Tin tức - Sự kiện

Diễn trình và Giá trị của Nghi lễ Vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ - NCS. Danh Lùng

  • 15/07/2022
  • Tên luận án: Diễn trình và Giá trị của Nghi lễ Vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã số: 62.31.03.10
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Danh Lùng
    Tập thể hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và TS. Nguyễn Khắc Cảnh
    Tên cơ sở đào tạo: Trương Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
    1. Mục đích nghiên cứu: 
    Tìm hiểu thực trạng và sự biến đổi của các nghi lễ vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ hiện nay, cụ thể ở tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tìm ra chức năng, ý nghĩa và giá trị nhân văn được người Khmer Nam Bộ thể hiện trong nghi lễ và cách gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của nghi lễ trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển.
    2. Đối tượng nghiên cứu: 
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ với vấn đề được nghiên cứu là các diễn trình của nghi lễ và giá trị được thể hiện qua các nghi lễ vòng đời người này.
    Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng: 
    Quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, ghi chép thực địa nghiên cứu và so sánh. 
    3. Tóm tắt nội dung luận án: 
    Việc nghiên cứu nghi lễ vòng đời của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ nhằm làm rõ các giá trị của nghi lễ trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển là điều cần thiết. Bởi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, việc nhập cư và di cư,… luôn biến đổi theo sự chuyển mình của đất nước. Sự biến đổi đó sẽ làm thay đổi ít nhiều đến các nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ nói chung và người Khmer các tỉnh-thành nói riêng so với cách đây hàng chục năm về trước. Nghiên cứu thực trạng diễn trình và giá trị thể hiện trong nghi lễ và xu hướng biến đổi có tính lý luận và thực tiễn cao. Vì thông qua đó, không chỉ để hiểu về con người, về phong tục tập quán, về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người Khmer ở Nam Bộ, mà còn giúp chúng ta hiểu cụ thể các nghi lễ vòng đời ngày nay, nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của nghi lễ.    
    4. Các kết quả chính: 
    Nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ đã biến đổi theo thời gian, không gian và hình thức. Không gian sinh đẻ không còn thực hiện ở nhà như trước đây; không gian tang ma như nơi thổ táng hay hỏa táng ít tổ chức ở đất vườn nhà hay ở chân núi như trước đây, ngoại trừ trường hợp nơi không có chùa hoặc trường hợp ở tỉnh Bình Phước, còn lại đa số tập trung ở chùa, vì nhiều chùa đã có lò hỏa táng hoặc có quỹ đất để thổ táng vài năm. Về thời gian thực hiện nghi lễ ngày nay ngắn gọn hơn trước đây, như lễ hạ bếp, lễ đặt tên con trong sinh đẻ đã gộp chung một lễ, không làm khi mới sinh được 3-7 ngày mà chuyển sang làm sau khi sinh được một tháng. Lễ hôn nhân trước đây từ mai mối đến chính thức lễ cưới có thể kéo dài một đến ba năm, ngày cưới chính kéo dài 3 ngày, nhưng ngày nay các nghi thức được rút gọn, một số quy định không còn thực hiện, nên thời gian có thể chỉ vài tháng, lễ cưới chính chỉ còn thực hiện hai ngày. Từ sơ sinh sang trưởng thành, trai gái trẻ không còn để chỏm, cạo chỏm; phụ nữ đến trưởng thành không còn qua nghi thức vào bóng mát, và đối với nam hình thức vào chùa tu học cũng hạn chế. Sự thay đổi trên do thời gian, điều kiện kinh tế và trình độ ngày càng được nâng cao, ngoài ra còn có sự tiếp biến văn hóa từ các dân tộc trong cộng đồng xã hội.
    Qua cách người Khmer thể hiện nghi lễ vòng đời, cho thấy chức năng, ý nghĩa và giá trị của nghi lễ không chỉ được gìn giữ mà còn được bổ sung, hoàn thiện, thiết thực trong cuộc sống. Chuẩn mực của cộng đồng như luật tục và quy định của tôn giáo được thể hiện rõ trong nghi lễ. Việc nghiêm chỉnh thực hiện trong từng nghi lễ đã thể hiện rõ sự truyền thừa giáo dục của cộng đồng đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Mặt khác, tuy nghi lễ vòng đời là của từng cá nhân, nhưng các nghi lễ đều được thực hiện đúng theo văn hóa truyền thống của dân tộc, và có sự đồng cảm, chia sẻ, tham gia của thân nhân và cộng đồng xã hội. Qua đó, tạo nên sự cố kết trong cộng đồng, tinh thần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của tộc người Khmer ở Nam Bộ. Việc thực hiện nghi lễ theo từng giai đoạn, phù hợp với từng hoàn cảnh cá nhân và gia đình là chỗ dựa tinh thần của mỗi cá nhân khi phải chuyển sang một hình ảnh, một vị thế mới theo quy luật sinh học. Qua việc thực hiện nghi lễ, từ hành vi, lễ vật, ngôn từ...đều là chất liệu ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc theo từng nghi lễ, như nghi thức pót si ma trong lễ sinh đẻ, nghi thức buộc chỉ tay, gọi hồn và lơk chey suốs trong lễ đầy tháng, hay nghi thức cắt chỉ buộc tay trong lễ xuất gia, …nó không chỉ có ý nghĩa thiêng liêng, hướng tới cuộc sống mới trong tương lai, mà còn giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần lạc quan tạo nên động lực để vượt qua bế tắc và thích ứng trong cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, giá trị của nghi lễ không chỉ được ổn định mà còn được vun đắp, tô đẹp cho chất lượng sống trong hiện tại và tương lai như, nghi thức gọi hồn, buộc chỉ tay trong sinh đẻ, nghi thức buộc chỉ và cắt chỉ tay trong lễ xuất gia, nghi thức mở hoa cau trong lễ cưới hay nghi thức tu trước ngọn lửa trong lễ tang,…đều hướng con người đến với chân, thiện, mỹ; đặc biệt là sự hòa ái, tính vị tha, trung thực, can đảm, hiếu thảo,…từ đó hình thành nhân cách, có cuộc sống lành mạnh, sống có ích cho bản thân và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, qua việc thực hiện nghi lễ vòng đời dù có thay đổi thời gian và không gian, nhưng vẫn thể hiện rõ tính ổn định về thế giới quan và nhân sinh quan của người Khmer Nam Bộ, điều này càng làm đậm nét tính nhân văn, bản sắc văn hóa của tộc người, từ đó giá trị của nghi lễ cũng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu chất lượng sống tốt cho người Khmer ở Nam Bộ nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.    
    5. Kết luận: 
    Hệ thống và áp dụng lý thuyết ngành dân tộc học vào nghiên cứu trường hợp cụ thể nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, tổng hợp nguồn tài liệu điền dã, đóng góp cho khoa học nguồn tư liệu mới về người Khmer Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu, phân tích, lý giải các giá trị của nghi lễ là nguồn tài liệu tham khảo để hoạch định chính sách hợp lý, là nguồn tài liệu để học tập, nghiên cứu khoa học những vấn đề có liên quan đến nghi lễ vòng đời người Khmer nói riêng và liên quan đến người Khmer Nam Bộ nói chung, đặc biệt là bổ sung vào điều mới còn khiếm khuyết để phù hợp với thời đương đại.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên