Tin tức - Sự kiện

Biến đổi văn hóa của người Hoa ở tỉnh Bình Dương - NCS. Quách Đức Tài

  • 31/03/2025
  • Tên đề tài luận án: Biến đổi văn hóa của người Hoa ở tỉnh Bình Dương
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã ngành: 9310310
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Quách Đức Tài
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, TS. Đặng Hoàng Lan
    Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án nghiên cứu quá trình biến đổi văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Bình Dương, tập trung vào các khía cạnh văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu đã hệ thống hóa các khái niệm lý luận, phương pháp tiếp cận để giải thích sự biến đổi văn hóa, đồng thời giới thiệu tổng quan về địa lý, dân cư, lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng người Hoa tại Bình Dương. Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, luận án phân tích sự biến đổi của 3 khía cạnh văn hóa của người Hoa ở Bình Dương từ năm 1986 đến nay, trong đó văn hóa vật chất gồm: văn hóa sản xuất kinh doanh, văn hóa ẩm thực, văn hóa mặc, văn hóa ở; (2) văn hóa tinh thần gồm: văn hóa ngôn ngữ, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội và phong tục tập quán; (3) văn hóa xã hội gồm văn hóa hôn nhân, quan hệ gia đình, dòng họ và quan hệ cộng đồng. Từ những phân tích trên, luận án chỉ ra các yếu tố tác động đến biến đổi văn hóa của người Hoa, như công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục và truyền thông. Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra các xu hướng biến đổi và phát triển văn hóa của cộng đồng này trong tương lai. Sau cùng, luận án đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hoa tại Bình Dương.
    2. Những kết quả của luận án
    - Luận án cung cấp những thông tin khoa học mới và những nhận xét khoa học mang tính mới về biến đổi văn hóa của người Hoa Bình Dương dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết quả nghiên cứu luận giải rõ hơn các lý thuyết nghiên cứu được vận dụng.
    - Luận án không nghiên cứu văn hóa dưới trạng thái tĩnh của văn hóa truyền thống mà tiếp cận nghiên cứu văn hóa trong động thái (trạng thái biến đổi), từ đó giải thích các xu hướng biến đổi khác nhau của các thành tố văn hóa trong việc kiến tạo và tái cấu trúc văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại.
    - Luận án làm sáng tỏ các xu hướng biến đổi văn hóa của người Hoa Bình Dương dưới tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    - Mặc dù văn hóa truyền thống chịu sự biến đổi nhưng nó vẫn là chất keo cố kết cộng đồng người Hoa và là cầu nối giúp người Hoa duy trì bản sắc riêng trong bối cảnh sống trong môi trường ngoại tộc, chung sống với các dân tộc khác ở Bình Dương. Và những bản sắc văn hóa truyền thống như: lễ hội, tín ngưỡng, ngôn ngữ, ẩm thực vẫn được duy trì và điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay.
    - Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan, ban ngành chức năng trong việc đề ra chủ trương, chính sách phù hợp đối với người Hoa ở Bình Dương nói riêng và ở Việt Nam nói chung nhằ m bảo tồn văn hóa truyền thống tộc người, tăng cường đoàn kết gắn bó với cộng đồng, phát huy các tiềm năng và thế mạnh của người Hoa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mặc dù văn hóa người Hoa ở Bình Dương đang có sự biến đổi mạnh mẽ dưới tác động của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được duy trì và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng chính sách văn hóa và phát triển cộng đồng.
    3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    3.1. Ứng dụng của nghiên cứu trong thực tiễn
    Nghiên cứu về biến đổi văn hóa của người Hoa ở tỉnh Bình Dương không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang lại nhiều ứng dụng quan trọng trong thực tiễn, bao gồm:
    - Nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Hoa tại Bình Dương và Việt Nam, góp phần giúp chính quyền địa phương định hướng các chính sách hội nhập nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đồng thời định hướng các chương trình giáo dục, truyền thông về văn hóa dân tộc nhằm tăng cường hiểu biết và gắn kết cộng đồng.
    - Nghiên cứu giúp khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh (chùa, miếu, lễ hội truyền thống). Từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của người Hoa, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
    - Nghiên cứu có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và giáo dục văn hóa thông qua việc hỗ trợ các tổ chức, hội đoàn của người Hoa trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, giúp bảo tồn bản sắc và duy trì sự đoàn kết trong cộng đồng cũng như ứng dụng trong giáo dục văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nguồn gốc, bản sắc văn hóa truyền thống của mình.
    - Nghiên cứu là tài liệu tham khảo quan trọng cho sinh viên, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dân tộc học, xã hội học, văn hóa học. Góp phần mở rộng nghiên cứu về biến đổi văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời công trình sẽ là cứ liệu tin cậy để tham khảo cho các công trình nghiên cứu tiếp theo về cộng đồng người Hoa ở Việt Nam sau này.
    3.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Mặc dù nghiên cứu đã đưa ra nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ:
    - Nghiên cứu sâu hơn về sự biến đổi trong hệ thống gia đình, vai trò giới, cách thức duy trì truyền thống qua các thế hệ trong cộng đồng người Hoa cũng như những ảnh hưởng của lối sống hiện đại và đô thị hóa đến các giá trị gia đình truyền thống.
    - Sự thích ứng của tín ngưỡng truyền thống người Hoa với đời sống hiện đại. Tác động của quá trình toàn cầu hóa đối với thực hành tín ngưỡng, lễ hội, phong tục.
    - Mức độ duy trì và biến đổi của tiếng Hoa trong bối cảnh hội nhập. Ảnh hưởng của giáo dục và các chính sách ngôn ngữ đến việc bảo tồn hoặc mai một tiếng Hoa trong thế hệ trẻ.
    - Nghiên cứu cụ thể hơn về sự thay đổi mô hình kinh doanh của người Hoa trong bối cảnh hội nhập. Tác động của nền kinh tế số và công nghệ đến các ngành nghề truyền thống của người Hoa.
    - So sánh sự biến đổi văn hóa của người Hoa ở Bình Dương với các tỉnh, thành phố khác như TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng… Đánh giá sự khác biệt trong quá trình hội nhập, thích nghi của người Hoa ở các khu vực khác nhau
    Nghiên cứu về biến đổi văn hóa của người Hoa ở Bình Dương có giá trị thực tiễn cao, có thể ứng dụng trong chính sách văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn về sự thích ứng, bảo tồn và phát triển văn hóa của cộng đồng người Hoa trong bối cảnh hiện đại

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên