Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử - NCS. Phan Thị Ngọc Uyên

  • 07/03/2024
  • Tên đề tài: Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 9229001
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Thị Ngọc Uyên
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hà Trọng Thà và TS. Võ Châu Thịnh
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Trong cuộc đời và sự nghiệp cứu nước cứu dân, ông đã để lại cho hậu thế những tư tưởng có giá trị trên nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục, quân sự, ngoại giao… Trong đó, nổi bật nhất và có giá trị to lớn là tư tưởng yêu nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam cần phải gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhằm thực hiện những mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Với tinh thần ấy, việc nghiên cứu tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi sẽ góp phần củng cố và phát huy sức mạnh tinh thần của dân tộc, tạo dựng nguồn lực nội sinh để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
    Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi được hình thành và phát triển từ thực tiễn chống giặc Minh xâm lược, tiến tới xây dựng đất nước trong triều đại Lê sơ. Tư tưởng yêu nước của ông còn là sự kế thừa, dung hợp giữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với các nội dung cốt lõi của tư tưởng Tam giáo phương Đông. Ngoài ra, tư tưởng yêu nước của ông còn chịu sự ảnh hưởng của những nhân tố chủ quan về đạo đức và tài năng của ông.
    Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là hệ thống những quan điểm của ông về quốc gia, dân tộc, về vai trò và sức mạnh của nhân dân, thương yêu nhân dân, tinh thần quyết tâm đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân và hoài bão của ông về xây dựng nước Đại Việt thái bình, thịnh trị trong triều đại Lê sơ. Tư tưởng yêu nước của ông ra đời từ thực tiễn sinh động của hành trình đấu tranh dựng nước và giữ nước vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, phản ánh khát vọng của nhân dân Đại Việt về độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, với tính nhân văn sâu sắc, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi còn phản ánh khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta trong thời kỳ này. Vì vậy, tư tưởng yêu nước của ông không những có giá trị to lớn trong thời đại của ông mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay.
    2. Những kết quả của luận án
    Thứ nhất, trên cơ sở làm rõ điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, những tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan hình thành và phát triển tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi, luận án đã phân tích một cách có hệ thống nội dung cơ bản tư tưởng yêu nước của ông, cụ thể là quan điểm của ông về quốc gia, dân tộc, về nhân dân và lý tưởng xây dựng xã hội thái bình thịnh trị trong triều đại Lê sơ.
    Thứ hai, luận án rút ra đặc điểm cơ bản, ý nghĩa tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi đối với sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh cứu nước, tiến tới xây dựng đất nước triều đại Lê sơ và ý nghĩa của tư tưởng ấy đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Một là, từ việc nghiên cứu một cách có hệ thống nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi, luận án góp phần làm rõ những đóng góp của Nguyễn Trãi vào lịch sử tư tưởng Việt Nam về các vấn đề tinh thần dân tộc, chủ quyền quốc gia, về vai trò và sức mạnh của nhân dân và ý thức giữ gìn nền văn hóa dân tộc.
    Hai là, những ý nghĩa lịch sử được rút ra từ việc nghiên cứu tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc, củng cố sức mạnh nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại ngày nay. Bên cạnh đó, luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên