Tin tức - Sự kiện

Nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời trần, đặc điểm và giá trị lịch sử - NCS. Nguyễn Văn Hạnh

  • 01/06/2023
  • Tên luận án: Nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời trần, đặc điểm và giá trị lịch sử
    Chuyên ngành: triết học
    Mã số: 9.22.90.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn Hạnh    
    Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Trịnh Doãn Chính, TS. Nguyễn Anh Quốc
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Xây dựng nhân sinh quan cho con người Việt Nam là một vấn đề  có vai trò và ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam. Bởi nó góp phần đào tạo nên những con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, là nhân tố quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với việc chăm lo phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, Đảng Cộng sản Việt nam luôn quan tâm, chú trọng đặc biệt đến giáo dục, bồi dưỡng nhân sinh quan cho mỗi con người Việt Nam.
    Vì thế, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ trong xây lĩnh vực kinh tế - xã hội, mà còn cả trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng; xây dựng được lớp người Việt Nam mới có năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội, đáp ứng được những yêu cầu to lớn của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự ảnh hưởng nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa, dẫn đến một số người có lý tưởng sống không đúng đắn, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Vì thế, việc nghiên cứu những giá trị của nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần, từ đó rút ra những bài học lịch sử, góp phần vào sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng nhân sinh quan đúng đắn cho con người Việt Nam hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực.
    Nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần là sự phản ánh những đặc điểm và yêu cầu của xã hội Đại Việt thế kỷ XIII - XIV đặt ra, đó là nhiệm vụ củng cố, xây dựng nhà nước Đại Việt độc lập, thống nhất, tự chủ, hùng mạnh về kinh tế, chính trị - xã hội nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc; đó là yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển một nền văn hóa Đại Việt độc lập, nhằm chống lại sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam; đó còn là nhiệm vụ đoàn kết toàn dân tộc từ triều đình cho đến muôn dân nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, chống lại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông. Là hình thái ý thức xã hội, nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần còn là sự tiếp thu những tiền đề tư tưởng trước đó. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà đặc biệt là lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc; tinh thần đoàn kết toàn dân; lòng nhân ái, khoan dung, tình nghĩa; đó còn là các giá trị đạo đức, luân lý “Tam cương”, “ngũ thường”, “ngũ luân” của Nho giáo; quan điểm “vô vi”, thanh tịnh của Lão giáo; quan điểm “từ bi” “hỷ xả”, việc tu luyện đạo đức, tri tuệ, đạt tới cái tâm trong sáng, bản nhiên, giác ngộ, “giải thoát” của Phật giáo.
    Nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần thể hiện phong phú và đặc sắc ở những vấn đề cơ bản: Thứ nhất, quan niệm về mục đích, lý tưởng sống của con người; thứ hai, quan niệm về đạo lý làm người; thứ ba, quan niệm về phẩm chất và chuẩn mực đạo đức của con người; thứ tư, quan niệm, thái độ của con người đối với sự sống và cái chết. Trong đó, vấn đề về mục đích, lý tưởng sống, thể hiện ở tinh thần dân tộc, lòng yêu nước; vấn đề về đạo lý làm người, thể hiện ở bổn phận, trách nhiệm của con người với cuộc sống, với dân tộc và đất nước; vấn đề về phẩm chất đạo đức con người, đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện theo chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của con người; cũng như quan niệm coi sống chết là tính chất vô thường, là vấn đề tự nhiên, bình thường của cuộc đời con người; do đó cần phải có thái độ sống đúng đắn, sống giúp ích gì cho đời... Những nội dung nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần là sự thống nhất chặt chẽ giữa quan điểm luân lý đạo đức Phật giáo với những vấn đề chính trị xã hội; nó là sự kế thừa, dung hợp, phát triển tư tưởng của Tam giáo, thể hiện tinh thần nhập thế tích cực; và mang đậm tính nhân văn của Phật giáo.
    Với nội dung sâu sắc và đặc điểm nổi bật trên, nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực. Về mặt lý luận, nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần không chỉ góp phần hệ thống hóa và làm sâu sắc thêm các khái niệm, phạm trù về nhân sinh quan, mà còn là tiền đề cho các nhà tư tưởng của thời đại sau tiếp thu, kế thừa, phát triển, ngày càng phong phú, sâu sắc hơn vấn đề nhân sinh quan trong lịch sử tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Về mặt thực tiễn, nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần góp phần giáo dục, đào tạo nên những con người Việt Nam có mục đích, lẽ sống đúng đắn, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp, thể hiện tập trung ở tinh thần dân tộc, lòng yêu nước; góp phần tập hợp sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, đánh thắng các cuộc xâm lăng của giặc Nguyên  - Mông, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng một nước Đại Việt độc lập, thống nhất, hùng mạnh; góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần, đã để lại những bài học lịch sử bổ ích đối với việc giáo dục, đào tạo con người Việt Nam mới, đặc biệt là việc giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, về mục đích, lý tưởng sống, lẽ sống, đạo lý làm người, vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và dân tộc, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Luận án đã trình bày, phân tích, hệ thống hóa và làm rõ những nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần thể hiện trong quan niệm về mục đích, lý tưởng sống của con người; quan niệm về đạo lý làm người, về phẩm chất và chuẩn mực đạo đức; về quan niệm và thái độ của con người đối với sự sống và cái chết. Trên cơ sở đó, luận án đã phân tích, đánh giá, chỉ ra những giá trị và hạn chế trong nhân sinh quan tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần; từ đó rút ra những bài học lịch sử đối với thực tiễn lịch sử xã hội thời Trần, cũng như bài học đối với sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng nhân sinh quan cho con người Việt Nam hiện nay; nhất là giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, lý tưởng sống, lẽ sống, đạo lý làm người, vai trò, bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước và dân tộc.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Bằng sự trình bày một cách có hệ thống những nội dung, đặc điểm và giá trị của nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần, luận án không chỉ giúp người đọc có sự nhận thức sâu sắc hơn vấn đề nhân sinh quan Phật giáo thời kỳ này mà còn giúp có sự đánh giá khách quan, đúng đắn hơn giá trị vai trò của nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần đối với thực tiễn và yêu cầu của lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XIII - XIV. Những bài học lịch sử rút ra từ nhân sinh quan trong tư tưởng triết học Phật giáo thời Trần, là những bài học kinh nghiệm lịch sử có ý nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân sinh quan cho con người Việt Nam mới phát triển toàn diện hiện nay.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên