Tin tổng hợp

Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017

  • 28/08/2017
  • Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN - một hình thức hội nhập sâu với thế giới về cả kinh tế, chính trị lẫn xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm khu vực cũng như quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những bất ổn của nền kinh tế trong nước và sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

    Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng những lợi thế, biết đón đầu để hội nhập? Vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn và các CEO hàng đầu Việt Nam gợi mở tại hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” do Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM phối hợp với Đại học Quản trị Paris (CH Pháp) tổ chức ngày 15/4.

    Bức tranh kinh tế Việt Nam: hai màu sáng tối

        Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 2017, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam có những thuận lợi từ hội nhập, nhưng cũng có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường, thách thức của dân số già. Thêm vào đó, nợ công đang tiếp tục tăng, nhập siêu không có dấu hiệu giảm. Vì vậy, ông Lộc cho rằng: “Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện có hai màu: màu sáng với rất nhiều hy vọng, màu tối với rất nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Các doanh nghiệp không thể lạc quan nhưng cũng không nên bi quan”.

    PGS.TS Vũ Minh Khương, Chuyên gia Kinh tế ĐH Quốc gia Singapore trình bày báo cáo.

        Cùng nhận định đó, PGS.TS Vũ Minh Khương - Chuyên gia Kinh tế, ĐH Quốc gia Singapore cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ số, nhưng chính đó cũng là thách thức bắt buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi để tồn tại.

    “Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất nhưng Việt Nam cũng nằm trong số 20 nền kinh tế có khả năng quản trị kém nhất”.

    TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 

    Chú trọng kiến tạo giá trị

        Theo TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thì Việt Nam có 3 điểm yếu nhất: thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam cũng chính là điểm mạnh của các đối tác và vì thế nó trở thành điều hấp dẫn.  “Tôi nói với các nhà đầu tư, anh chơi với Việt Nam là chơi với cả thế giới. Vì tất cả thị trường lớn nhất, tất cả nhà đầu tư chiến lược nhất trên thế giới đều có luật chơi với Việt Nam, đều là đối tác chiến lược với Việt Nam. Tức vào Việt Nam có thể chơi với thị trường Mỹ. Việt Nam trở thành trung tâm kết nối với thế giới” - ông Thành nói.

        Ông Thành lưu ý doanh nghiệp làm gì thì sản phẩm cũng phải đảm bảo 3 yếu tố: thông minh - thuận tiện, xanh và có biểu tượng. Vì đây là 3 yếu tố phù hợp với nhu cầu của tầng lớp trung lưu - tầng lớp chiếm số đông trong xã hội hiện nay. Đồng thời các doanh nghiệp không chỉ biết vận dụng nguyên tắc kinh doanh truyền thống là “hãy bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có” mà còn phải biết “ứng biến” tức “không chỉ bán cái thị trường cần, mà phải biết tạo dựng thị trường mới”.

        PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng một nội dung trọng tâm trong việc nắm bắt xu thế đổi thay hiện nay là kiến tạo giá trị, không chỉ cho công ty và khách hàng mà cho cả nhà cung ứng và toàn xã hội, tức chú trọng không chỉ tăng hiệu quả (giá trị so với tốn phí) mà cả tăng hiệu lực thực thi (độ minh bạch và chuẩn xác) và hiệu ứng cộng hưởng (sự gắn kết và tương tác). “Trong cuộc cách mạng 4.0 này, các doanh nghiệp sẽ nhận được phần thưởng lớn nếu tìm thấy lợi ích kinh doanh từ những lợi ích cải biến. Chẳng hạn, doanh nghiệp sử dụng hình thức thương mại điện tử, thay vì tổ chức đội vận chuyển riêng của mình, thì nên giúp hàng vạn người hành nghề ‘xe ôm’ hiện phải chờ chực việc làm hằng ngày có công việc thường xuyên và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thay vì chỉ chú trọng việc thành lập và sản xuất trên những đại nông trường hiện đại, thì nên chú trọng đặc biệt vào việc giúp đỡ những người nông dân nghèo tìm thấy lợi ích từ quá trình sản xuất thực phẩm sạch và áp dụng khoa học công nghệ. Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, thay vì chỉ chú trọng vào các căn hộ và dịch vụ cao cấp, thì nên tìm mọi cách đem lại cho người dân bình thường một cuộc sống có chất lượng cao hơn, từ nhà ở có giá bình dân đến việc đi lại an toàn và hiệu quả” - ông Khương gợi ý.


