Đối tác doanh nghiệp

Phát triển hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai

  • 28/12/2023
  • Quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là sự tương tác có tính cá nhân và tổ chức, nhằm hỗ trợ nhau trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp là nơi kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Còn trường đại học là nơi đào tạo, giúp cho người học có thể thích ứng nhanh chóng với những đòi hỏi của thị trường.

    Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan

    Tuy nhiên, việc thiếu kết nối và những bất cập trong việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã dẫn đến chất lượng và hiệu quả đào tạo chưa cao. Việc các doanh nghiệp than phiền về tình trạng nhân sự sau tuyển dụng không làm được việc, phải đào tạo lại là hiện tượng khá phổ biến. Bên cạnh đó, phương thức và chính sách đào tạo của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa thực sự đạt chuẩn như một số mô hình đào tạo điển hình của Đức, của Úc. Ở đó, các cơ sở đào tạo dành 70% thời gian thực hành để người học thực sự tạo ra giá trị vật chất cũng như giá trị của việc học đi đôi với hành.

    Chính vì vậy, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích hai phía: vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp vừa giúp cơ sở đào tạo có chương trình, kế hoạch đào tạo đúng và đủ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

    ĐHQG-HCM ký kết hợp tác với doanh nghiệp.

    Thời gian qua, ĐHQG-HCM đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trên các lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tài trợ (học bổng, nghiên cứu khoa học, xuất bản quốc tế…), phát triển cơ sở vật chất, thực tập/việc làm cho sinh viên.

    Tuy nhiên, việc hợp tác với các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Phần lớn các doanh nghiệp kết nối hợp tác còn mang nặng tính chất hình thức - là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động xã hội mà doanh nghiệp đang thực hiện - nhằm truyền thông cho doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động đào tạo còn vấp phải những bất cập về đặc thù chuyên môn và pháp lý.

    Cần đổi mới nhận thức, thay đổi tầm nhìn

    ĐHQG-HCM đang từng bước khắc phục những khó khăn trên để phát triển hợp tác với doanh nghiệp ngày càng cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng việc này, cần có tầm nhìn đúng đắn của lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò của doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu thế phát triển của kinh tế, xã hội.

    Trước hết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tuyển dụng nhân lực phù hợp. Khi đó, việc hợp tác, liên kết với đại học trở thành hoạt động mang tính chiến lược, mở ra cơ hội kinh doanh và đổi mới, sáng tạo, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của chính doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tạo lập chính sách nội bộ để xây dựng văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học ở trường đại học tham gia các dự án và chia sẻ học thuật với doanh nghiệp…

    Doanh nghiệp chia sẻ với ĐHQG-HCM về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

    Cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác về việc làm giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho sinh viên trải nghiệm thực tế bằng các chương trình thực tập, kiến tập mà còn cần hợp tác để phát triển chương trình học tập tại các trường đại học. Chẳng hạn, mô hình Work-Integrated Learning (WIL) của giáo dục đại học ở Úc với mô hình nhằm giúp sinh viên áp dụng kiến thức học thuật vào bối cảnh thực tế ở doanh nghiệp hoặc trong cộng đồng. Sinh viên sẽ được lựa chọn tham gia một kỳ thực tập hoặc một dự án của doanh nghiệp. Các chương trình thực tập và dự án của WIL được lồng ghép vào một hoặc nhiều môn học trong chương trình và được đánh giá để tính tín chỉ chính thức. Các hoạt động WIL mang lại cho sinh viên cơ hội áp dụng kiến thức đã học tại trường lớp vào thực tiễn, đồng thời tạo lợi thế cho hồ sơ xin việc, tăng cơ hội được tuyển dụng, phát triển các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp…

    Khi bước vào trường đại học, hầu hết sinh viên đều có mong muốn của mình. Họ muốn có việc làm, có thu nhập và có lộ trình tiếp theo để phát triển sự nghiệp. Trường đại học, doanh nghiệp là những nơi mang lại cơ hội để giúp họ thành công. Chính vì vậy, việc hợp tác đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp không chỉ góp phần thúc đẩy cải tiến việc dạy và học tại các trường đại học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đến tương lai, sự nghiệp của sinh viên.

    Bài, ảnh: LÊ THỊ BÍCH