Khoa học công nghệ

Đằng sau bức ảnh chụp lỗ đen

  • 03/06/2019
  • Hơn 300 sinh viên, nhà nghiên cứu đến dự buổi nói chuyện về “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” do GS Paul T.P. Ho - Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á làm diễn giả vào sáng 3/6 tại Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM.

    GS Paul T.P. Ho trao đổi với sinh viên tại buổi nói chuyện.

    “Cách đây 40 năm, khi lấy bằng tiến sĩ MIT, việc nghiên cứu lỗ đen là không thể vì nó rất xa, rất nhỏ và rất khó nhưng bây giờ chúng ta đã thấy được lỗ đen” - GS Paul T.P. Ho mở đầu buổi trò chuyện.

    Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á cho biết, lực hấp dẫn tồn tại ở khắp mọi nơi. Đối với lỗ đen, lực hấp dẫn mạnh đến mức ánh sáng không thể thoát ra ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không có thông tin gì về lỗ đen. Tuy nhiên những phát hiện về song hấp dẫn vào năm trước đã bắt đầu vén màn về bí ẩn của lỗ đen.

    Theo GS Paul T.P. Ho bức ảnh chụp lỗ đen được công bố đã có sự can thiệp của thuật toán xóa các hiệu ứng nhỏ trong thiên văn tên là Clean và “hình ảnh mà chúng ta thấy được chỉ là cái bóng của nó”. GS Ho cũng lưu ý, lỗ đen có hai loại nhỏ và lớn chứ không chỉ đơn thuần là lớn. Lỗ đen nhỏ được hình được tạo thành từ sự chết đi của các ngôi sao có khối lượng 5-10 khối lượng mặt trời.

    GS Paul T.P. Ho cho rằng việc chụp ảnh lỗ đen giống việc đặt quả bóng trên mặt trăng và tìm cách quan sát nó.

    “Muốn phân giải được lỗ đen chúng ta phải chọn những nguồn sáng có kích cỡ lớn và đặc biệt là sử dụng giao thoa kế. Để tạo ra giao thoa kế, người ta phải kết hợp nhiều kính thiên văn ở những khu vực khác nhau.Tuy nhiên, kỹ thuật giao thoa kế trong thiên văn vô tuyến với kính thiên văn vô tuyến khác camera quang học. Nó thu, nhận sóng vô tuyến và chuyển ra hình ảnh. Kỹ thuật này dựa vào sự quay của trái đất. Khi trái đất chuyển động, các góc nhìn liên tục bị thay đổi, chúng ta thu được dữ liệu và sau đó chuyển thành hình ảnh. Nguyên lý này khác với những nguyên lý quang học. Từ hình ảnh thu được, chúng ta có thể tính được bán kính, mật độ electron và từ trường của lỗ đen” - Giám đốc đài quan sát Đông Á chia sẻ.

    GS Ho còn cho biết lỗ đen chụp được có mật độ vật chất bằng 1/1000 khối lượng riêng của nước và cách chúng ta khoảng 53 triệu năm ánh sáng.

    “Khối lượng của lỗ đen M87 bằng 6,5 tỉ lần mặt trời. Từ trường của lỗ đen là 3G (Gauss là đơn vị đo từ trường) và khối lượng mà nó hút vào trong là 10-3 khối lượng mặt trời trong một năm. Và kính thiên văn dùng để quan sát có khối lượng gần 100 tấn” - GS Paul T.P. Ho khẳng định.

    Có mặt từ sớm tại buổi trò chuyện, Nguyễn Lê Đăng Khoa - học sinh Trường THCS Nam Sài Gòn - Q7 chia sẻ: “Vì đam mê khoa học vũ trụ từ nhỏ nên em thường xuyên theo dõi các nhóm nghiên cứu thiên văn trên facebook. Em thấy chương trình hôm nay rất bổ ích vì tích lũy được nhiều kiến thức”. Khoa cũng cho biết công việc sau này của em có liên quan đến đam mê thiên văn của mình.

    Tin, ảnh: TẤN ĐỒNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên