Tin tổng hợp

Công bố quốc tế lĩnh vực KHXH&NV: Nan đề của học giới?

  • 05/10/2018
  • Công bố nghiên cứu ở tầm quốc tế của giới học thuật Việt Nam đã trở thành chủ đề gây chú ý trong dư luận những năm gần đây. Trong năm 2017, báo chí Việt Nam cho thấy 34% ứng viên giáo sư và 53% ứng viên phó giáo sư trong tổng số 1.226 hồ sơ được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét duyệt không có bài báo ISI/Scopus. Đặc biệt, những ngành có ít bài báo khoa học nhất chủ yếu thuộc về lĩnh vực KHXH&NV. Trong đó, ngành Luật học và ngành Ngôn ngữ học là hai ngành “trắng” bài báo khoa học quốc tế.

    Phải chăng số lượng công bố quốc tế của khối KHXH&NV thấp là do đặc thù ngành hay năng lực của học giới thuộc lĩnh vực này? Bản tin ĐHQG-HCM đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia thuộc hai khối ngành KHTN và KHXH&NV về vấn đề trên.

    * GS Phan Thanh Sơn Nam - Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM

    Nên có hội thảo nghiêm túc về vấn đề này

    Đối với lĩnh vực KHTN, không tính ngày xưa còn khó khăn, những luận án gần đây có bài ISI không còn là chuyện “hái sao trên trời” nữa. Tôi thường nghe những bạn NCS của lĩnh vực KHXH&NV cho rằng khó công bố bài báo ISI. Tôi là người ngoại đạo, nhưng tìm hiểu qua thì thấy ở phương Tây, có nhiều giáo sư không phải KHTN nhưng công bố ISI “ào ào” như GS Michael Tomasello có hơn 25 bài trong năm 2017, với chỉ số trích dẫn H-Index là 160. Trong bảng kê những bài báo hoành tráng của vị giáo sư này, có nhiều bài nếu chỉ đọc cái tên thôi, nhiều người cũng sẽ thốt lên rằng, đề tài đó sao mà viết báo ISI được. Đúng là không thể đánh giá chất lượng luận án chỉ qua một cái tên, mà phải đọc ít nhất là bảng tóm tắt của luận án hay toàn văn luận án. Ngoài ông Tomasello, còn có khá nhiều giáo sư các ngành KHXH, lịch sử, chính trị, triết học, kinh tế, luật có H-Index còn cao hơn cả các giáo sư ngành KHTN dựa theo thống kê của scholargoogle. Ngay cả nghiên cứu về đảng cộng sản người ta vẫn có tạp chí ISI để đăng bài. Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ nên tổ chức một hội thảo nghiêm túc về vấn đề này.

    * GS Nguyễn Thị Cành - Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM

    Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho KHXH&NV

    Cho đến nay các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thuộc khối ngành KHXH&NV, gồm cả ngành kinh tế - quản lý và luật rất ít có bài công bố quốc tế hạng cao (ISI/SSCI) so với khối ngành KHTN - kỹ thuật - công nghệ. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính mỗi năm tại Việt Nam, khoảng dưới 5% các giảng viên, cán bộ nghiên cứu từ trình độ tiến sĩ trở lên thuộc khối ngành KHXH&NV có bài đăng quốc tế ISI. Trong khi đó tỷ lệ giảng viên, cán bộ nghiên cứu thuộc khối ngành KHTN - kỹ thuật - công nghệ từ trình độ tiến sĩ trở lên có bài công bố quốc tế (ISI) hạng cao hơn nhiều.

    Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, theo tôi, trước nhất là do đặc điểm của KHXN&NV vốn mang tính trừu tượng, yêu cầu tư duy lập luận nhiều, diễn đạt rõ ràng và logic (nghiên cứu định tính). Do đó, khi muốn nghiên cứu được công bố quốc tế đòi hỏi tiếng Anh phải giỏi. Tiếp đến, KHXH&NV thường gắn với quan điểm chính trị và mang tính phê phán. Nếu nghiên cứu mang tính phê phán, phản biện xã hội dễ “lạc” về quan điểm chính trị, sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Thứ ba, đối với ngành có thể nghiên cứu định lượng áp dụng các mô hình toán để kiểm định lý thuyết như kinh tế, tài chính cần phải sử dụng số liệu chuỗi thời gian dài, mà nghiên cứu về Việt Nam thì số liệu không đáp ứng. Thường những nghiên cứu định lượng về kinh tế tài chính muốn đăng quốc tế phải sử dụng dữ liệu quốc tế (Mỹ, châu Âu…) trong khi các đề tài đặt ra nghiên cứu theo định hướng lại là nghiên cứu cho Việt Nam. Thứ tư, một lý do quan trọng nữa là hiện nay quỹ tài trợ cho nghiên cứu KHXH&NV thấp hơn nhiều so với quỹ tài trợ cho nghiên cứu KHTN và kỹ thuật. 

    Nhìn chung trên thế giới số tạp chí hạng cao của khối ngành KHXH&NV, bao gồm các ngành kinh tế - quản lý và luật, cũng ít hơn số tạp chí hạng cao của khối ngành KHTN - kỹ thuật - công nghệ. Vì vậy số lượng bài đăng trên các tạp chí hạng cao của khối ngành KHXH&NV cũng ít hơn. Nếu tính số bài báo ISI bình quân cho một giảng viên, chắc chắn chỉ số này của khối ngành KHXH&NV sẽ thấp hơn khối ngành KHTN - kỹ thuật - công nghệ. Tuy nhiên, để giữ được việc làm ở các trường đại học, mỗi giảng viên ngành KHXH&NV ở trường ĐH của các nước tiên tiến tối thiểu cũng phải có 2 bài báo công bố mỗi năm.

    Do đó, muốn đẩy mạnh công bố quốc tế ở khối ngành KHXH&NV, bao gồm các ngành kinh tế - quản lý và luật, một mặt các giảng viên phải tăng cường đầu tư học ngoại ngữ, học các phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật phân tích hiện đại. Mặt khác, Nhà nước cần có hướng đầu tư nhiều hơn, tương xứng hơn cho nghiên cứu KHXH&NV, và những lĩnh vực, hướng nghiên cứu có thể hòa nhập, tiếp cận với khoa học cùng ngành của thế giới để đẩy mạnh đăng bài quốc tế. Riêng những lĩnh vực/ ngành nhạy cảm về chính trị sẽ có kênh đầu tư riêng phục vụ nhiệm vụ chính trị.

    * GS Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    KHXH&NV luôn gắn với lợi ích quốc gia

     

    Các khối ngành KHXH&NV công bố quốc tế chưa nhiều là do đặc thù của ngành. Trong khi đó, những ngành tạo giá trị chung, nhận thức chung, không có biên giới và không mang tính giai cấp, lợi ích dân tộc như KHTN, khối ngành kỹ thuật thì ở bất kỳ nước nào người ta đều có thể sử dụng, việc công bố nghiên cứu trở nên rộng rãi hơn. Đối với khối ngành KHXH&NV, nó luôn luôn gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, giai cấp. Một vấn đề của KHXH&NV đều được phân tích, lý giải dựa trên lập trường, quan điểm của các quốc gia mà những nhà khoa học đó thuộc về. Chẳng hạn, khi Mỹ và Nga mang quân đội sang Afghanistan, các nhà nghiên cứu đều có những nhận định khác nhau về động thái này của hai quốc gia. Như vậy, cùng một sự kiện, nhưng khi lý giải bản chất, các nhà KHXH&NV có những khác biệt nhất định. Vì nhà nghiên cứu nào cũng phải có nhận thức về lợi ích dân tộc, quốc gia. Nói như vậy không có nghĩa là KHTN, kỹ thuật không có nhưng ở họ nó mờ nhạt hơn. Đi tìm một tiếng nói chung cho lĩnh vực KHXH&NV dường như là điều bất khả. Cho đến cuối cùng, lợi ích quốc gia là lợi ích quốc gia, không bao giờ là lợi ích toàn thế giới.

    Ngoài ra, các giảng viên trong khối KHXH&NV hơi lười viết để công bố quốc tế. Bởi muốn viết cần phải thông thạo ngoại ngữ. Nhìn chung, năng lực ngoại ngữ ở khối XH&NV còn khá yếu. Hơn nữa, về mặt lịch sử, trước đây nhà nước nhìn về vấn đề này còn khá khắt khe, tức mình luôn luôn duy trì một sự khác biệt với nước ngoài. Điều đó gây nên trở lực đối với các nhà nghiên cứu. Bây giờ điểm lại toàn bộ hoạt động KHXH&NV, chúng ta thấy có những lĩnh vực hầu như chưa có một bài nào đăng trên tạp chí quốc tế, chẳng hạn các bài viết xung quanh lịch sử Đảng. Tuy có người đăng, nhưng không đồng quan điểm với cách lý giải của chúng ta.

    Về vấn đề nương tay cho các nhà khoa học thuộc khối KHXH&NV khi xét phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư là không có. Tôi tham gia hội đồng 20 năm rồi, quy định về điều kiện để được phong các chức danh này là chung, không phân biệt là XH&NV hay tự nhiên, kỹ thuật. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, khối ngành KHXH&NV có những đặc thù riêng. Chẳng hạn, với những người hoạt động trong giới nghệ thuật, để đòi hỏi những đầu sách, bài báo khoa học là rất khó. Sản phẩm của họ là những tác phẩm nghệ thuật, nên khi xét cần phải tính đến đặc thù của từng ngành, không thể áp dụng máy móc được. Nhưng đây chỉ là số ít. Nhìn chung, về KHXH&NV không có gì khác biệt với KHTN, kỹ thuật khi xét phong các chức danh khoa học.

    * PGS Nguyễn Đức Lộc - nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

    Cần thay đổi tập quán nghiên cứu

    Sở dĩ khối ngành KHXH&NV khó có bài công bố quốc tế hơn so với khối ngành KHTN - kỹ thuật - công nghệ, theo tôi có nhiều nguyên do. Một trong số đó là tính hội nhập quốc tế, tập quán và quan điểm nghiên cứu. Ta muốn tham gia diễn đàn học thuật quốc tế trước tiên phải tuân thủ các luật chơi của họ. Nghĩa là ta phải đối thoại được với giới học giả quốc tế. Muốn làm được như thế đòi hỏi nhà khoa học phải theo dõi tình hình học thuật thế giới xem họ đang thảo luận vấn đề gì? Ta có thể tham gia diễn đàn học thuật bằng các nghiên cứu nghiêm túc, đúng chuẩn mực để đưa ra những phát hiện mới, cùng thảo luận với cộng đồng học giả. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp như văn phong, lối viết, trích dẫn. Tất cả đều phải tuân theo chuẩn mực vốn được tham chiếu theo chuẩn mực Âu - Mỹ. Trong khi đó, các học giả khối KHXH&NV ở ta vốn quen với việc viết gắn liền phong cách cá nhân và thường ít tuân theo các nguyên tắc kỹ thuật mà tôi đề cập ở trên.

    Chúng ta không nên tư duy theo kiểu thúc đẩy một năm công bố được bao nhiêu bài mà là học giới trong nước có thể góp tiếng nói vào diễn đàn học thuật thế giới hay không? Theo tôi, chúng ta cần từng bước làm theo hai góc độ: Đưa chuẩn mực khoa học từ ngoài (chuẩn mực quốc tế) vào trong và chiều ngược lại đi từ trong (tiếng nói học thuật) ra ngoài. Nghĩa là trước tiên, hệ thống tạp chí, quy cách luận văn, luận án trong nước có thể viết bằng tiếng Việt nhưng đều phải tuân thủ theo các quy tắc học thuật quốc tế. Hiện nay, vấn đề này các trường đại học, tạp chí khoa học chưa thống nhất được, mỗi nơi mỗi vẻ. Tiêu chí đánh giá khoa học cũng cần tuân theo các quy trình bình duyệt phản biện như thế giới đang làm. Ta phải hình thành tập quán nghiên cứu khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Khi làm tốt công việc này từ cấp độ sinh viên đại học thì trong tương lai việc đưa tiếng nói khoa học trong nước ra bên ngoài chỉ còn là vấn đề thời gian.

    MINH CHÂU - PHIÊN AN thực hiện (Bản tin ĐHQG-HCM số 189)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên