Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Để gần sinh viên hơn

  • 22/03/2019
  • Một ngày đầu tháng 3/2019, Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM ra thông báo sẽ tổ chức chương trình Ăn trưa cùng hiệu trưởng. Theo đó, bữa trưa đặc biệt này được tổ chức vào thứ Ba và thứ Tư hằng tuần cho tất cả sinh viên có nguyện vọng đăng ký trước, và trên cơ sở nội dung chia sẻ, ban giám hiệu sẽ sắp xếp hiệu trưởng hoặc các hiệu phó phụ trách chuyên môn cùng với sinh viên ăn trưa và trò chuyện.

    Sinh viên ăn trưa cùng Ban Giám hiệu Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM. Ảnh: Anh Nhàn

    Đây không phải là lần đầu tiên Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM có những hành động cụ thể để tăng tính tương tác giữa nhà trường và sinh viên. Trước đó, vào tháng 12/2018, cũng tại ngôi trường này, Không gian chia sẻ UIT dành cho sinh viên chính thức đi vào hoạt động.

    Hai chương trình ở hai thời điểm gần nhau và điểm chung đều hướng đến sinh viên như thế cho thấy ban giám hiệu Trường ĐH Công nghệ Thông tin đã có những suy tư lẫn hành động thú vị trong việc “chịu khó” đến gần sinh viên hơn.

    Ai cũng biết, ở trong môi trường giáo dục đại học, giữa sinh viên và ban giám hiệu luôn có một khoảng cách khá xa xôi. Một mặt, ban giám hiệu là những người điều hành, không có thời gian đứng lớp hoặc gặp mặt và lắng nghe những nghĩ suy từ sinh viên. Mặt khác, sinh viên lại luôn mang cảm giác thầy cô trong ban giám hiệu là những “người xa lạ”.

    Vì thế, để gần sinh viên hơn, trong rất nhiều cách nhằm tăng tính tương tác giữa nhà trường và sinh viên thì những “bữa trưa vui vẻ” hay không gian chia sẻ có lẽ là chương trình “hợp tình, hợp lý” nhất. Đó cũng là một minh chứng cho thấy việc nắm bắt đúng tâm tư, tình cảm của sinh viên, tránh được những chương trình mang nặng tính phong trào là rất cần thiết.

    Sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo, vì thế sợi dây liên kết giữa nhà trường và người học phải luôn có tính hai chiều. Nhà trường không chỉ là nơi cung cấp những kiến thức hữu dụng nhất cho sinh viên mà còn là nơi lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập và định hướng tương lai cho những công dân trẻ.

    Hơn ai hết, ban giám hiệu mỗi trường đại học là những người đi trước, có sẵn kinh nghiệm, kiến thức và đủ độ “già dặn” để hiểu cũng như dẫn dắt những người trẻ vốn còn nhiều bỡ ngỡ trên giảng đường. Sau mỗi buổi gặp như thế sinh viên sẽ có thêm động lực vượt qua khó khăn trong tâm lý, liên quan đến cuộc sống học đường, rèn luyện và phát triển kỹ năng học tập, kỹ năng mềm. Qua đó, sinh viên có thể thể hiện khả năng của bản thân, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, giúp quá trình học tập tốt hơn.

    Ăn trưa cùng hiệu trưởng không nặng nề như một buổi đối thoại thông thường. Ở đó bữa ăn trưa sẽ kéo dài một giờ đồng hồ với những lo lắng được giãi bày, những câu chuyện vui được chia sẻ. Ở đó cũng thôi những bữa trưa “đi ăn một mình” vội vàng vừa ăn vừa lướt điện thoại của sinh viên. Không gian chia sẻ cũng thế, sinh viên bước vào đó để cảm nhận được sự thân thiện gần gũi, tin cậy và khi bước ra sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn.

    Tất cả những chương trình đó đều làm nhà trường và sinh viên gần nhau hơn: Nhà trường thể hiện đầy đủ trách nhiệm đối với “đối tác” của mình hơn. Và sinh viên thêm thiết tha, gắn bó với mái trường yêu dấu của mình hơn.

    NHẠC SƠN (Bản tin ĐHQG-HCM số 193)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên