Tin tổng hợp

Ra mắt sách Lý luận - phê bình văn học: Tìm hiểu và ứng dụng

  • 14/04/2024
  • Hơn 200 độc giả đã đến dự buổi Giao lưu ra mắt sách Lý luận - phê bình văn học: Tìm hiểu và ứng dụng, do Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1) vào sáng 14/4.

    Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Trưởng Bộ môn Lý luận văn học, ý tưởng ra mắt cuốn sách đã có từ lâu nhằm cập nhật một số lý thuyết góp phần vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Ông nói: “Cuốn sách là công trình chung của các giảng viên Khoa Văn học, hướng đến kỷ niệm 50 năm hoạt động của Khoa (1975-2025)”.

    Cuốn sách gồm 23 bài viết của 24 tác giả về các lý thuyết văn học từ phương Đông đến phương Tây, từ cổ điển đến hiện đại.

    Là một trong ba người tập hợp và tuyển chọn bài viết, GS Huỳnh Như Phương - giảng viên cao cấp Khoa Văn học, chia sẻ: “Mỗi bài viết đều bao gồm những vấn đề lý luận và liên hệ thực tiễn văn học. Có thể không hoàn thiện nhưng cuốn sách là nỗ lực của tập thể khoa, mong giúp ích phần nào cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học”.

    Ông gợi ý một số bài viết về lý luận văn học phương Đông như Ý thức về văn hóa dân tộc trong thơ đi sứ của Ngô Thì Vị và Nguyễn Du từ góc nhìn tư tưởng Nho gia (PGS.TS Lê Quang Trường), Những nguồn mạch chính và khả năng ứng dụng mới của lý luận văn học cổ điển Trung Quốc (PGS.TS Đoàn Lê Giang)... Các bài lý luận văn học phương Tây đặc sắc như: Chủ nghĩa hiện đại - bước ngoặt thẩm mỹ mới trong văn học phương Tây (PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu), Người kể chuyện về chiến tranh thời hậu chiến trong Số phận một con người của Mikhail Sholokhov (PGS.TS Trần Thị Phương Phương)...

    “Nhiều nhất và hay nhất là những bài viết về văn học Việt Nam. Bài viết Tiểu thuyết Người bán ngọc của Lê Hoằng Mưu từ góc nhìn so sánh của PGS.TS Võ Văn Nhơn và TS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm để có thu hoạch chút ít về lý thuyết ứng dụng. Đọc bài viết Kể chuyện tiếp biến qua các phương tiện truyền thông như là cải biên: từ truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng đến sân khấu và điện ảnh của TS Đào Lê Na để biết về nguyên lý chấn thương, hay lý thuyết trường lực trong bài Nhà văn Sơn Khanh trong không gian văn học đô thị Nam Bộ 1945-1950 nhìn từ lý thuyết trường lực của Pierre Bourdieu của TS Nguyễn Thị Phương Thúy” - GS Phương nói thêm.

    ThS Vũ Thị Lụa - giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3, bày tỏ: “Để truyền đạt cho sinh viên cách ứng dụng văn học vào việc giảng dạy trẻ mầm non, giảng viên phải nắm vững lý luận phê bình văn học. Do đó, cuốn sách này sẽ là một cẩm nang hữu ích cho các giáo viên như tôi”.

    GS Huỳnh Như Phương, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, PGS.TS Trần Thị Phương Phương giao lưu với độc giả.
    ThS Vũ Thị Lụa - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3, chia sẻ tại buổi giao lưu.

    Tin, ảnh: THU TRANG

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên