Hoạt động xã hội

Muôn chuyện du học sinh Việt Nam giữa tâm dịch COVID-19

  • 30/07/2020
  • Một thân một mình nơi xứ người giữa đại dịch COVID-19, nhiều du học sinh Việt Nam ở các nước rơi vào tình thế khốn khó. Từ sinh hoạt đến học tập đều bị xáo trộn, ước mong trở về quê hương chưa bao giờ xa vời đến thế...

    Hình ảnh được Ngô Thanh Trúc ghi lại trên chuyến bay trở về Việt Nam. Ảnh: NVCC

    Chơi vơi giữa đất khách

    Cuối tháng 2, Hàn Quốc đối mặt làn sóng nhiễm virus SARS-CoV-2 với con số cao kỷ lục 900 ca/ngày. Như nhiều người khác tại xứ Hàn, Ngô Ái Phụng - sinh viên ĐH Sejong, rơi vào trạng thái sốc, hoang mang. Lúc đầu, tại nơi làm thêm của Phụng, chủ quán yêu cầu nhân viên không đeo khẩu trang. Phụng vừa làm vừa nơm nớp lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh do lượng thực khách ra vào quán mỗi ngày khá đông.

    Khi tình hình trở nên phức tạp, điều không mong muốn đã xảy đến với Phụng, nơi làm thêm của cô phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội của chính phủ nước này. Đối với một du học sinh tự túc như Phụng, mất việc làm thêm khiến cô phải cắt giảm mọi chi tiêu.

    “Trong một giây phút nào đó, mình thực sự rất muốn bỏ lại hết mọi thứ ở đất khách rồi về nước nhưng không thể vì giá vé máy bay khá đắt, đành ở lại tích trữ mì gói để ăn qua ngày” - Phụng chia sẻ.

    Tại thủ đô Moscow, tình hình còn tồi tệ hơn khi nơi đây là tâm dịch lớn nhất của Liên bang Nga. Dương Thị Nguyệt - sinh viên Trường Du lịch và Dịch vụ Liên bang Nga, cho biết “Một tuần người dân chỉ được ra ngoài hai lần, mỗi lần 45 phút nên mình phải tận dụng khoảng thời gian ít ỏi đó đi mua đồ ăn tích trữ để nấu trong 3 đến 4 ngày”. Nguyệt đã có trải nghiệm “nhớ đời” khi hai lần trực tiếp đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Lần đầu là khi một sinh viên cùng tòa ký túc xá của cô được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2, ngay lập tức ký túc xá được phong tỏa, cách ly. Mọi chuyện vừa mới được đưa vào tầm kiểm soát thì lần nữa xuất hiện 3 ca dương tính tại ký túc xá. “Mình rất lo lắng, với tình hình này mình không dám chắc đến tháng 9 dịch có kết thúc hay không” - Nguyệt nói.

    Không chỉ gây xáo trộn cuộc sống, đại dịch COVID-19 còn khiến các du học sinh Việt Nam rơi vào cảnh bị kỳ thị. Lê Trung Kiên - ĐH Công nghệ Liên Bang Nga, kể anh đã bị một số người gọi mình là “Coronavirus” hay “thằng châu Á mắc bệnh Corona”.

    “Sự kỳ thị ấy lớn đến mức làm mình không dám đeo khẩu trang mỗi khi lên phương tiện công cộng và khi ở trên trường” - Kiên tâm sự.

    Sang Nga mới hai năm, chưa thành thạo tiếng bản xứ, việc cách ly càng khiến Kiên chơi vơi giữa xứ người, giao tiếp với bạn bè bị hạn chế, việc nghe giảng, tiếp thu bài khi học online cũng khó khăn hơn. Kiên kể thêm: “Ở ký túc xá của mình, mọi người rất thờ ơ, họ không đeo khẩu trang, vô tư đi lại như không có dịch, thậm chí còn tụ tập nói chuyện thành một đám đông. Mình sống trong những ngày lo lắng và sợ hãi thực sự”.

    Dương Thị Nguyệt - du học sinh tại Nga, trong một chuyến du lịch trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

    Hạnh phúc vỡ òa khi trở về

    Hoang mang, sợ hãi, lạc lõng là những gì du học sinh Việt Nam tại các nước đã và đang trải qua trong đại dịch COVID-19. Đó cũng là lúc nỗi nhớ quê hương trong tim những người con xa xứ trỗi dậy.

    “Những ngày dịch ở nhà nhiều, mình cảm thấy rất nhớ Việt Nam. Mình nhớ đồ ăn Việt Nam. Đối với mình, đồ ăn ở đâu cũng không ngon bằng đồ ăn Việt Nam do tự tay mẹ mình nấu. Mình nhớ cả bạn bè, nhớ thời học cấp 3 của mình” - Ái Phụng bồi hồi. Phụng nói thêm cô dù không muốn nhưng phải ở lại vì lo lắng nguy cơ tiềm ẩn lây bệnh khi ra sân bay.

    Tương tự Phụng, ngay khi nghe tin dịch COVID-19 bùng phát ở các nước, Lê Trung Kiên đã có ý định trở về Việt Nam. Đáng tiếc là những chuyến bay tại thời điểm đó rất hiếm và hủy bay liên tục, Kiên đành ở lại Moscow đến tận bây giờ.

    May mắn hơn các trường hợp trên, Ngô Thanh Trúc - học sinh Trường Catholic Central Highschool, đã có chuyến bay về Việt Nam và thực hiện cách ly 14 ngày tại tỉnh Ninh Bình. Trúc cho biết lúc đó tại thành phố Windsor (Canada) nơi cô ở đã có gần 15.000 ca nhiễm, mọi thứ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đầu tháng 4, Việt Nam đóng cửa biên giới, những chuyến bay từ Canada về Việt Nam bị hủy toàn bộ. Nhưng may mắn thay, do thuộc diện trẻ em dưới 18 tuổi, Trúc được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ đón về nước. “Cảm giác lúc đó của mình là hạnh phúc đến muốn khóc. Chuyến bay đó thật sự là một sự kiện quan trọng của đời mình” - Trúc chia sẻ.

    Trong hành trình bay 17 tiếng, Trúc cũng như 297 người khác trên máy bay đều tự bảo vệ bản thân với găng tay, khẩu trang, nước rửa tay và cả đồ bảo hộ. Chuyến bay hạ cánh an toàn, Trúc được đưa về khu cách ly để theo dõi.

    “Được gặp những người Việt Nam thân thương, đặc biệt là các chú bộ đội và các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, mình cảm thấy rất biết ơn và kính trọng họ. Có những người vì chăm lo những người cách ly thế này mà đã mấy tháng không được về nhà gặp vợ con của mình. Sự hy sinh của họ quá lớn lao, mình đã nhận quá nhiều từ Việt Nam” - Trúc xúc động.

    Chuẩn bị trở lại “đường đua”

    Trước những hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 mang lại, nhiều nước đã thực hiện chính sách giãn cách xã hội để hạn chế con đường lây lan. Trường học phải đóng cửa và chỉ online một phần của chương trình. Tận dụng khoảng thời gian nghỉ dịch, nhiều du học sinh đã bắt tay thực hiện nhiều hoạt động có ích.

    Đinh Hoàng Diễm Thụy - ĐH Brookhaven College, chia sẻ: “Ngoài việc tham gia các lớp học online, mình tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc, học đàn và tập thể dục nâng cao sức khỏe. Từ khi qua Mỹ, mình phải đi làm rất nhiều để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Mình thường rủ chị gái nấu các món ăn Việt Nam như phở, bánh xèo, lẩu thái… để phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà”. Bên cạnh đó, Thụy còn tranh thủ thời gian để học thêm kiến thức mới, từng bước hiện thực hóa ước mơ thi đậu vào ngành khoa học thực phẩm của một trường đại học danh tiếng.

    Dịch COVID-19 dù gây ra rất nhiều xáo trộn cho cuộc sống nhưng không làm giảm nhiệt huyết và niềm đam mê của các bạn du học sinh Việt Nam. Đối với Lê Trung Kiên khoảng thời gian này giúp bạn có nhiều cơ hội để bồi đắp tình cảm, quan tâm đến gia đình nhiều hơn:

    “Gia đình mình ở Việt Nam rất lo lắng cho mình ở bên này. Tuy trái múi giờ nhưng ngày nào mình cũng dành nửa tiếng để gọi điện về nhà cho người thân yên tâm. Mình nhận ra nếp nhăn trên trán mẹ ngày càng nhiều, mình biết mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để khi dịch tan, mình sẽ tăng tốc trở lại ‘đường đua’, phấn đấu tiến xa hơn trên con đường học tập.”

    NHƯ QUỲNH - PHƯƠNG MAI (Bản tin ĐHQG-HCM số 200)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên