Tin tức - Sự kiện

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (1975-2015) - NCS. Tống Thị Tân

  • 19/07/2022
  • Tên đề tài luận án tiến sĩ: Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (1975-2015)
    Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
    Mã số: 9229013
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Tống Thị Tân
    Người hướng dẫn khoa học: GS TS Võ Văn Sen
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – ĐHQG TP HCM.
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract) 
    Trên cơ sở kế thừa, phát triển những kết quả nghiên cứu đã có trước đó cùng nguồn tư liệu tin cậy và phong phú với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản của Khoa học lịch sử, luận án là một công trình khoa học nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo giai đoạn 1975-1995. Nội dung chính của luận án bao gồm: 1. định nghĩa, mục tiêu và các hình thức của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học; 2. Phục dựng khái quát quan hệ hợp tác giáo dục đào tạo giữa hai quốc gia (1975-2015); 3. Xác định những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đào tạo. Nêu lên thành tựu, đặc điểm, tính chất của quan hệ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ qua từng giai đoạn lịch sử; Đánh giá mức độ ảnh hưởng của quan hệ giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đối với các lĩnh vực quan hệ khác, những hạn chế và thách thức cũng như triển vọng của mối quan hệ trên;
    + Những kết quả của luận án
    - Giáo dục đào tạo là nhân tố đi đầu, xuyên suốt trong quá trình hòa giải và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia; Quan hệ giáo dục đào tạo Việt Nam - Hoa Kỳ chịu tác động của quan hệ chính trị; Quan hệ giáo dục đào tạo Việt Nam - Hoa Kỳ vừa mang tính hợp tác vừa mang tính cạnh tranh; Quan hệ giáo dục đào tạo Việt Nam - Hoa Kỳ vừa mang tính phi thương mại vừa mang tính thương mại; Quan hệ giáo dục đào tạo Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục đại học.
    - Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo diễn ra trên phạm vi rộng (từ cấp độ cam kết giữa hai chính phủ cho đến người dân) và sâu (với sự góp mặt đầy đủ của 4 phương thức quy định của GATS theo WTO).
    - Vai trò của giáo dục trong chính sách ngoại giao nhân dân và đóng góp của lĩnh vực giáo dục đối với nền kinh tế của Hoa Kỳ.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Trên cơ sở nguồn tư liệu được tập hợp đầy đủ, đặc biệt là các nguồn tài liệu bằng tiếng Anh từ các cơ quan của Chính phủ Hoa Kỳ, các Tổ chức phi chính phủ, các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia giáo dục, luận án đã cung cấp một cách hệ thống, tương đối đa dạng các tư liệu khoa học cho ngành Sử học, Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, nghiên cứu Hoa Kỳ, giáo dục đại học quốc tế, giáo dục đại học Hoa Kỳ.
    Thực tế cho thấy, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (1975-2015) diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục đại học. Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học của Nhà nước Việt Nam cũng chưa đề cập đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Trên thực tế, trong những năm gần đây thì hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục phổ thông đã diễn ra và có bước phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, trong khuôn khổ luận án, do hạn chế nhất định về mặt tài liệu, nhận thức và thời gian mà tác giả mới chỉ đề cập đến lĩnh vực giáo dục đại học mà chưa có đề cập đến lĩnh vực giáo dục phổ thông. Tác giả thiết nghĩ đây cũng là một nội dung quan trọng của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo mà tác giả và các nhà nghiên cứu cần có thêm thời gian để tìm tòi và tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên