Hội nghị - Hội thảo

Để cải lương sống cùng năm tháng

  • 07/12/2018
  • Đây là nội dung chính của tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu Cải lương” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM và Hội Sân khấu TP.HCM đồng tổ chức ngày 7/12 nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918-2018).

    TS Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhận hoa chúc mừng của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM. Ảnh: MỸ HUYỀN

    Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho rằng giai đoạn những năm 1950-1960 được coi là thời kỳ hoàng kim của cải lương với rất nhiều tác giả giỏi, kịch bản tốt, những gánh hát nổi tiếng cùng các nghệ sĩ tài năng. Tuy nhiên, đến những năm 1968-1975, cải lương bắt đầu suy thoái khi dần có nhiều loại hình nghệ thuật khác thu hút giới trẻ. Sân khấu lúc bấy giờ lại thiếu những kịch bản tốt.

    TS Mai Mỹ Duyên nêu vấn đề: “Giới trẻ ngày nay không hiểu nhiều về cải lương, mà không hiểu thì làm sao thích, không thích làm sao đam mê, không đam mê làm sao bảo tồn bản sắc?”.

    Duy Khang - sinh viên chuyên ngành sáng tác cổ điển tại Nhạc viện TP.HCM - bày tỏ mong muốn tìm hiểu cách để phát triển cải lương nói riêng và âm nhạc truyền thống nói chung. Duy Khang cho biết: “Bao giờ cho phép chúng con phá vỡ những cái cũ, thì lúc đó học trò như tụi con mới viết cái mới được”. Trả lời Duy Khang, nhạc sĩ Đức Trí lưu ý: “Việc sáng tạo trong cải lương rất mạo hiểm, nhưng nếu có thể cân bằng được cái truyền thống và cái sáng tạo thì đó là một điều tốt”.

    Nhiều hướng phát triển cải lương đã được các đại biểu đề xuất: đưa những vấn đề mới, nóng, được xã hội quan tâm như tham nhũng, lập nghiệp, vấn nạn của sinh viên vào cải lương; áp dụng công nghệ 4.0 vào sân khấu như dùng Hologram, Youtube…; thay đổi cách diễn để dễ hiểu hơn; tìm nguồn kinh phí tài trợ từ những người yêu nghệ thuật...

    Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: MỸ HUYỀN

    Nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh - thành viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Muốn cải lương sống lại phải ứng dụng công nghệ tối đa, cơ bản là thích ứng với thị hiếu hiện đại, như sử dụng nhạc cụ mới, âm thanh mới, ánh sáng mới, kịch bản mới. Việc còn lại cần suy nghĩ là sử dụng từ ngữ Nho học hay không Nho học”.

    Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, sở đã làm việc với các cấp, ngành về tăng cường bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng Trung tâm nghệ thuật, miễn giảm thuế, tiếp tục thực hiện giải thưởng triển vọng và tài năng Trần Hữu Trang…

    “Đặc biệt, sở sẽ có những chính sách hỗ trợ sinh viên mới ra trường; ưu tiên ươm mầm tài năng trẻ nghệ thuật truyền thống, hướng đến công chúng, văn hóa, thẩm mỹ” - bà Thúy nhấn mạnh.

    PHAN ANH

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên