Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn báo chí Mỹ (Liên hệ với diễn ngôn báo chí Việt Nam)
Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã ngành: 9222024
Họ và tên NCS: Trần Thị Thanh Trúc
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trịnh Sâm
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH &NV – ĐHQG HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Vận dụng các khung lý thuyết về Phân tích diễn ngôn phê phán (Discourse Analysis), Lý thuyết Ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory) và Lý thuyết phân tích ẩn dụ phê phán (Critical Metaphor Analysis), luận án đã tiến hành phân tích đặc điểm của một số ẩn dụ trên báo chí tiếng Anh - Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, qua đó cho thấy các tác động tích cực và tiêu cực của chúng đối với sự tiếp nhận diễn ngôn của độc giả. Trên cơ sở khảo sát, miêu tả một số chủ đề trong diễn ngôn báo chí Mỹ, luận án so sánh với các ẩn dụ tương ứng trong diễn ngôn báo chí Việt Nam để tìm ra những sự tương đồng và khác biệt về phương diện ngôn ngữ và văn hóa trong hai hệ thống diễn ngôn.
+ Những kết quả của luận án:
1. Luận án đã chọn phân tích ẩn dụ ý niệm chiến tranh theo cách tiếp cận của Lý thuyết phân tích ẩn dụ phê phán. Việc sử dụng rộng rãi các ẩn dụ chiến tranh trong các tình huống khác nhau cho thấy chúng có sự cộng hưởng nhờ khả năng thu hút sự chú ý và thúc đẩy con người hành động. Phép ẩn dụ chiến tranh phụ thuộc vào ngữ cảnh: nó có thể đưa đến một kết quả tích cực hoặc tiêu cực tùy vào cách mà nó được sử dụng. Tuy nhiên, hệ quả kéo theo là việc sử dụng phép ẩn dụ chiến tranh tràn lan có thể mang lại một cách nhìn thế giới quá đơn giản, bạo lực, dễ gây tâm lý hiếu chiến.
2. Từ miền nguồn CHIẾN TRANH và NƯỚC, luận án đã lần lượt xem xét các ánh xạ lên các miền đích là KINH TẾ, THỂ THAO, TÌNH YÊU và TÀI CHÍNH, GIAO THÔNG, SUY NGHĨ. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, lựa chọn miền nguồn nào và sự ánh xạ của nó lên miền đích nào là rất phức tạp, liên quan đến cách nhận thức và sự tác động của một nền văn hóa nhất định.
3. Từ miền đích CHÍNH TRỊ và QUỐC GIA, luận án đã lần lượt xem xét các ánh xạ của nó qua các miền nguồn THỂ THAO, VỞ KỊCH, CHIẾN TRANH; TÒA NHÀ, CON TÀU và CON NGƯỜI/ THỰC THỂ SỐNG. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy sự tương đồng trong việc sử dụng các ẩn dụ này trong hai hệ thống diễn ngôn. Hiển nhiên, lựa chọn miền nguồn nào và sự ánh xạ của nó lên miền đích nào, sự lựa chọn các đặc trưng tương tác nào là do liên quan đến cách nhận thức và văn hóa của hai dân tộc. Luận án cũng đã xác lập được các chủ đề chính và ánh xạ của từng ẩn dụ nói trên cũng như ghi nhận sự chồng lấn nhằm giải thích cách thức mà ẩn dụ không chỉ là một ánh xạ đơn giản giữa hai miền.
4. Những khác biệt trong việc sử dụng ẩn dụ trong ngôn ngữ báo chí minh họa cho cơ chế nhận thức, hay hệ thống ý niệm của người Mỹ và người Việt là khác nhau khi đề cập đến các chủ đề khác nhau trên báo chí. Ý thức hệ chính trị, suy nghĩ và trải nghiệm về chính trị xã hội của hai dân tộc là khác nhau nên cách thức các phóng viên miêu tả những sự kiện chính trị xã hội trong nước mình cũng không giống nhau.
5. Khi đề cập đến các chủ đề khác nhau trên báo chí, đối với các sự kiện chính trị quốc tế, thực tế cho thấy các bài báo tiếng Việt viết về tin tức chính trị thế giới thường được dịch lại từ báo chí nước ngoài và do đó việc đối dịch ẩn dụ cũng diễn ra khá phổ biến và lặp đi lặp lại cách sử dụng tương tự như trong báo chí nước ngoài tuy nhiên cũng không hẳn là hoàn toàn trùng lắp. Thực tế khảo sát cho thấy, màu sắc của ẩn dụ trong ngôn ngữ nguồn đã bị xói mòn một phần hoặc toàn bộ trong bản dịch ở ngôn ngữ đích là để đảm bảo rằng các thông điệp cơ bản đã được chuyển dịch sang ngôn ngữ đích một cách trơn tru và an toàn về mặt quan điểm chính trị.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
- Luận án góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khuynh hướng lý thuyết về Ngôn ngữ học tri nhận ở Việt Nam, làm sáng tỏ một số vấn đề như việc ưu tiên chọn miền nguồn nào, ánh xạ lên miền đích nào là có lý do về kinh nghiệm và tương tác văn hóa.
- Kết quả thu được từ luận án mở ra triển vọng giảng dạy diễn ngôn báo chí theo cách tiếp cận mới; đóng góp cho việc giảng dạy ngoại ngữ, biên - phiên dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếng Anh chuyên ngành nói chung và tiếng Anh báo chí nói riêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên