Tin tức - Sự kiện

Chủ âm và thủ pháp trong thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền nam giai đoạn 1954-1975 - NCS. Trần Thanh Bình

  • 31/08/2023
  • Tên đề tài: Chủ âm và thủ pháp trong thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền nam giai đoạn 1954-1975
    Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 9.22.01.20
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thanh Bình
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Với đề tài “Chủ âm và thủ pháp trong thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền nam giai đoạn 1954 - 1975”, luân án tập trung vào các khía cạnh sau: Giới thuyết về chủ âm và thủ pháp của trường phái Hình thức Nga, khái niệm dấn thân của triết gia J.-P. Sartre; Xác định những chủ âm và những thủ pháp nổi bật trong thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975.
    Luận án vận dụng lý thuyết chủ âm và thủ pháp của trường phái Hình thức Nga, kết hợp với khái niệm “dấn thân” của triết gia J.-P. Sartre để khai thác, làm rõ những chủ âm và những thủ pháp trong thơ của các nhà thơ dấn thân này. Luận án cũng sử dụng kết hợp linh hoạt các hướng tiếp cận nghiên cứu chuyên ngành như tiếp cận thi pháp học hiện đại, tiếp cận xã hội học văn học, tiếp cận văn hóa - lịch sử và một số phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp loại hình học, phương pháp cấu trúc hệ thống, phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp thống kê phân loại, phương pháp phỏng vấn,… để khảo sát và khẳng định các giá trị nêu trên. Từ đó, luận án khẳng định đóng góp của thơ dấn thân miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đối với lịch sử văn học Việt Nam, vốn là một vấn đề đang cần được bổ khuyết.
    + Những kết quả của luận án
    1. Thứ nhất, luận án tiếp cận hệ lý thuyết của trường phái Hình thức Nga, là một trường phái có tư tưởng cách tân với hệ thống các lý thuyết có giá trị trong nghiên cứu văn học. Hai khái niệm chủ âm và thủ pháp của trường phái này có tính bao quát (của chủ âm) và tính cụ thể (của thủ pháp) khi tiếp cận đối tượng.
    2. Thứ hai, luận án tiếp cận và giới thuyết một số khái niệm trong trong triết học hiện sinh, đặc biệt là khái niệm dấn thân của triết gia - nhà văn Jean - Paul Sartre để xác quyết tinh thần đấu tranh vì xã hội của một thế hệ trí thức cầm bút. Từ đó, luận án khẳng định, văn học không chỉ dấn thân ở lĩnh vực văn xuôi, mà các nhà thơ cũng dấn thân cùng với sáng tác của họ.
    3. Thứ ba, luận án nghiên cứu dòng thơ dấn thân ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đây là một hiện tượng đặc biệt, là một bộ phận của thơ yêu nước, được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Họ đã sáng tác thơ để đấu tranh vì hòa bình, và cùng phải “trả giá” với hành động dấn thân ấy.
    4. Thứ tư, luận án tìm hiểu, khái quát và kiến giải các chủ âm trong thơ dấn thân. Đó là  các chủ âm mang đậm cảm quan xã hội, đậm tính nhân sinh: Chủ âm sử thi, chủ âm trữ tình, chủ âm phản chiến.
    5. Thứ năm, luận án đã khảo sát những thủ pháp sáng tác của các nhà thơ dấn thân để khẳng định những tìm tòi, thể nghiệm của họ trong xu thế hiện đại hóa thơ dân tộc. Họ cũng định hình những phong cách riêng.
    6. Cuối cùng, có thể khẳng đinh, luận án là công trình đầu tiên vận dụng lý thuyết hình thức Nga để nghiên cứu thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền Nam; là một tài liệu có giá trị trong việc nghiên cứu văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975; góp phần làm phong phú cho lịch sử văn học Việt Nam.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Với những kết luận khoa học trên đây, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Chủ âm và thủ pháp trong thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền nam giai đoạn 1954 - 1975” có thể được xem là:
    (1) Luận án cung cấp nguồn tài liệu khá phong phú: sưu tầm được nhiều thơ của các nhà thơ dấn thân ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 và nhiều công trình nghiên cứu có liên quan. Luận án là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu thơ Việt Nam nói chung và thơ yêu nước miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 nói riêng.
    (2) Đối với công việc nghiên cứu, việc vận dụng lý thuyết mới trên thế giới để nghiên cứu văn học Việt Nam là một hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong tương lai, chúng ta có thể vận dụng các lý thuyết khác, có thể nghiên cứu các bộ phận văn học khác ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 để bổ khuyết bức tranh chung của văn học dân tộc.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên