Thông cáo báo chí

Thông tin chung về ĐHQG-HCM

  • 09/08/2021
  • 1. Giới thiệu về Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

    Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) được thành lập năm 1995, với tầm nhìn hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.

    ĐHQG-HCM là một hệ thống bao gồm 38 đơn vị, trong đó có 07 trường đại học thành viên (bao gồm các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế - Luật và Đại học An Giang), 01 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 02 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính), 01 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ.

    ĐHQG-HCM hiện có 5.992 viên chức quản lý và viên chức chuyên môn; trong đó, có 1.063 tiến sĩ với 30 giáo sư, 305 phó giáo sư trên quy mô 82.586 sinh viên đại học và 7.224 học viên cao học, 1.037 nghiên cứu sinh*.

    1.1 Hành trình 26 năm xây dựng và phát triển

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì các đại học đóng vai trò then chốt cho sự hội nhập và phát triển của quốc gia. Một quốc gia có nhiều đại học xuất sắc, có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế không chỉ chứng tỏ sự tiến bộ về khoa học và công nghệ mà còn khẳng định sự vượt trội về nguồn lực trí tuệ, là tiền đề cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, thu hút đầu tư nước ngoài.

    Vào đầu thập niên 1990, công cuộc đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là khi cánh cửa giao lưu quốc tế mở rộng thì khát vọng về một nước Việt Nam công nghiệp, hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh càng trở nên cháy bỏng, nhưng đây cũng là thách thức đối với một đất nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, lại qua thời kỳ dài trong cơ chế bao cấp. Nền giáo dục đại học nước ta, từ mô hình quản lý đến công tác đào tạo, từ chỉ tiêu tuyển sinh đến phân công việc làm sau khi tốt nghiệp cũng không nằm ngoài cơ chế bao cấp này. Chương trình đào tạo tại các trường phần lớn theo hướng đơn ngành, đơn lĩnh vực, khép kín, thiếu chuẩn hóa; thiếu liên thông giữa các trường đại học; việc hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; hệ thống giáo trình, cơ sở vật chất chưa theo kịp sự phát triển.
    Ý tưởng thành lập các đại học quốc gia không phải là phát kiến của một cá nhân mà đến từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng thì cần phải có những lãnh đạo có tầm nhìn, tâm huyết và quyết tâm thay đổi đến cùng. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khơi mào ý tưởng về mô hình đại học trọng điểm có quyền tự chủ cao, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Với tầm nhìn chiến lược xác định giáo dục, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, ngày 14/01/1993, Hội nghị Trung ương 4 (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết trong đó chỉ rõ nhiệm vụ: “…Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia…”.

    Ngày 27/01/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG-HCM với sứ mệnh làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

    Tháng 8/2000, Thường vụ Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 315/TB/TW nhấn mạnh “Chủ trương xây dựng hai Đại học quốc gia thành những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới…”. Thông báo này, một lần nữa khẳng định: xây dựng ĐHQG-HCM là chủ trương có tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước.
    Trên cơ sở đó, ngày 12/02/2001 Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 15/2001/QĐ-TTg về việc tổ chức lại ĐHQG-HCM.

    Tại Điều 8, Luật Giáo dục đại học số 08 năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật số 08) khẳng định: “Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy…”.

    Ngày 17/11/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 186/2013/NĐ-CP về Đại học quốc gia gồm 7 điều quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM, thể hiện vị trí và quyền tự chủ đại học của đại học quốc gia.
    Năm 2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sau đây gọi tắt là Luật số 34) đã bổ sung thêm sứ mệnh của hai đại học quốc gia trong Điều 7: “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.”

    Để phù hợp với những quy định của Luật số 34, cả hai Đại học quốc gia đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới về đại học quốc gia với vị trí pháp lý và quyền tự chủ đại học mới để sẵn sàng cho một giai đoạn mới.

    1.2 Những kết quả đã đạt được

    Sau 26 năm xây dựng và phát triển, từ 3 trường đại học thành viên nòng cốt trong 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay ĐHQG-HCM đã trở thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - luật, khoa học sức khỏe, sư phạm, nông nghiệp…

    ĐHQG-HCM đã và đang hình thành một mô hình hệ thống các trường đại học hiện đại trong quản lý, tiên tiến trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hiệu quả, thiết thực trong phục vụ cộng đồng. Khai thác triệt để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tận dụng hiệu quả các nguồn đầu tư từ nhà nước và xã hội, ĐHQG-HCM đã thực hiện sứ mệnh tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam về số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, về số lượng các công trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và phục vụ cộng đồng, về vị trí trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế. Các kết quả cụ thể như sau:

    a. Xếp hạng đại học quốc tế

    Xuất hiện trong bảng xếp hạng QS Asia từ năm 2009, nhưng đến giai đoạn 2016-2020, với định hướng phát triển và nâng cao vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác xếp hạng một cách tích cực. Liên tục 3 năm gần đây, ĐHQG-HCM luôn thuộc top 150 đại học tốt nhất châu Á do tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc xếp hạng. Cũng theo QS, năm 2021, ĐHQG-HCM đứng top 801-1000, thuộc top 62% các đại học tốt nhất thế giới và đứng top 400 về danh tiếng học thuật. Ngoài ra 05 nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Kinh doanh và Kinh tế và Khoa học sự sống của ĐHQG-HCM thuộc top 601-800 thế giới. Gần đây nhất, ngành Kỹ thuật dầu khí của Trường Đại học Bách khoa thuộc top 101-150 của thế giới. ĐHQG-HCM còn là đại diện duy nhất trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới của QS.

    b. Đào tạo

    Công tác phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo của ĐHQG-HCM trong những năm qua không ngừng được đổi mới theo hướng hiện đại của các nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới như như mô hình CDIO, mô hình giáo dục 4.0. Chương trình đào tạo được xây dựng, cải tiến và tổ chức triển khai dựa trên kết quả đầu ra; chuyển đổi theo hướng đa ngành, tăng cường tích hợp, liên thông với các trường đại học thuộc mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-ACTS).

    Số ngành đào tạo, số chương trình đào tạo ngày càng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập khu vực đang diễn ra mạnh mẽ. ĐHQG-HCM đang vận hành 165 ngành đào tạo bậc đại học ở 20 lĩnh vực đào tạo, trong đó đang tổ chức đào tạo 116 chương trình đặc biệt (gồm 70 chương trình đào tạo chất lượng cao, 35 chương trình tài năng, 03 chương trình tiên tiến, 08 chương trình kỹ sư chất lượng cao), với quy mô đào tạo gần 16.000 sinh viên. Đối với đào tạo sau đại học, ĐHQG-HCM tổ chức đào tạo 133 ngành thạc sĩ và 94 ngành tiến sĩ ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng và thiết yếu.

    Công tác tuyển sinh được cải tiến và triển khai trong toàn hệ thống một cách đồng bộ; các phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng, phù hợp với mục tiêu thu hút và tuyển chọn thí sinh có chất lượng, phù hợp mục tiêu đào tạo. Kỳ thi Đánh giá Năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 đến nay là điểm nhấn nổi bật trong công tác tuyển sinh đại học. Năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kỳ thi vẫn được tổ chức thành công với khoảng 70.000 thí sinh dự thi và được 70 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đăng ký sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học.

    ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế, với 67 chương trình trong đó có 04 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ, 54 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 09 chương trình đạt các chuẩn quốc tế khác.
    Trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hơn 60.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.

    c. Nghiên cứu khoa học - công nghệ và phục vụ cộng đồng

    ĐHQG-HCM đã hình thành một hệ thống trên 80 phòng thí nghiệm, gồm 02 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp đại học quốc gia và các phòng thí nghiệm cấp khoa phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm.

    Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM đã thiết lập quan hệ với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước và thế giới: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, University of California, Berkeley, University of California, Los Angeles, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Đài Loan. ĐHQG-HCM cũng là thành viên các tổ chức đại học khu vực và thế giới như AUN, AUF, CHEA…

    Về công bố khoa học, trong những năm qua, ĐHQG-HCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus. So với giai đoạn 2011-2015, số lượng bài đăng tạp chí quốc tế giai đoạn 2016-10/2020 của toàn ĐHQG-HCM đã tăng gấp 2,3 lần (2.142 so với 4.990). Trong đó, số bài báo Q1 trung bình của giai đoạn 2016-2020 chiếm tỉ lệ khoảng 50% (1.399 bài) trong tổng số bài báo thuộc danh mục SSCI/SCIE (2.893 bài). Số bằng phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp bằng là trên 300.

    Từ năm 2016 đến nay, toàn ĐHQG-HCM thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỷ đồng. ĐHQG-HCM đã tiến hành đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 458 đơn, 180 đơn đã được cấp bằng, trong đó, hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích; đã hỗ trợ cho gần 100 nhóm khởi nghiệp, tổ chức hơn 200 sự kiện mỗi năm, tạo điều kiện cho 10.000 sinh viên tham gia học tập, thực tập và làm việc tại Khu Công nghệ phần mềm mỗi năm.

    ĐHQG-HCM đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo, thực hiện 105 nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm, các đề tài, dự án phát triển du lịch, kinh tế - xã hội.

    Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đã được ĐHQG-HCM triển khai thành công trong giai đoạn 2014-2020, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, giải quyết những vấn đề bức thiết về biến đổi khí hậu, liên kết vùng, phát triển bền vững cho vùng Tây Nam bộ. Tiêu biểu như mô hình liên kết chuỗi giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm chủ lực; mô hình thủy canh aquaponics tạo ra nguồn thực phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường đã được chuyển giao cho các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ; mô hình nuôi tôm bền vững dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao nuôi tôm bằng vật liệu và công nghệ nano được chuyển giao cho các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang; giải pháp phòng chống xói lở, bồi tụ cửa sông, ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở An Giang.
    Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm hữu ích là các kết quả nghiên cứu chương trình KH&CN trọng điểm ĐHQG-HCM đã được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn như: các sản phẩm của phòng thí nghiệm Tế bào gốc; dự án bảo tồn nguồn gen động vật quý của Việt Nam; dự án “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”…

    d. Quản trị đại học

    Quản trị đại học tại ĐHQG-HCM được thực hiện theo mô hình tiên tiến, hiện đại, theo hướng Hội đồng đại học ĐHQG-HCM quyết định kế hoạch, chiến lược phát triển ĐHQG-HCM, trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng và triển khai chiến lược của đơn vị. ĐHQG-HCM cùng lúc thực hiện chức năng: quản lý vĩ mô; điều phối, liên kết các đơn vị; và trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn, có tính liên ngành, liên lĩnh vực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Các đơn vị của ĐHQG-HCM được tổ chức và hoạt động theo cơ chế mở và liên thông, liên kết, sử dụng nguồn lực chung của toàn ĐHQG-HCM, đồng thời phát huy lợi thế chuyên môn đặc thù của từng đơn vị. Quản trị trong hệ thống được thực hiện theo hướng tăng quyền tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình tương ứng cho các đơn vị thành viên và trực thuộc, trong đó đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối thống nhất và kiểm tra, giám sát của ĐHQG-HCM.

    Trường Đại học Quốc tế, thành viên của ĐHQG-HCM được thành lập từ năm 2003, là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm mô hình tự chủ đại học. Bằng việc thí điểm mô hình tự chủ, Trường đã triển khai chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, thu hút được đội ngũ giảng viên, nhà khoa học được đào tạo bài bản từ nước ngoài trở về giảng dạy và nghiên cứu. Hiệu quả của mô hình tự chủ của Trường Đại học Quốc tế đã tạo tiền đề cho việc xây dựng và ban hành chính sách về tự chủ đại học sau này.

    e. Cơ sở vật chất:

    Khu đô thị ĐHQG-HCM được xây dựng trên diện tích 643.7 ha tại khu vực Linh Trung, Thủ Đức là khu đô thị đại học kiểu mẫu đầu tiên của đất nước. Khu đô thị đại học xanh, thân thiện và thông minh đang từng ngày được hoàn thiện, hình thành nên diện mạo mới. Cơ sở của các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc được xây dựng khang trang, hiện đại. Hàng loạt công trình hiện đại với sự cân đối hài hòa về kiến trúc và tuân thủ quy hoạch được hình thành một cách đồng bộ. Các phân khu chức năng như khu học tập, nghiên cứu, khu hành chính, ký túc xá, nhà công vụ, nhà văn hóa sinh viên, thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí và các khu phụ trợ khác đang được đưa vào sử dụng hiệu quả tạo nên không gian mở và môi trường tích cực, đảm bảo phục vụ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí cho cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐHQG-HCM.

    Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM tiên phong xây dựng một ký túc xá văn minh, hiện đại với quy mô 50.000 chỗ ở, đáp ứng nhu cầu lưu trú của sinh viên ĐHQG-HCM và các trường đại học trên địa bàn khu vực Thủ Đức - Dĩ An. ĐHQG-HCM cũng đã phát huy vai trò của Quỹ phát triển trong việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ phát triển đã vận động được hơn 550 tỷ đồng, trong đó hơn 250 tỷ đồng đã được triển khai với hơn 130 tỷ đồng dành cho phát triển cơ sở vật chất.

    2. Chiến lược giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn 2030

    Nhằm cụ thể hóa Báo cáo chính trị của Đảng bộ ĐHQG-HCM lần thứ VI, Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM đã xác định tầm nhìn, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, cụ thể:

    Tầm nhìn: ĐHQG-HCM trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và tri thức Việt Nam.

    Mục tiêu tổng quát: đổi mới đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

    Các mục tiêu cụ thể: đến năm 2025 bắt kịp các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu; đến năm 2030 nằm trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu của châu Á; đến năm 2030 trở thành Khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện, là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh.    

    Xác định tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2021-2025 như trên, ĐHQG-HCM đề ra sáu nhóm chiến lược và xây dựng kế hoạch hành động cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ĐHQG-HCM chọn ba nhóm chiến lược đột phá, nhằm ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện: (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đại học; (2) Xuất sắc về đào tạo - Đột phá về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; (3) Xây dựng khu đô thị đại học xanh, thông minh, bản sắc; với một số chỉ tiêu chính gồm:

    - Về đào tạo: thêm 35 chương trình đào tạo và 06 cơ sở đào tạo được kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế; hơn 90% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp.

    - Về khoa học - công nghệ: số bài quốc tế trong cơ sở dữ liệu Scopus/Web of Science tăng 3 lần, tức đạt 15.000 bài và số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích tăng 3 lần tức đạt 5 bằng sáng chế sở hữu trí tuệ quốc tế và 10 giải pháp hữu ích quốc tế so với giai đoạn 2016-2020.

    - Về xây dựng cơ bản: 100% diện tích đất được giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện 44% tổng khối lượng dự án xây dựng ĐHQG-HCM.

    * Số liệu cập nhật ngày 22/12/2021 theo Báo cáo Hội nghị Thường niên

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên