Tin tức - Sự kiện

Nghiên cứu và phát triển phương pháp xử lý thành phần tán xạ nhiều lần trong phổ gamma tán xạ - NCS. Võ Hoàng Nguyên

  • 09/07/2023
  • Tên đề tài luận án: Nghiên cứu và phát triển phương pháp xử lý thành phần tán xạ nhiều lần trong phổ gamma tán xạ
    Ngành: Vật lý nguyên tử và hạt nhân
    Mã số ngành: 62 44 05 01
    Họ tên nghiên cứu sinh: Võ Hoàng Nguyên
    Khóa đào tạo: 2015
    Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Châu Văn Tạo
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG.HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Nội dung của luận án bao gồm:
    - Phần mở đầu giới thiệu chung về mục tiêu nghiên cứu của luận án.
    - Chương 1: trình bày tổng quan về tình hình nghiên cứu gamma tán xạ ở trong nước và trên thế giới, cơ sở lý thuyết phục vụ cho các tính toán ở các chương sau.
    - Chương 2: mô tả các hệ đo thực nghiệm được sử dụng trong luận án và giới thiệu các chương trình mô phỏng MCNP6 và GEANT4.
    - Chương 3: trình bày các khảo sát riêng biệt về các thành phần tán xạ, từ đó phát triển các phương pháp xử lý phổ gamma tán xạ và đề xuất một quy trình bán thực nghiệm nhằm phân tách các thành phần trong một phổ gamma tán xạ.
    - Chương 4: trình bày kết quả áp dụng các phương pháp xử lý phổ gamma tán xạ và quy trình bán thực nghiệm đã nêu ở chương 3 để tính bề dày của các tấm nhôm, thép và các ống thép.
    - Chương 5: tóm tắt lại các kết quả đã đạt được của luận án, nêu ra các điểm mới của luận án và kiến nghị các nghiên cứu tiếp theo.
    2. Những kết quả mới của luận án
    - Phát triển công thức để xác định bề dày của bia tán xạ dựa trên lý thuyết gamma tán xạ một lần. Các hệ số IS (cường độ tán xạ bão hòa) và μeff (hệ số suy giảm hiệu dụng) trong công thức được xác định bằng cách làm khớp dữ liệu của cường độ tán xạ một lần theo bề dày bia.
    - Phát triển công thức để tính bề dày bão hòa của bia tán xạ dựa trên khái niệm về thăng giáng thống kê trong ghi đo bức xạ và sự phụ thuộc của cường độ tán xạ vào bề dày bia.
    - Đề xuất phương pháp làm khớp phổ gamma tán xạ bằng hai thành phần, gồm: một hàm Gauss kèm đuôi trái (để mô tả thành phần tán xạ một lần) và tổng của một hàm Gauss và một đa thức bậc bốn (để mô tả thành phần tán xạ nhiều lần).
    - Đề xuất một quy trình bán thực nghiệm để xử lý phổ gamma tán xạ dựa trên khái niệm hàm mật độ xác suất. Trong quy trình này, phổ gamma tán xạ xem như được tạo thành bởi ba thành phần: tán xạ một lần, tán xạ hai lần và tán xạ trên hai lần.
    3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
     Các phương pháp xử lý phổ gamma tán xạ và quy trình bán thực nghiệm đã đề xuất trong luận án có thể ứng dụng trong việc kiểm tra khuyết tật của vật liệu bằng kỹ thuật gamma tán xạ. Vị trí và kích thước của khuyết tật có thể được xác định dựa trên sự thay đổi bất thường của bề dày vật liệu.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên