Tin tức - Sự kiện

Phát triển doanh nghiệp tư nhân vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Bến Tre - NCS. Đỗ Thị Thu Thảo

  • 23/11/2021
  • Tên đề tài LATS: Phát triển doanh nghiệp tư nhân vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Bến Tre
    Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
    Mã số: 62310102
    Họ tên NCS: Đỗ Thị Thu Thảo
    Mã số NCS: N17705
    Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, HD2: TS. Tần Xuân Bảo
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Luận án tiến sĩ “Phát triển doanh nghiệp tư nhân vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu điển hình trường hợp tỉnh Bến Tre” được thực hiện với mục tiêu hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển DNTN, phân tích thực trạng phát triển DNTN vùng duyên hải phía đông ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng, để từ đó, đề xuất giải pháp phát triển DNTN trên địa tỉnh Bến Tre và định hướng cho cả vùng DHPD ĐBSCL.
    Thông qua tổng quan tình hình nghiên cứu về doanh nghiệp tư nhân, tác giả nhận thấy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng hiện diện ở các nước đang phát triển và sự phát triển của khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về tăng trưởng và phát triển kinh tế (Soriano & Garrido, 2015). Phát triển doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như các vấn đề về chính sách, thông tin, thủ tục hành chính, nguồn lực…Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu tập trung vào phát triển DNTN tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng DHPD ĐBSCL nói riêng.
    Về cơ sở lý luận, luận án xác định “DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”, “KTTN là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, với lao động của các chủ thể kinh tế và lao động làm thuê, bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp thuộc tư nhân”. Để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, Luận án tập trung vào tác động của yếu tố vĩ mô như: (1) Thị trường tiêu thụ sản phẩm (thị trường tiêu thụ là một trong những điều kiện quan trọng để các DN lựa chọn địa điểm đầu tư); (2) Các nguồn lực đầu vào của địa phương (nguồn lao động của tỉnh, nguồn nguyên liệu đầu vào, thuận lợi về tài nguyên đất đai và khí hậu, chi phí đất đai); (3) Sự kết nối sản xuất trong liên kết chuỗi giá trị (thuận lợi kết nối với các DN lớn trong ngành tại Tỉnh, thuận lợi kết nối với các DN lớn cùng ngành tại các địa phương lân cận, thuận lợi kết nối với các DN lớn cùng ngành tại các địa phương trong cả nước, kết nối với các DN trong ngành là yếu tố quan trọng để DN hoạt động); (4) Các chính sách cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân (chính sách khởi nghiệp; chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực; chính sách đất đai, thuế phí; quy trình và chi phí thực hiện thủ tục hành chính).
    Về thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Bến Tre, tác giả nhận thấy phát triển DNTN ở Bến Tre đạt được những thành tựu nhất định. Thứ nhất, số lượng, quy mô DNTN ở tỉnh Bến Tre đã có những sự cải thiện rõ rệt và rất đáng khích lệ. Thứ hai, hiệu quả kinh tế của DNTN tỉnh Bến Tre có sự chuyển biến tích cực và dần khẳng định vị trí là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh. Về tăng trưởng GDP, khối DNTN tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của tỉnh và khu vực DNNN. So với khu vực nhà nước, khối DNTN vẫn có sự hoạt động năng động hơn và có xu hướng tăng trưởng ngày càng cao hơn. Về đóng góp trong GDP, khu vực kinh tế ngoài nhà nước bao gồm khối DNTN, kinh tế cá thể và kinh tế tập thể đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, với tỷ trọng GDP lớn nhất so với các khu vực kinh tế của tỉnh. Thứ ba, sự phát triển của DNTN đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội, đảm bảo thể hiện tính định hướng XHCN của nền kinh tế địa phương.
    Bên cạnh những thành công, kết quả phát triển DNTN tại địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, thể hiện như sau:Thứ nhất, sự phát triển về số lượng DNTN trên địa bàn tỉnh Bến Tre là chưa đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng cũng như chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế của tỉnh. Thứ hai, sự thiếu ổn định trong tăng trưởng GDP của khối DNTN. Thứ ba, các DNTN thiếu chuẩn bị các điều kiện để có thể thực sự hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đã đăng ký. Thứ tư, hiện tượng thiếu vắng DNTN vừa và lớn, gây cản trở đến hiệu quả và năng suất sản xuất kinh doanh. Thứ năm, mức độ phi chính thức của khu vực KTTN ở tỉnh Bến Tre là rất cao. Thứ sáu, năng suất lao động và hàm lượng TFP trong sự phát triển của DNTN ở Bến Tre là không đáng kể. Thứ bảy, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp, phân bổ nguồn lực vốn thiếu hiệu quả. Thứ tám, hiệu quả hoạt động tài chính của DNTN tỉnh Bến Tre không cao. Thứ chín, mối liên kết giữa các cấu phần của khu vực KTTN thiếu chặt chẽ. Trong nội tại khu vực KTTN, mối liên kết giữa các DNTN nội tỉnh, ngoại tỉnh; DNTN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu và có nhiều hạn chế.
    • Bối cảnh mới có những tác động đáng kể tới sự phát triển của KTTN. Trong đó có CMCN 4.0 gắn với chuyển đổi số, hội nhập và thương mại quốc tế đan xen chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu. Bối cảnh này tạo ra không ít cơ hội và thách thức cho phát triển DNTN vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Xuất phát từ những hạn chế, trở ngại trong quá trình phát triển DNTN tại tỉnh Bến Tre cũng như nguyên nhân của nó, đồng thời trên cơ sở phân tích các thuận lợi, khó khăn cùng với những bối cảnh phát triển trên thế giới, trong nước và địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Luận án đề xuất các quan điểm, nhóm định hướng và nhóm giải pháp phát triển DNTN vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng trong thời gian tới, như: i) Phát triển DNTN của vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng đồng bộ, phù hợp với những mục tiêu phát triển KTXH trong quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; ii) Phát triển mạnh mẽ KTTN theo hướng từng bước chuyển các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn trở thành DNTN, các DN có quy mô nhỏ trở thành các DN có quy mô lớn và vừa, liên kết giữa các DN của tỉnh với các DN trong và ngoài nước để xây dựng một số DN có quy mô, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường; iii) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất và kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hài hòa, đồng bộ, hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật; iv) Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DNTN, đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh trong vùng và cả nước để tạo điều kiện ổn định thị trường, bảo vệ môi trường sinh thái; v) Khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn trên cơ sở khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do với các nước có nền công nghiệp phát triển; vi) Phát triển kinh tế số và tập trung vào liên kết vùng
    2. Những kết quả mới của luận án 
    Với cách tiếp cận chuyên ngành kinh tế chính trị, luận án đã xây dựng khung phân tích vấn đề phát triển DNTN. Khung phân tích này tích hợp 03 cấu phần quan trọng của phát triển DNTN gồm: (1) hệ thống chính sách; (2) các tiêu chí đánh giá quá trình phát triển; (3) yếu tố ảnh hưởng. Điểm mới của luận án thể hiện ở việc đã đề cập đến khía cạnh thúc đẩy sự phát triển và tinh thần khởi nghiệp của các DNTN trong hệ thống chính sách phát triển DNTN; đã dành một hàm lượng cần thiết để đánh giá tiêu chí hiệu quả xã hội của DNTN, đồng thời đã cung cấp những dữ liệu mới nhất về các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của DNTN ở Bến Tre.
    Ngoài ra, luận án đã nêu lên một số vấn đề chung cần lưu ý trong quá trình phát triển DNTN như chú trọng phát huy yếu tố năng lực bản thân các DNTN; đẩy mạnh kết nối các địa phương để thiết lập các mối liên kết giữa các DNTN của tiểu vùng; tăng cường chuẩn bị năng lực công nghệ cho kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới văn hóa trong quản trị kinh doanh. Những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế và những vấn đề chung đặt ra như trên này là căn cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp phát triển DNTN ở Bến Tre nói riêng và tiểu vùng DHPĐ ĐBSCL nói chung trong thời kỳ mới.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Trong giới hạn về năng lực và nguồn lực nghiên cứu, luận án vẫn còn bộc lộ những vấn đề chưa được giải quyết như: (1) thiếu một phân tích định lượng ở dạng mô hình kinh tế để có thể lượng hóa chính xác sự tác động của các yếu tố vĩ mô, vi mô đến quá trình phát triển của DNTN tỉnh Bến Tre; (2) chưa xây dựng được một khung tiêu chí đánh giá riêng về hệ thống chính sách phát triển DNTN của địa phương mà chỉ dựa vào 10 chỉ số thành phần của PCI. Những vấn đề này có thể sẽ được tác giả luận án tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới hoặc có thể sẽ được những nhà nghiên cứu khác thực hiện.

    Tệp đính kèm: