-HCM năm 2023, tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân tại địa bàn TP.Thủ Đức và học sinh tiểu học ở tỉnh Bình Thuận. Nhờ những đóng góp nổi bật, Quỳnh Giang được trao giấy khen của Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM.

    Giang cho biết đây là những hoạt động mà nữ sinh đã lên kế hoạch tham gia trong mỗi năm học, giúp cô đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt 3 năm liền (năm 2021, 2022, 2023).

    “Sinh viên 5 tốt là mục tiêu mỗi năm của mình vì đây là một danh hiệu đánh giá năng lực khá toàn diện. Danh hiệu này còn có sẵn các tiêu chí như điểm trung bình trên 8, tham gia hoạt động tình nguyện… nên mình có thể lên kế hoạch cho một năm học dễ dàng hơn” - Quỳnh Giang chia sẻ.

    Nữ sinh quê TP.HCM còn là thành viên ban nội dung của Câu lạc bộ Học thuật Khoa Y từ năm thứ nhất. Không chỉ được học hỏi kinh nghiệm tổ chức hội thảo, workshop, Giang còn có những người bạn thân thiết sau 5 năm gắn bó với câu lạc bộ. Đến nay, cô vẫn là thành viên ban cố vấn, góp ý cho các hoạt động của câu lạc bộ.

    Với thành tích học tập, NCKH nổi bật, Quỳnh Giang là một trong 10 sinh viên ĐHQG-HCM được trao học bổng Posco TJ Park 2 năm liền. Ngoài mức học bổng hơn 24 triệu/suất, Quỹ Posco TJ Park còn tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến, giúp nữ sinh kết nối bạn bè quốc tế và hiểu thêm về văn hóa các nước. Về số tiền học bổng, Giang dành hầu hết cho việc phát triển bản thân như học tiếng Anh và các khóa học nâng cao kỹ năng giao tiếp, thuyết trình.

    Hiện tại, Quỳnh Giang đang tập trung vào việc học lâm sàng tại bệnh viện. Buổi tối, cô tranh thủ viết bài báo khoa học và hỗ trợ TS Bùi Chí Bảo phần thống kê số liệu, viết báo cáo NCKH.

    Nhìn lại quãng thời gian đại học, điều Quỳnh Giang cảm thấy tự hào nhất không đơn thuần là thành tích mà là vì bản thân đã nỗ lực hết mình.

    “Ba mình hay nói rằng nếu con chọn theo nghề nào thì hãy cố gắng trở thành một trong những người giỏi nhất ở lĩnh vực đó. Câu nói đó đã trở thành kim chỉ nam của mình. Có thể mọi người nghĩ mình là người năng nổ, nhưng thực tế mình khá hướng nội. Mình chỉ là cố gắng hết sức, nắm bắt các cơ hội để chứng minh bản thân” - Giang thổ lộ.

    Sau khi tốt nghiệp, Giang sẽ học bác sĩ nội trú và chinh phục những bậc học cao hơn. Nữ sinh cũng mong muốn trở thành giảng viên vì sở thích chia sẻ những gì mình biết cho mọi người.

    THU TRANG

    Đậu ngành Y khoa Khoa Y ĐHQG-HCM với 1.031 điểm

    Những năm THPT, trừ môn sinh học thì Quỳnh Giang học đều các môn. “Tuy vậy, mình học rộng chứ không sâu, mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi kiến thức sâu ở một số môn học. Do đó, điểm thi tốt nghiệp THPT của mình không quá cao. Còn kỳ thi ĐGNL thì bao quát kiến thức ở bậc THPT nên phù hợp với mình hơn” - Quỳnh Giang hồi tưởng.

    Vốn là người không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào nên Quỳnh Giang đã tham gia kỳ thi ĐGNL cả hai lần và đạt kết quả cao ở lần 2 với 1.031 điểm. Nhờ vậy, nữ sinh đã đậu ngành Y khoa ĐHQG-HCM.

     

    Có năng khiếu tư duy logic và vốn ngoại ngữ tốt

    Sau hơn 2 năm hướng dẫn Quỳnh Giang, TS Bùi Chí Bảo cho rằng nữ sinh là người hướng nội nhưng lại rất chịu khó tham gia các hoạt động ngoại khóa, phong trào NCKH. 

    “Giang có năng khiếu tư duy logic và vốn ngoại ngữ rất tốt. Em có sự tập trung khi tìm hiểu vấn đề và giải quyết các câu hỏi rất nhanh. Khi gặp trở ngại, em thường giải tỏa căng thẳng bằng cách đi dạy thêm tiếng Anh, tập yoga, rồi quay lại nghiên cứu đến cùng dù thất bại hay thành công” - ông nhận xét.

    TS Bảo hy vọng Quỳnh Giang sẽ tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu, bởi xã hội đang rất cần những bác sĩ có năng lực ở cả phòng khám lẫn phòng thí nghiệm.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên