Ngày 26/5 ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo Quản lý hoạt động công bố khoa học. PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
Có hơn 40 cán bộ quản lý, nhà KHCN của các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM tham dự hội thảo. PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn hội thảo sẽ được lắng nghe ý kiến về những vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động công bố khoa học, quyền sở hữu công bố khoa học và các chính sách khuyến khích NCKH.
200 bài báo ISI thất thoát mỗi năm
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban KHCN ĐHQG-HCM cho biết ĐHQG-HCM hiện nay có khoảng 3.605 cán bộ nghiên cứu, tỷ lệ có trình độ TS trở lên là 41%, hơn 1.000 NCS mỗi năm được đào tạo qua các chương trình hợp tác trong và ngoài nước.
Thực trạng công bố quốc tế của ĐHQG-HCM hiện nay chưa đạt được tỷ lệ 1 tiến sĩ/1 công bố (riêng Trường ĐH Quốc Tế tỷ lệ >1). Lĩnh vực KHXH&NV, kinh tế, luật tỷ lệ công bố còn hạn chế. Với đà phát triển như hiện nay, đến năm 2020 tỷ lệ công bố bài báo sẽ không đạt được mục tiêu tăng gấp đôi giai đoạn 2011-2015 trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo thống kê của Ban KHCN, số lượng công bố ISI của ĐHQG-HCM có địa chỉ của trường ĐH ngoài ĐHQG-HCM tăng theo các năm. Năm 2015 là 37, năm 2017 là 67 đề tài. Việc thất thoát thống kê bài báo ISI thường rơi vào các trường hợp: Ghi không rõ địa chỉ ĐHQG-HCM; NCS, HVCH học tại ĐHQG-HCM khi công bố lại ghi tên một trường ĐH khác; cán bộ trưởng nhóm nghiên cứu ĐHQG-HCM ghi 2 đơn vị: ĐHQG-HCM và một trường ĐH khác ngoài ĐHQG-HCM; cán bộ trưởng nhóm nghiên cứu ĐHQG-HCM chỉ ghi tên một trường ĐH khác ngoài ĐHQG-HCM.
Cũng theo thống kê trên, có tới 52% ghi công bố chung, khoảng 30-40% đề tài thuộc ĐHQG-HCM nhưng không ghi địa chỉ ĐHQG-HCM. PGS.TS Huỳnh Quyền, Phó Ban KHCN cho biết, ĐHQG-HCM mỗi năm thất thoát khoảng 200 bài báo ISI.
Để tránh việc thất thoát đề tài đồng thời khuyến khích NCKH, ĐHQG-HCM đang dự thảo Hướng dẫn Hỗ trợ công bố quốc tế trong ĐHQG-HCM. Theo đó, các công trình đã công bố trực tuyến hoặc phát hành trong năm trước ngày xét tuyển và không vi phạm điều 8 Luật KH&CN sẽ được hỗ trợ kinh phí. Đối với các công trình công bố quốc tế đã nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước, gồm công trình nghiên cứu là sản phẩm bắt buộc của đề tài/dự án KH&CN cấp nhà nước, cấp ĐHQG-HCM (đề tài loại A, B, C)… sẽ không được xem xét.
Mức hỗ trợ cho một công trình do Giám đốc ĐHQG-HCM quyết định nhưng không vượt quá 30 lần mức lương cơ sở theo quy định của nhà nước (hiện tại không quá 39 triệu). Trong đó, tác giả chính nhận được 60%, đồng tác giả nhận 40%, nếu chỉ có một tác giả, mức hỗ trợ là 100%.
ĐHQG-HCM sẽ hỗ trợ cho công trình công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus… Tổ chuyên gia, hội đồng tư vấn chuyên môn xem xét về chất lượng, giá trị công trình để đề xuất với Giám đốc ĐHQG-HCM.
Góp ý về hướng dẫn này, GS Ngô Văn Lệ, với tư cách vừa là người vừa quản lý vừa nghiên cứu ở mảng KHXH&NV, chia sẻ rằng ông cảm thấy rất khó để có được một bài báo ISI mảng này. Ông đề nghị có thể xét hỗ trợ cả một công trình, một cuốn sách thì mới khuyến khích được tinh thần NCKH cho những người làm công tác trong lĩnh vực KHXH&NV.
Cần quan tâm những bài báo không có tài trợ
GS Võ Văn Hoàng, Trường ĐH Bách Khoa chỉ ra thành phần công bố khoa học của ĐHQG-HCM thường chia làm ba nhóm: Nhóm một do ĐHQG-HCM tài trợ; nhóm hai do các đơn vị ngoài ĐHQG tài trợ như các quỹ trong và ngoài nước; nhóm ba là nhóm không có tài trợ nào hết. GS Hoàng cho rằng “nhóm ba mới là những trường hợp cần được quan tâm nhất”. Theo ông, các đề tài nhóm ba thường xuất hiện giữa chừng trong quá trình NCKH và thường là của các NCS trẻ mới đi học nước ngoài về chưa liên kết được với các quỹ. Ông đề nghị, chỉ cần các bài báo ISI từ nhóm này có ghi địa chỉ ĐHQG-HCM là được xét hỗ trợ ngay.
Đồng tình với quan điểm trên, GS Nguyễn Thanh Nam, nguyên Trưởng Ban KHCN ĐHQG-HCM cho rằng, tiềm năng công bố bài báo quốc tế của ĐHQG-HCM còn rất lớn, trong đó có một phần là các đề tài không được chi tiền tài trợ. Nếu ĐHQG-HCM có chính sách cho số đề tài tự nghiên cứu, thậm chí thưởng cao hơn thì số lượng công bố còn tăng lên rất nhiều. Hiện nay ĐHQG-HCM gần như quên mảng này.
Ở một góc nhìn khác, GS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật, đặt vấn đề: các đề tài không thuộc tài trợ nào khi công bố có được tự do đứng tên trường khác? Vì sao các đề tài ấy lại lấy tên trường khác, vì trường khác trả tiền cao hơn. Hiện nay có cả thị trường ISI. Có trường trả hẳn 100 triệu cho một bài ISI. “Chúng ta phải xem xét mặt bằng chung mà thực hiện khen thưởng như thế nào để thu hút người tài. Về vật chất có thể thấp hơn nhưng khuyến khích về tinh thần mới là cái lâu dài” - bà Cành chia sẻ.
THÁI VIỆT
Hãy là người bình luận đầu tiên