Tin tức - Sự kiện

Phủ định siêu ngôn ngữ trong tiếng Việt - NCS. Nguyễn Thuỳ Nương

  • 28/11/2024
  • Tên đề tài: Phủ định siêu ngôn ngữ trong tiếng Việt
    Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
    Mã số: 9229020
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thuỳ Nương
    Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Đức Dân
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Phủ định siêu ngôn ngữ (Metalinguistic Negation) là một khái niệm chưa từng được nghiên cứu sâu ở Việt ngữ học. Ngoài các nghiên cứu của Nguyễn Đức Dân (1987, 1996) có nhắc tới một phần, thì hiện nay chúng ta chưa có một công trình nào nghiên cứu về phạm trù này một cách hệ thống và toàn diện các chức năng (ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng). Các nghiên cứu đã có về phủ định trong tiếng Việt thường xếp nhầm lẫn “Phủ định siêu ngôn ngữ” vào trong các loại hiện tượng khác, từ đó làm rối rắm thêm bức tranh về phân loại phủ định trong tiếng Việt. Luận án của chúng tôi đặt nhiều mục tiêu và kỳ vọng vào việc minh định một cách hệ thống về khái niệm, phân loại, đặc trưng, hành chức, phương tiện của phủ định siêu ngôn ngữ tiếng Việt.
    Với ngữ liệu tự nhiên trong tiếng Việt, chúng tôi đã miêu tả và phân tích được cả phát ngôn nói vọng và các quán ngữ tiếng Việt đều có những giá trị riêng để thể hiện chức năng siêu ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung làm rõ các phương diện biểu đạt phủ định siêu ngôn ngữ đặc trưng trong tiếng Việt, đó là các cơ chế sủ dụng câu bác bỏ, câu chất vấn – bác bỏ, các trường hợp hàm ý quy ước, hàm ý hội thoại, lời chỉnh sửa hội thoại. Phủ định siêu ngôn ngữ và bác bỏ trong tiếng Việt là một nghiên cứu nhằm xác định giá trị hành vi của phủ định siêu ngôn ngữ có sự tương liên chặt chẽ với nghiên cứu về bác bỏ trong tiếng Việt. Từ đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng hành vi bác bỏ trong các diễn ngôn đều có mang chức năng phủ định siêu ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu là những giá trị đặc trưng khi sử dụng câu phủ định trong tiếng Việt với nhiều chức năng ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng; nhất là chức năng “siêu ngôn ngữ” của nó.
    + Những kết quả của luận án
    Thứ nhất, luận án đã làm rõ được sự phân biệt giữa phủ định miêu tả và phủ định siêu ngôn ngữ, xác định được định nghĩa, phân loại, và bản chất phạm trù phủ định siêu ngôn ngữ trong tiếng Việt. Bên cạnh đó, luận án cũng làm rõ các khái niệm phủ định logic, phủ định ngôn ngữ trong ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng.
    Thứ hai, luận án đã miêu tả và phân tích được các phương diện biểu đạt đặc trưng của phủ định siêu ngôn ngữ trong tiếng Việt. Đó là các phương diện như nói vọng, câu hỏi vọng, các quán ngữ, các câu bác bỏ, câu chất vấn – bác bỏ; các hàm ý hội thoại, hàm ý thang độ. Đồng thời chúng tôi cũng đã phân tích những vai trò cú pháp - ngữ nghĩa – ngữ dụng của hiện tượng này trong tiếng Việt; để làm rõ tính đa chiều về chức năng của chúng.
    Thứ ba, luận án đã miêu tả, phân tích, xác định vai trò của phủ định kép trong chức năng siêu ngôn ngữ, điểm nhấn siêu ngôn ngữ và các tác tử siêu ngôn ngữ trong tiếng Việt.
    Thứ tư, luận án có thể ứng dụng kết quả của đề tài nghiên cứu trong giảng dạy các vấn đề ngữ nghĩa - ngữ dụng trong tiếng Việt. Đặc biệt là ứng dụng trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người bản ngữ hoặc người nước ngoài.
    + Khả năng ứng dụng của luận án
    Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm sáng tỏ phạm trù phủ định trong một ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt thông qua các biểu hiện siêu ngôn ngữ. Từ đó, nghiên cứu sẽ mang lại một cái nhìn toàn diện hơn, và sâu sắc hơn trong nghiên cứu về phủ định. Kết quả của luận án sẽ củng cố ít nhiều cho các khung lý thuyết về hàm ý, nói vọng, hành vi ngôn ngữ, các bình diện phủ định ngôn ngữ,…
    Từ các kết quả nghiên cứu, luận án có dùng dùng như một nguồn tham khảo giá trị cho những người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, đặc biệt là giảng dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất hay ngôn ngữ thứ hai, hoặc ngoại ngữ.

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên