Tin tức - Sự kiện

Hợp tác Nhật Bản-Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực từ năm 1992 đến nay (Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh) - NCS. Trần Thanh Hậu

  • 22/04/2021
  • Tên luận án: Hợp tác Nhật Bản-Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực từ năm 1992 đến nay (Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh)
    Tên tác giả luận án: Trần Thanh Hậu
    Chuyên ngành: Lịch sử thế giới          
    Mã số: 9229011
    Họ và tên người hướng dẫn: PGS.TS Hoàng Văn Việt                                                                        
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    1 Mục đích và đối tượng nghiên cứu
    Mục đích của luận án là phục dựng toàn bộ bức tranh hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Nhật Bản và Việt Nam từ năm 1992 đến nay, trên cơ sở khảo sát tiến trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh với các lao động người Việt Nam, chúng tôi hy vọng góp thêm tư liệu vào mảng nghiên cứu hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước từ năm 1992 đến nay.
    Đối tượng nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là “Hợp tác Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực từ năm 1992 đến nay (Trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh)”. Trong đó, luận án tập trung nghiên cứu quan hệ Nhật Bản - Việt Nam từ năm 1992 đến nay, từ đó tạo cơ sở để nghiên cứu nội dung chủ yếu của luận án là hợp tác hai nước trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và khảo sát tiến trình hợp tác trong lĩnh vực nguồn nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh trong khung thời gian nêu trên. 
    2 Phương pháp nghiên cứu
    Đề tài luận án thuộc chuyên ngành lịch sử thế giới cận đại và hiện đại, nên trong quá trình nghiên cứu chúng tôi sử dụng hai phương pháp chính là phương pháp lịch sử và phương pháp logic để giải quyết các vấn đề do đề tài đặt ra.  Ngoài việc phân tích, so sánh, đối chiếu mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử, đề tài cố gắng trình bày các luận điểm trên cơ sở bám sát các sự kiện lịch sử, chân thực lịch sử, trình bày lịch sử như nó đã từng có. 
    Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng phương pháp liên ngành khác như hệ thống để đánh giá, phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế, thống kê, so sánh, đối chiếu, tổng hợp…để phân tích các sự kiện một cách khách quan và có hệ thống. 
    Tất cả các phương pháp đó đều được thực hiện trên nền tảng cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kim chỉ nam cho những người nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội; cùng hệ thống các quan điểm của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, hợp tác quốc tế.
    3 Các kết quả chính và kết luận 
    - Các kết quả chính
    Một là, luận án góp phần làm rõ vai trò của phát triển nguồn nhân lực trong sự phát triển các quốc gia thời kỳ Toàn cầu hóa hiện nay thông qua việc nghiên cứu quá trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1992). Luận án không dừng lại ở việc liệt kê sự kiện mà phân tích, lý giải những giai đoạn phát triển trong quan hệ Nhật Bản - Việt Nam từ “quan hệ hữu nghị”, “quan hệ đối tác quan trọng”, “quan hệ đối tác chiến lược”, “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” và hiện nay, đang bước vào giai đoạn “làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phồn vinh Châu Á”, từ đó làm sáng tỏ chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ mới. Trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ việc phát triển đất nước.
    Hai là, từ những kết quả đạt được, luận án đưa ra những nhận định, lý giải và bước đầu đưa ra các bài học kinh nghiệm rút ra từ quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư từ năm 1992 đến nay. Những kiến giải và kết luận của tác giả về vấn đề hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước không phải là cuối cùng mà mang tính gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo của học giả Việt Nam. 
     Ba là, việc tập hợp các thông tin, sự kiện và số liệu mới về quan hệ Nhật Bản - Việt Nam và vấn đề phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có thể là nguồn tư liệu bổ sung, tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên các ngành lịch sử, quan hệ quốc tế, quốc tế học, Đông phương học, Nhật Bản học... góp phần hiểu rõ thực chất của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, tăng cường tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai chính phủ trong bối cảnh hội nhập quốc - Kết luận
    Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/1973, quan hệ của hai chính phủ Nhật - Việt cũng như nhân dân hai nước càng càng phát triển sâu rộng. Sau nhiều năm xây dựng, mặc dù có nhiều biến động quốc tế, khu vực và trong mỗi quốc gia ảnh hưởng đến cả hai nước, mối quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn liên tục được đẩy mạnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. 
    Trong mối quan hệ song phương, nội dung về đào tạo, phát triển và hợp tác về nguồn nhân lực luôn là chủ đề được cả Việt Nam lẫn Nhật Bản quan tâm. Bởi lẽ, dù hợp tác trên lĩnh vực nào, yếu tố con người đều là yếu tố chính quyết định hiệu quả của tiến trình hợp tác giữa các bên. Đặc biệt, nguồn nhân lực đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của bất kỳ tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp và quốc gia nào. Đồng thời, trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trong thời kỳ toàn cầu hóa, thị trường hàng hóa cũng như thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt. Nếu không có những thay đổi cần thiết, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ dễ bị tụt hậu so với mức tiêu chuẩn của thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản là một trong các quốc gia hàng đầu châu Á về phát triển nguồn nhân lực. Với xu thế toàn cầu, Việt Nam và Nhật Bản đều hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong sự phát triển chung từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội... 
    Thành phố Hồ Chí Minh là vùng kinh tế trọng điểm, đầu tàu kinh tế cả nước. Vì vậy, yêu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhu cầu đào tạo người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các công ty Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày một tăng nhanh cùng với sự cạnh tranh quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ và những áp lực về kinh tế xã hội. Trong khi đó, Chính phủ, các đơn vị giáo dục và đơn vị nghiên cứu cùng các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có nhiều đóng góp quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực phụ thuộc chủ yếu vào trình độ và thái độ làm việc của người lao động đối với công việc. Nói cách khác, các công ty Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cần một thời gian cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, sau đó mới phát huy được khả năng và có sự đóng góp tích cực cho đơn vị, công ty.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên