Hoạt động sinh viên và cộng đồng

Khi làm dự án cộng đồng, điểm bắt đầu cũng là điểm kết thúc

  • 15/04/2024
  • Đồng hành cùng các hoạt động về môi trường nhiều năm nay, Nguyễn Minh Huyền (sinh viên năm 4 Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM) đã có được một “gia tài” rất đáng ngưỡng vọng. Cô là một trong 4 sinh viên của ĐHQG-HCM được chọn tham gia chương trình trao đổi quốc tế NUS ASIAN Fellowship Programme 2023 tại Singapore.

    Nguyễn Minh Huyền là tác giả của nhiều báo cáo, dự án môi trường và phát triển bền vững. Nguồn: NVCC

    Tại NUS, Minh Huyền cùng cộng sự trình bày dự án How to make HCMUSSH better (tạm dịch: Làm thế nào để HCMUSSH tốt hơn), gồm thực trạng và giải pháp thực tiễn để giảm rác thải nhựa dùng một lần ở sinh viên. Đây chỉ là một trong những dấu mốc ấn tượng mà Huyền gặt hái được với tư cách là thanh niên hoạt động vì môi trường.

    Mối quan tâm lớn nhất là con người

    Từ những ngày đầu vào đại học, Minh Huyền đã tham gia các sự kiện hành động vì khí hậu do UNICEF tổ chức. Sau đó, cô tiếp tục có mặt trong các workshop, hoạt động của nhiều tổ chức phi lợi nhuận, Đoàn Thanh niên,… về môi trường. Kinh nghiệm có được trước đó đã đưa lối cô sinh viên Báo chí đến những sân chơi lớn hơn.

    Tuy nhiên, môi trường không phải điều Minh Huyền chú trọng nhất. Cô nói: “Môi trường chỉ là một khía cạnh trong mối quan tâm của mình. Với mình, mối quan tâm lớn nhất là con người”. Minh Huyền chia sẻ câu chuyện khiến cô có nhiều trăn trở rằng: “Có bạn sinh viên từng kể, nơi bạn sống rất hiếm có nước ngọt. Bạn chỉ mong được lên thành phố học để dùng nước ngọt thoải mái hơn”. Như một vòng tròn, con người không thể tách khỏi môi trường và bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ con người. Nhận thức được “những điều bình dị đối với chúng ta nhưng đôi khi lại là điều xa xỉ đối với người khác”, cô tiếp tục tham gia, nghiên cứu các hoạt động về môi trường quy mô lớn.

    Năm 2021, tham gia trại viết Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì biến đổi khí hậu cho COP26, Minh Huyền cùng nhóm cộng sự nhận thấy khí thải nhà kính là một trong những tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu. Các đề xuất nhóm đưa ra không chỉ tập trung vào chính sách, thiên nhiên, mà còn dành sự quan tâm rất lớn đến việc giúp thanh niên xây dựng các dự án lâu dài… Trải nghiệm ở trại viết giúp Huyền có hiểu biết mới. “Chẳng hạn khi tìm hiểu, mình mới biết ngành sản xuất thịt có phát thải khí rất nhiều. Vậy nên một số nhà hoạt động môi trường khuyến khích mọi người ăn chay” - cô nói.

    Không chỉ có thêm kiến thức, nhận thức của cô gái trẻ về môi trường cũng thay đổi qua mỗi trải nghiệm. Minh Huyền nhấn mạnh việc cải thiện môi trường đi kèm với sự thay đổi của con người. “Mình quan tâm đến vấn đề rác thải vì đó là yếu tố con người có thể kiểm soát được” - cô lưu ý. Trong chương trình trao đổi quốc tế NUS ASIAN Fellowship Programme 2023, Minh Huyền cùng Hồng Nhung (sinh viên khóa 20 Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM) thực hiện dự án giảm thiểu ly và chai nhựa sử dụng một lần. Dự kiến dự án này áp dụng trước hết ở Trường ĐH KHXH&NV. Sau khi có kết quả nghiên cứu, đôi bạn đề xuất giải pháp sử dụng bình cá nhân. Huyền phân tích: “Nếu mỗi sinh viên Nhân văn sử dụng bình cá nhân, hoặc tái sử dụng ly nhựa, lượng rác thải nhựa sẽ giảm khoảng 75%”.

    Từ trải nghiệm tại NUS, nữ sinh viên Báo chí khái quát thành những bài học thực tế rất hữu ích. Trước hết, mọi kết luận đều phải dựa trên khoa học. “Cụ thể: Vấn đề này là gì? Có thật hay không? Cơ sở khoa học là gì? Đã nghiên cứu đến đâu, giải pháp giải quyết được điều gì?...”. Cô chỉ ra hai hướng thực hiện các giải pháp về môi trường. Một, giải pháp mới muốn được chấp nhận phải thuận tiện hơn thói quen cũ của cộng đồng. Hai, nếu không thuận tiện, giải pháp ấy phải đi kèm lợi ích. Minh Huyền nói cụ thể hơn: “Chẳng hạn, các bạn vẫn dùng ly nhựa một lần vì tiện. Nếu người thực hiện dự án kết hợp với việc ra mắt sản phẩm bình cá nhân, chưa chắc các bạn đã thấy đủ tiện lợi để sử dụng. Do đó, tụi mình có đề xuất dán mã số sinh viên lên từng bình, khi dùng bình đó mua nước ở căn tin sẽ được tích điểm hoặc giảm giá. Đó là lợi ích”.

    Từng là giảng viên hỗ trợ Minh Huyền hoàn thành dự án How to make HCMUSSH better, giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông Đỗ Thị Hà Phương nhận xét: “Huyền là người có sự đam mê và nhiệt huyết với các vấn đề phát triển bền vững và tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa”. Điểm sáng trong dự án của Minh Huyền chính là sự ứng dụng mô hình và cách giải quyết vấn đề mà bản thân cô học được ở trại NUS ASEAN, câu chuyện khuyến khích sinh viên tái sử dụng chai nhựa. Giảng viên Hà Phương đánh giá rất cao tính thiết thực và khả thi của dự án.

    Hiện thực hóa và duy trì dự án cộng đồng

    Đứng trước tình trạng nhiều dự án không thể thực hiện hoặc duy trì, Minh Huyền cho rằng, mỗi dự án cần phải có môi trường để thực nghiệm. Song, điều này còn liên quan đến kinh tế, quyền lợi của các bên liên quan cũng như tư cách kêu gọi cộng đồng của người thực hiện dự án. “Người thực hiện nên nhìn thẳng vào vấn đề để tìm ra đâu là khó khăn tài chính. Từ đây, mọi người có thể cùng nhau xoay xở bằng việc kêu gọi nguồn quỹ hỗ trợ  từ các tổ chức” - Minh Huyền chia sẻ.

    Để các dự án được hiện thực hóa và duy trì lâu dài, người thực hiện dự án cần ý thức rằng mình đang trên một “cuộc đua”. Sau khi đã chinh phục được “cự ly” trước đó, người thực hiện dự án nên tiến đến những mục tiêu cao hơn, có độ lan tỏa cộng đồng lớn hơn.  Theo Minh Huyền, những dự án chỉ nhắm đến việc nâng cao nhận thức của sinh viên về rác thải đã quá lỗi thời! Bây giờ chúng ta nên tính đến những thay đổi chất lượng hơn, hành động thực tế hơn.

    Quá trình học tập tại Khoa Báo chí và Truyền thông đã giúp Minh Huyền có cái nhìn toàn diện về con người trong bối cảnh xã hội phức tạp. Cô chia sẻ: “Quá trình rèn giũa ở ngành Báo chí đã giúp mình biết cách kết nối với cộng đồng hiệu quả. Vô tình, đó cũng chính là mục tiêu chính yếu của các dự án mà mình thực hiện”. Mặt khác, theo Minh Huyền, báo chí và truyền thông ngày nay nên bình thường hóa thông tin về lối sống xanh vì đây chỉ là một lối sống tối giản nhằm giảm thiểu “dấu chân carbon” và phát thải của bản thân.

    Minh Huyền mong ngày càng có nhiều nhân tố trẻ sẵn sàng thực hiện những dự án thật sáng tạo, hữu hiệu cho môi trường sống và cộng đồng. Cô khích lệ các bạn trẻ bằng cách vẽ một vòng tròn trên giấy rồi giải thích: “Khi làm dự án cộng đồng, điểm bắt đầu cũng chính là điểm kết thúc. Tức là khi kết thúc một sự kiện, một giai đoạn của dự án, cũng là lúc người thực hiện cần bắt đầu những bước đường, ý tưởng mới cho dự án của họ. Cái tâm của hình tròn ấy luôn là con người. Nếu tư duy như vậy, dự án của các bạn có thể thành công!”.

    Trong tương lai, Minh Huyền ấp ủ dự án Tích hợp mái che trong khu vực đỗ xe với hệ thống sạc điện tự động dành cho xe điện nhằm khuyến khích mọi người ý thức hạn chế lượng phát thải từ phương tiện di chuyển cá nhân.

    MINH QUÂN - THƯ KỲ