    Toàn cảnh Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” ngày 15/4/2017.

        Ở một góc độ khác, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng yêu cầu bức thiết hiện nay của doanh nghiệp là phải cải thiện vấn đề quản trị của mình. Ông Lộc nói: “Mạng lưới Khởi nghiệp toàn cầu có đưa ra khảo sát của 60 nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất nhưng Việt Nam cũng nằm trong số 20 nền kinh tế có khả năng quản trị kém nhất. Tức khả năng quản trị, sự chuyên nghiệp để thực hiện ý tưởng của doanh nghiệp còn rất thấp. Nên vấn đề đặt ra là tập trung nâng cấp quản trị của doanh nghiệp”. 


        “30 năm đổi mới, chúng ta đã hình thành được nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Chúng ta có cộng đồng doanh nghiệp đông nhưng chưa mạnh. Chúng ta có một số nhà doanh nghiệp hàng đầu như các vị đang ngồi đây, nhưng vậy thì ít quá, phải có một thế hệ nhà doanh nghiệp” - TS Lộc nhấn mạnh. Ông cho rằng cần phải thúc đẩy doanh nghiệp mới thành lập, đồng thời tập trung nâng cấp chất lượng doanh nghiệp đang hoạt động thì mới có được thế hệ doanh nhân mới đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

    “Con cái có thể giáo dục bố mẹ do hiểu biết hơn bố mẹ, người dân có thể giáo dục lại các chính khách bằng Facebook của mình, cho biết chính sách này hay chính sách kia chưa hay. Và doanh nghiệp phải tự đổi mới quản trị mình cũng ngụ ý là chính phủ cũng nên bình dân học vụ chính mình thì mới làm được”.

    PGS.TS Vũ Minh Khương - Chuyên gia Kinh tế, ĐH Quốc gia Singapore

    Mô hình “bình dân học vụ” cho doanh nghiệp

        Suy nghĩ về vấn đề nâng cấp quản trị cho doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc nói: “Một trong những phong trào Bác Hồ đưa ra trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc là bình dân học vụ. Phải chăng cần có bình dân học vụ cho doanh nghiệp, cho các doanh nhân của chúng ta? Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng nhất để dẫn đến thành công”.

        Đồng tình với TS Lộc, PGS.TS Vũ Minh Khương nói: “Bình dân học vụ để nâng cấp quản trị doanh nghiệp là một ý tưởng rất hay. Nó gần với một hàm ý mới của thế kỷ XXI là: Dìu dắt ngược. Con cái có thể giáo dục bố mẹ do hiểu biết hơn bố mẹ, người dân có thể giáo dục lại các chính khách bằng Facebook của mình, cho biết chính sách này hay chính sách kia chưa hay. Và doanh nghiệp phải tự đổi mới quản trị mình cũng ngụ ý là chính phủ cũng nên bình dân học vụ chính mình thì mới làm được”. Ông đưa ra ví dụ, cộng đồng muốn làm du lịch phải lắng nghe từ người lái taxi đến người bán hàng lưu niệm, bán hàng rong. “Phải lắng nghe ý kiến của họ, ghi nhận ý kiến của họ về việc làm du lịch. Lắng nghe từ dưới lên để tìm ra lời giải thay vì đưa lời giải từ trên xuống mang tính quyền lực. Làm sao phải có lời giải chung của cộng đồng thì đó mới là bình dân học vụ” - ông Khương nói.

        Bên cạnh mô hình bình dân học vụ, các đại biểu cũng đưa ra nhiều lời khuyên khác cho doanh nghiệp như đừng quá cứng nhắc với những kế hoạch mang tính cố định, phải liên tục tư duy lại bản thân, bám sát thị trường để đáp ứng thị trường…

        “Chúng ta không thể kiểm soát được những gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được những công cụ và giải pháp để ứng phó với cái diễn ra trong tương lai”- TS Võ Trí Thành nhắn nhủ.

    KHÁNH LÂM

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên