Tin tổng hợp

Mạn đàm: CÔNG TÁC GIẢNG DẠY - HỌC TẬP ONLINE TRONG THỜI GIAN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19

  • 04/10/2021
  • LTS: Dịch bệnh Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, đã làm thay đổi cách thức vận hành mọi hoạt động, ngành nghề trong xã hội. Trong đó, giáo dục cũng không ngoại lệ. Với những trải nghiệm trên nhiều cung bậc khác nhau của việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động giảng dạy từ những năm đầu của thiên niên kỷ trước đến nay, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa -  đã chia sẻ nhiều thông tin cụ thể, hữu ích và góc nhìn đa chiều của việc giảng dạy và học tập online từ kinh nghiệm thực tiễn của Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM (Trường ĐHBK). Website ĐHQG-HCM trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

    Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam đầu năm 2020, việc triển khai phương thức giảng dạy online đã được phổ biến hơn, nhất là trong cấp độ đại học và sau đại học. Trước đó, hoạt động này cũng đã được áp dụng ở một số trường đại học, nhưng chỉ với quy mô và hàm lượng giới hạn. Trước khả năng lây lan mạnh của dịch Covid-19, việc giãn cách được thực hiện nghiêm túc và triệt để, phương thức giảng dạy online vì vậy cũng được “lên ngôi”! Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ số đã làm thay đổi mọi hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong cuộc sống. Hoạt động đào tạo bậc cao cũng ở trong guồng này và phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn tự biến mình thành “người đến sau”. Chúng ta có thể cảm nhận được ngay phương thức giảng dạy online sẽ không chỉ đơn giản đóng vai “diễn viên thay thế” mà sẽ dần là thành tố không thể thiếu, một “diễn viên chính” của hoạt động đào tạo trong tương lai.

    Vậy, chúng ta nên chuẩn bị gì để triển khai phương thức này một cách thuận lợi, thông suốt, ít bị sự cố?
     


    Một lớp học trực tuyến tại ĐHQG-HCM. Ảnh: Minh họa.


    Các mảng lớn của công tác chuẩn bị mà chúng ta phải nghĩ đến khi thực hiện, theo chúng tôi là:
    -    Cơ sở hạ tầng phục vụ.
    -    Học liệu đặc thù online.
    -    Con người, bao gồm cả thầy và trò.

    Trong mảng cơ sở hạ tầng, việc chuẩn bị một band thông mạnh là yếu tố phải được nhắc đến đầu tiên. Tại Trường ĐHBK, số lượng lớp môn học mỗi học kỳ thường đạt từ 3.000 đến 3.500 lớp. Sĩ số của các lớp cũng thay đổi rất nhiều, từ khoảng 20 đến 30 sinh viên ở các lớp chuyên ngành cho đến khoảng 50 đến 80 ở các lớp kỹ thuật cơ sở và có thể lên cao tới 200 đến 300 sinh viên ở các lớp khoa học cơ bản như: Toán cao cấp, Vật lý cao cấp, Hoá học cao cấp. Số lớp đồng thời được tiến hành trong cùng thời điểm ở Trường ĐHBK có thể đạt đến mức 220 đến 250 lớp cho tổng số sinh viên, học viên toàn trường trong khoảng 22.000 sinh viên.

    Đó là con số thống kê để chúng ta có thể hình dung quy mô hoạt động đào tạo của Trường ĐHBK trong thời gian chưa có dịch bệnh. Trong thời gian có dịch Covid-19, giai đoạn chưa thực hiện giãn cách (thời điểm năm 2020), nhà trường tổ chức hoạt động đào tạo online theo hình thức tạm gọi là online tập trung. Ở hình thức này, Trường ĐHBK xây dựng 22 studio tại các lớp học giảng đường truyền thống của trường với đầy đủ hệ thống hai hoặc ba máy tính, camera, ánh sáng, thu âm, phần mềm đạo diễn với các chế độ cài đặt đặc thù: zoom vào vị trí bàn giảng viên, zoom vào vị trí bục giảng, zoom vào vị trí bảng cá nhân, zoom vào các slides bài giảng trên máy tính cá nhân. Các video bài giảng được đưa lên hệ thống E-learning của nhà trường (hệ thống BKeL) lưu trữ, cùng với các room tương tác giữa giảng viên và sinh viên/học viên trong phần bài tập hoặc project. Để hệ thống có thể hoạt động thông suốt, không bị rớt mạng hoặc “khựng” với số lượng lớp môn học lớn như vậy, nhà trường đã tiến hành mở rộng band thông (thuê đường truyền) gấp hơn 3 lần, từ 200Mbps lên đến hơn 700Mbps. Song song với biện pháp tăng cường band thông upload của server tại nhà trường, Trường ĐHBK cũng đã tiến hành hỗ trợ band thông download của từng sinh viên bằng biện pháp liên kết với các nhà mạng để mua tặng cho từng sinh viên các data sim với dung lượng đường truyền dữ liệu đủ cho theo dõi video chuẩn HD trong suốt thời gian học.

    Trong giai đoạn của năm 2021, thời gian thực hiện giãn cách, các giảng viên tiến hành các lớp giảng tại nhà, nhu cầu band thông vẫn không thể giảm vì tất cả các bài giảng đều được tiến hành trên nền tảng của hệ thống BKeL tập trung của nhà trường. Lượng truy cập để tham gia lớp học và lượng xem lại/download bài giảng của sinh viên trong cùng thời điểm là rất lớn, yêu cầu band thông rộng. Kèm theo đó ở các buổi kiểm tra, thi thì đường truyền của hệ thống BKeL lại càng cần được nâng cấp mạnh hơn để thỏa yêu cầu. Ở hoạt động kiểm tra này, cần thiết phải chia các lớp không quá 25 đến 30 sinh viên cộng với 2 giám thị và 1 thanh tra giáo dục để đủ với không gian màn hình máy tính. Ngoài ra, để bảo đảm cho các buổi kiểm tra, thi được trung thực, tất cả thời gian diễn ra hoạt động kiểm tra, thi đều được thu hình và lưu trữ. Do lượng dữ liệu video chuẩn HD này và dữ liệu ảnh chụp bài thi của tất cả 22.000 người học rất lớn, nên vấn đề thuê và vận hành hệ thống lưu trữ cũng rất đáng phải được kể đến (cần lưu ý 01 giờ video chuẩn HD chiếm dung lượng khoảng từ 600 đến 800 Gb). Các dữ liệu này cần được lưu trữ trong suốt thời gian học của sinh viên tại trường từ 4 đến 6 năm.

    Cũng cần phải lưu ý đến việc duy tu bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, công tác xưởng (nhất là đối với các đơn vị đào tạo khoa học - kỹ thuật) và đặc biệt là nhà cửa, phòng ốc dành cho đào tạo. Công tác duy tu bảo dưỡng khi không sử dụng, theo chúng tôi quan sát thấy, cũng cần phải được lưu ý chuẩn bị vì hao tốn cũng ít hơn trong thời gian sử dụng là không đáng kể.

    Có thể thấy là phần tài chính cần thiết cho triển khai hiệu quả hoạt động giảng dạy - học tập online đúng nghĩa không nhỏ hơn tiến hành trực tiếp trên lớp và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm được chất lượng đào tạo mong muốn.

    Về mảng học liệu đặc thù online, đa phần các giảng viên của Trường ĐHBK đều soạn lại bài giảng, bài tập để phù hợp với các buổi giảng online, hướng dẫn làm bài tập/project với các phần tương tác qua mạng nên đây cũng là công tác chiếm khá nhiều công sức của các giảng viên. Các bài kiểm tra cũng phải được soạn lại với việc đẩy mạnh phần thi trắc nghiệm và vấn đáp (là hình thức thi cần nhiều band thông để tiến hành suôn sẻ, không bị sự cố ngắt kết nối). Đây cũng là công việc quan trọng mà chúng ta cần quan tâm giải quyết khi tiến hành giảng dạy online.

    Mảng cuối cùng và đặc biệt quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị tâm lý, nhận thức cho đội ngũ giảng viên và sinh viên tham gia vào việc giảng dạy - học tập theo hình thức online. Dẫu sao, hình thức giảng dạy này là mới mẻ, còn gây nhiều bỡ ngỡ cho những nguời tham gia. Chúng ta cần chuẩn bị các hỗ trợ đúng mức để mọi thành viên dần có thể tương thích với hình thức hoạt động giảng dạy đặc thù này.
    Chúng tôi hy vọng những trải nghiệm của Trường ĐHBK sẽ là một kênh tham khảo hữu ích để các đơn vị giáo dục khác, đặc biệt là trong hệ thống ĐHQG-HCM, có những chuẩn bị phù hợp về nguồn tài chính và con người để tổ chức tốt hoạt động này, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn hệ thống.

    PGS.TS Trần Thiên Phúc
    (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa)