Tin tức - Sự kiện

Xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp: trường hợp nghiên cứu tỉnh Tầy Ninh -NCS. Trương Công Phú

  • 29/08/2022
  • Tên đề tài luận án tiến sĩ: Xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp: trường hợp nghiên cứu tỉnh Tầy Ninh
    Chuyên ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường
    Mã số: 62.85.01.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Trương Công Phú
    Người hướng dẫn khoa học: 1.  PGS.TS Chế Đình Lý, 2. PGS.TS Bùi Xuân An
    Cơ sở đào tạo: Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Luận án đã dựa vào 05 tiêu chuẩn theo quan điểm của FAO/UNDP/UNEP/WB, năm 1997 và Dumaski năm 2000 kết hợp với mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR, sử dụng phương pháp AHP xem xét tầm quan trọng các tiêu chuẩn gồm: Có tính thực tiễn; Có thể tính toán được; Liên quan đến chính sách; Tính đặc trưng; Dễ thu thập thông tin. Từ đó xây dựng được bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp gồm 13 chỉ thị, trong đó hiệu quả kinh tế 03 chỉ thị, hiệu quả xã hội 05 chỉ thị, hiệu quả tài nguyên và môi trường 05 chỉ thị. Bên cạnh đó cũng đề xuất một số khuyến cáo khi áp dụng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững cho một địa bàn cụ thể.
    Áp dụng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững giai đoạn 2015-2019 ở Tây Ninh bằng mô hình nhận biết thuộc tính (ARM), kết quả cho thấy:
    - Căn cứ vào nhu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh lựa chọn được 04 loại hình sử dụng đất tham gia đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp là Lúa và ngô, khoai mì, cao su và mía. Xây dựng bản đồ đơn vị đất đai bằng phương pháp chồng xếp các bản đồ đơn tính kết quả được 18 đơn vị đất đai áp dụng cho việc thu thập dữ liệu bộ chỉ thị. 
    - Dựa vào nguyên lý khoảng tin cậy của thống kê và mặt bằng chung của tỉnh xây dựng 5 bậc bền vững áp dụng đánh giá: bậc 1, không bền vững; bậc 2, bền vững yếu; bậc 3, bền vững trung bình; bậc 4, khá bền vững; bậc 5, rất bền vững. Sử dụng phương pháp đánh giá đất đai FAO nhận định khả năng thích nghi của 4 loại hình sử dụng đất với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường của tỉnh. Kết quả cho thấy 4 loại hình này luôn đạt ở mức hiệu quả trở lên (>0,5/1,0 điểm).
    - Kết quả đánh giá theo bộ chỉ thị bằng ARM cho thấy hầu hết các loại hình sử dụng đất đối với 18 đơn vị đất đai đều hội tựu đầy đủ các điều kiện kinh tế, xã hội để phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đối với loại hình sử dụng đất khoa mì khuyến cáo không nên tiếp tục canh tác ở đơn vị số 10, 11, 14 và lúa màu không canh tác trên đơn vị số 11, 14 còn lại hầu hết có thể canh tác đạt từ mức bền vững đến rất bền vững.
    Tích hợp kết quả đánh giá bằng ARM với kết quả đánh giá FAO phục vụ định hướng SDĐNN bền vững về mặt không gian tỉnh Tây Ninh, NCS đề xuất đơn vị đất đai số 2, 3, 6, 16 ưu tiên canh tác cao su hoặc mía, đơn vị số 7, 9 ưu tiên canh tác mía hoặc khoai mì và cao su, đơn vị số 12, 13 ưu tiên canh tác lúa-màu, đơn vị số 14, 17 ưu tiên sản xuất mía, đơn vị số 18 ưu tiên sản xuất cao su và khoai mì. Kết quả đánh giá có xem xét đến hiện trạng sử dụng đất năm 2020, tuy nhiên tùy từng điều kiện kinh tế xã hội và quy hoạch SXNN ở địa phương có thể chọn loại hình sử dụng đất 1 trong 4 loại trên để canh tác nhưng phải ưu tiên lựa chọn những đơn vị với loại hình phải có chỉ số bền vững đạt từ 3,0 điểm trở lên, không nên chọn có chỉ số đánh giá dưới 3,0 điểm.
    Đa số các LUTs không đạt ở mức rất bền vững thường do 06 nguyên nhân chính, trong đó tập trung ở các chỉ thị xã hội và môi trường, nhất là diện tích biến động các loại hình sử dụng đất lớn qua các năm, sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, làm tăng hàm lượng kim loại nặng từ đó đất đai suy giảm độ phì, gián tiếp ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế và xã hội. Đồng thời căn cứ vào kết quả đánh giá cũng như thứ tự ưu tiên các chỉ thị quan trọng, NCS đề xuất được một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao tính bền vững các chỉ thị, trong đó quan trọng nhất là chỉ thị mức sử dụng thuốc BVTV trong canh tác.
    2. Những kết quả mới của luận án 
    - Luận án xây dựng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp dựa trên các nguyên tắc và quan điểm sử dụng đất nông nghiệp bền vững kết hợp với các phương pháp khoa học để sàng lọc, khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu cơ sở khoa học trong việc lựa chọn, chọn lọc bộ chỉ thị. Có thể áp dụng kết quả nghiên cứu để bổ sung thêm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu về tính bền vững sử dụng đất nông nghiệp nói chung.
    - Áp dụng bộ chỉ thị đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp tỉnh Tây Ninh bằng mô hình nhận biết thuộc tính (ARM) theo cách tiếp cận định lượng và toàn diện bao gồm ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường để kết luận tổng hợp tính bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục được ranh giới gần nhau giữa các mức bền vững với nhau. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu NCS cũng thiết lập các biểu mẫu, lập trình sẵn, các mô hình tính toán tự động để tiện cho việc tính toán và cho kết quả chính xác hơn, dễ dàng cho các địa phương áp dụng.
    - Gắn kết được kết quả đánh giá bằng ARM thông qua bộ chỉ thị với các đơn vị đất đai (LMU), từ đó đã định hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vững về mặt không gian trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có xem xét hiện trạng sử dụng đất đai, làm cơ sở để Nhà nước điều chỉnh quản lý sử dụng đất bền vững hơn trong tương lai. Có ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn về khoa học bền vững phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp bền vững.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    3.1 Khả năng ứng dụng trong thực tế
     - Áp dụng được phương pháp đánh giá tính bền vững sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng các lập trình, biểu mẫu tính toán tự động, từ đây các cơ quan quản lý liên quan sẽ có đầy đủ các bước thực hiện đánh giá, giúp cho cán bộ chuyên môn các phòng ban ở địa phương biết cách đánh giá, chỉ cần đều tra và xử lý dữ liệu nhập vào các biểu mẫu thì tự động sẽ nhận được kết quả ở mức bền vững nào.
     - Kết quả đánh giá có thể làm tham khảo cho lãnh đạo các huyện trong quá trình ra quyết định liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn cấp huyện và cấp tỉnh. Đóng góp vào nâng cao nhận thức công tác phát triển bền vững trong sử dụng đất nông nghiệp.
    3.2 Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
    Do lần đầu tiên áp dụng ARM đánh giá tính bền vững trong SDĐNN nên cần một số nghiên cứu tiếp theo để hoàn thiện phương pháp đánh giá, NCS kiến nghị như sau:
    - Cần phải rà soát nghiên cứu hoàn thiện bộ chỉ thị trong thời gian tới. Hoàn thiện phân bậc cho từng chỉ thị để áp dụng mô hình nhận biết thuộc tính (ARM). Nghiên cứu đánh giá các loại hình sử dụng đất khác ngoài 4 loại hình sử dụng đất đã nghiên cứu.
    - Tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu đánh giá phân bậc theo các thuật toán khác, tiến đến trí tuệ nhân tạo trong đánh giá. Để Bộ chỉ thị bao hàm hết các mục tiêu phát triển bền vững cần nghiên cứu thêm các chỉ thị liên quan về môi trường và tài nguyên, dựa vào 05 tiêu chuẩn sàng lọc áp dụng để đưa thêm các chỉ thị vào bộ chỉ thị góp phần hoàn thiện bộ chỉ thị.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên