Tin tức - Sự kiện

Đời sống kinh tế và xã hội của hộ gia đình làm nghề thủ công tại các làng nghề tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh hiện nay - NCS. Bùi Việt Thành

  • 10/11/2022
  • Tên đề tài: Đời sống kinh tế và xã hội của hộ gia đình làm nghề thủ công tại các làng nghề tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh hiện nay
    Chuyên ngành: Dân tộc học
    Mã số: 9310310
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Bùi Việt Thành
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
    + Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
    Làng nghề thủ công truyền thống có dấu ấn trong đời sống kinh tế và xã hội ở Việt Nam, được quan tâm và đầu tư phát triển trong bối cảnh hiện nay. Sự quan tâm của chính phủ khiến cho làng nghề phát triển hơn so với trước, trở thành một đối tượng nghiên cứu của lịch sử, kinh tế, xã hội học, nhân học, đặc biệt là dân tộc học. Tuy nhiên, các nghiên cứu thường quan tâm đến đối tượng vĩ mô (làng nghề thủ công) mà ít quan tâm đến đối tượng quan trọng, chủ thể của làng nghề, đó chính là hộ làm nghề. Việc lựa chọn đề nghiên cứu về đời sống kinh tế và xã hội của hộ gia đình làm nghề thủ công tại các làng nghề tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Kết quả nghiên cứu góp phần làm rõ đời sống kinh tế của hộ làm nghề, nhóm nghề trong tiến trình phát triển, nhận diện các thách thức, những lựa chọn để bảo đảm an toàn sinh tồn bởi sự tác động của CNH, ĐTH, HĐH, kinh tế thị trường và phong trào nông thôn mới đến kinh tế và xã hội của hộ làm nghề tại Quảng Trị hiện nay.
    + Những kết quả của luận án
    1.    Nhận diện đời sống kinh tế của hộ làm nghề tại các làng nghề thủ công Quảng Trị đã có nhiều thay đổi sau giai đoạn 1986, đặc biệt là sau năm 2010, khi chính quyền tỉnh Quảng Trị có những hỗ trợ bước đầu nhằm phát triển làng nghề thủ công truyền thống. Hoạt động sản xuất, phân phối của hộ hộ làm nghề đã có thay đổi căn bản, giúp sản xuất và đưa sản phẩm đi xa hơn, tuy nhiên cũng chỉ có một số nghề đạt được điều này, còn lại phải dối diện với nhiều thử thách, tác động của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá và nông thôn mới. Nhóm thu nhập cao cũng rơi vào các hộ có được các sản phẩm bán thường xuyên, thuộc nhóm thực phẩm, còn nhóm mỹ nghệ thường rơi vào khó khăn, ít có tích luỹ đầu tư sản xuất lớn. Thu nhập cũng chỉ rõ nhóm thực phẩm tốt hơn, có điều kiện tích luỹ sản xuất, tái đầu tư, và nhờ đó mà có kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa, mua sắm các thiết bị hỗ trợ sản xuất và cuộc sống nhiều hơn. Bức tranh kinh tế - xã hội của hộ làm nghề cho thấy các điều kiện phát triển nhưng thực tiễn lại thể hiện vẫn còn là nền thủ công gia đình, đơn lẽ, thiếu tính hiệp thương để tạo ra sản xuất lớn, có thể cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp.v.v
    2. Làm rõ được đời sống xã hội của hộ làm nghề tại các làng nghề thủ công Quảng Trị đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trước tiên chính là nhìn vào cơ cấu lao động và chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố để hộ làm nghề tiến hành sản xuất và tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh. Lao động vẫn đáp ứng được các yêu cầu sản xuất trong bối cảnh hiện nay, có chất lượng vừa phải đủ đáp ứng các yêu cầu sản xuất mang tính thủ công, không cần tinh xảo, tay nghề cao. Học vấn đạt mức trung bình, đủ tiếp thu các cải tiến về khoa học kỹ thuật, nhưng đòi hỏi trình độ chuyên môn quản lý thì còn thiếu, đó là sự cản trở cho tiến trình phát triển. Lao động làng nghề đối diện với nhiều thách bởi nền sự thu hút các loại hình kinh tế khác trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ. Đô thị hoá tạo ra ảnh hưởng đến tiến trình đô thị hoá nông thôn, đất đai bị thu hẹp, mặt bằng sản xuất gắn với nơi ở nên khó mở rộng sản xuất lớn. Chưa có được các công nghệ xử lý nước thải tạo ra những ảnh hưởng nhất định đối với làng nghề và cộng đồng làng, xảy ra các mâu thuẩn nội tại nhất định.
    3. Mối quan hệ xã hội của hộ làm nghề nặng tính thân tộc, hoạt động dựa trên chữ tín, đây là đặc trưng của xã hội làng nghề thủ công truyền thống. Nhờ đó nghề thủ công được giữ gìn và phát triển qua thời gian. Hơn nữa hệ thống thân tộc, dòng họ tạo mối quan hệ hỗ tương cho hộ làm nghề, và cả nhờ vào các mối quan hệ xã hội mạng lưới xã hội quan phương và phi quan phương để phát triển sản xuất. Nổi bật dù chịu sự tác động của quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn nhưng mối quan hệ xóm giềng, thân tộc, dòng họ không bị phá vỡ.
    4. Mối quan hệ với các tổ chức phi quan phương như hợp tác xã, tổ chức phường hội nghề mờ nhạt, do các hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan, trong đó dấu ấn của thời bao cấp còn hiện diện, nặng hành chính hoá, quan liêu trong hoạt động của hợp tác xã, các tổ chức phương hội khiến cho hộ làm nghề không còn mặn mà tham gia, nhằm tăng sức mạnh liên kết cạnh tranh của hộ làm nghề, sản phẩm thủ công truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
    + Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần vào nhận diện bức tranh đa dạng của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, không chỉ dưới góc nhìn của kinh tế, xã hội mà còn được tái hiện qua góc nhìn của dân tộc học. Luận án còn là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh và cho những ai quan tâm đến đời sống kinh tế và xã hội của người Việt ở Quảng Trị, và Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

    Tệp đính kèm: