Tin tổng hợp

Hội nhập chất lượng giáo dục và khởi nghiệp từ ghế nhà trường

  • 18/10/2017
  • Trong bối cảnh khu vực và thế giới đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc nắm bắt và tiên phong hội nhập là lợi thế cho sự nghiệp phát triển của mỗi đơn vị, mỗi tổ chức. Theo xu thế đó, với vai trò là nòng cốt trong hệ thống giáo dục Việt Nam, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước hội nhập theo tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

    Hội nhập chất lượng giáo dục

        Để quá trình hội nhập thành công, ĐHQG-HCM cần hoàn thiện và tăng cường cơ chế quản lý, phát huy tính chủ động và sáng tạo của các đơn vị thành viên và trực thuộc trên một chuẩn mực giá trị và văn hóa chung của cả hệ thống. Trong đó, công tác đảm bảo chất lượng phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, xuyên suốt chuỗi chiến lược của mình, ĐHQG-HCM xác định chủ đề năm 2017 là Hội nhập chất lượng giáo dục.

        Trong thời gian qua, ĐHQG-HCM đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận như: vận hành xuyên suốt hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong từ cấp ĐHQG đến cấp trường thành viên; triển khai áp dụng đại trà nguyên lý CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: hình thành ý tưởng, thiết kế, thực hiện và vận hành) trong đổi mới công nghệ đào tạo; nâng cao năng lực đội ngũ; áp dụng công cụ kiểm soát và quản lý chất lượng… Từ đó, đã góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa chất lượng trong toàn ĐHQG-HCM. 

        Tính đến nay, cả 6 trường đại học thành viên ĐHQG-HCM đều được đánh giá và công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng; trong đó có 5 trường đạt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, riêng Trường đại học Bách Khoa đạt chuẩn kiểm định của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) vào tháng 9/2017. Dự kiến trong tháng 10 năm nay, Trường đại học Quốc Tế, Trường đại học KHXH&NV sẽ được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

        ĐHQG-HCM cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. ĐHQG-HCM có 30 chương trình được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA, chiếm 50% chương trình được đánh giá của Việt Nam, 2 chương trình (đầu tiên trong cả nước) được kiểm định theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ (ABET), 7 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kỹ sư Pháp và châu  u (CTI), 2 chương trình đạt chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh Hoa Kỳ (ACBSP) và của Tổ chức Kiểm định chất lượng Chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBBA). Năm 2016, ĐHQG-HCM vươn lên vị trí 147 châu Á, theo bảng xếp hạng QS ASIA (tăng 54 bậc so với năm 2015).

        Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm chuẩn hóa quốc tế các chương trình đào tạo bằng việc tăng cường công tác kiểm định chất lượng, và kết thúc giai đoạn 2017-2022, tất cả cơ sở giáo dục thuộc ĐHQG-HCM sẽ được kiểm định cấp trường bởi AUN-QA.

        Có được những thành quả trên là do lãnh đạo ĐHQG-HCM thực hiện cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thành viên và sự đồng thuận của tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên, đội ngũ hỗ trợ vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hợp tác với các đơn vị bạn, tích cực tham gia tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng… ĐHQG-HCM sẽ kiên trì và đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu để xứng đáng với vai trò và sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó, trở thành hệ thống đại học tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam.

    Phiên chợ khởi nghiệp do ITP tổ chức.


    Khởi nghiệp từ ghế nhà trường

        Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển dịch kinh tế thế giới sang nền kinh tế tri thức đang đặt Việt Nam trước những thời cơ và thách thức mới. Để Việt Nam có thể tận dụng tốt các thời cơ và giảm thiểu những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần này, giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung cần được đổi mới một cách cơ bản, toàn diện để đào tạo một thế hệ trí thức mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa, phức tạp và thay đổi ngày càng nhanh. 

        Thúc đẩy Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. 
         

         Là nòng cốt trong hệ thống giáo dục nước nhà, ĐHQG-HCM đã triển khai hệ thống và có những đóng góp thiết thực trong việc định hình các chương trình, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP.HCM. Đặc biệt, Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM (ITP), thành viên của chuỗi Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) được Thủ  tướng Chính phủ thí điểm thành lập theo Quyết định số 333/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 đang dần trở thành một cụm khởi nghiệp năng động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Hiện nay Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG-HCM thu hút trên 40 đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động mà hầu như dự án nào cũng có sinh viên tham gia. Mỗi năm có khoảng 300 sinh viên thực tập dài hạn tại ITP. Trong đó, số sinh viên sáng lập và đồng sáng lập các start-up chiếm gần 10%. Đến năm 2020, ITP kỳ vọng sẽ quy tụ 100 công ty, tạo được 2.000 việc làm và mở ra cơ hội cho hơn 2.000 sinh viên làm việc. 

        Có thể nói đây là thời kỳ mà các cơ sở giáo dục muốn tồn tại và phát triển bền vững phải đi từ chất lượng thật, phải xây dựng nền tảng vững chắc về công tác đảm bảo chất lượng, tận dụng thế mạnh của hội nhập và sức bật của phong trào khởi nghiệp. Tôi tin rằng, với chiến lược xuyên suốt về công tác đảm bảo chất lượng, với sự nhạy bén, đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, giảng viên, các nhà khoa học cùng sự nỗ lực của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh, kết hợp với sự ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả của của Nhà nước, của xã hội, ĐHQG-HCM sẽ phát triển mạnh mẽ trên con đường giáo dục đầy vất vả nhưng cũng rất vinh quang.

        Nhân dịp Khai khóa năm học 2017-2018, kính chúc quý thầy cô, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các em sinh viên ĐHQG-HCM một năm học mới tràn đầy năng lượng, sự tươi trẻ, sức sáng tạo và gặt hái nhiều thành công.

    PGS.TS HUỲNH THÀNH ĐẠT

    (Giám đốc ĐHQG-HCM)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên