Tin tổng hợp

Cần đảm bảo tính khách quan, khoa học trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ

  • 31/07/2023
  • Sáng 31/7, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, Đảng ủy ĐHQG-HCM tổ chức Tọa đàm “Công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng bộ tại ĐHQG-HCM - Thực trạng, giải pháp và những vấn đề đặt ra”. Ông Nguyễn Võ Cường - Trưởng Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, đã đến dự.

    PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐHQG-HCM nhấn mạnh yêu cầu về tính khoa học và khách quan của công trình.

    Tọa đàm nhằm làm rõ thực trạng về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ của các đơn vị; trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Từ đó, tạo căn cứ đề xuất với Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG-HCM chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn và lan tỏa lịch sử Đảng bộ ĐHQG-HCM và các đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM bằng phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

    Tọa đàm lắng nghe sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/ĐU ngày 19/2/2021 của BCH Đảng bộ ĐHQG-HCM về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng trong Đảng bộ ĐHQG-HCM. 

    Một số kết quả đạt được như Văn phòng Đảng ủy ĐHQG-HCM chủ động phối hợp với Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM thực hiện đề tài nghiên cứu, biên soạn lịch sử hơn 25 năm của Đảng bộ ĐHQG-HCM giai đoạn 1995-2020. Đề tài đã hoàn chỉnh đề cương chi tiết và đang sưu tầm, xác minh được một số lượng tương đối lớn các nguồn tài liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn. Các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM cũng đã tích cực triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống của đơn vị mình.

    Các đại biểu đã lắng nghe 2 tham luận: “Một số vấn đề về quy trình và nội dung nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ trường đại học” của TS Lê Hữu Phước, giảng viên Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV; “Một số vấn đề sưu tầm và xử lý tư liệu khi biên soạn lịch sử Đảng bộ trường đại học” của PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV. GS.TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm biên soạn lịch sử Đảng bộ tại tọa đàm.

    Theo TS Lê Hữu Phước, để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, cần thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên soạn và Ban sưu tầm tư liệu. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo quá trình nghiên cứu, biên soạn, chỉ đạo tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến của nhân chứng lịch sử, thẩm định và kết luận những vấn đề khoa học và chính trị trước khi xuất bản, chịu trách nhiệm xuất bản.

    TS Phước lưu ý trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ trường đại học, vừa phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định chung, vừa phải chú trọng thể hiện các nội dung mang tính đặc thù của nhà trường. Công trình nghiên cứu, biên soạn cần thể hiện rõ tinh thần khoa học để đạt được mục tiêu giáo dục tư tưởng, phục vụ mục đích chính trị có hiệu quả cao nhất trong môi trường học thuật.

    Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Võ Cường - Trưởng Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy, cho rằng các đơn vị nên tham vấn chuyên gia trong lĩnh vực này để triển khai một cách hiệu quả và khoa học, tránh lãng phí nguồn lực và công sức.

    Kết luận tọa đàm, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐHQG-HCM, nhấn mạnh việc đảm bảo tính khoa học và khách quan của công trình lịch sử Đảng bộ là yêu cầu trên hết. Ngoài ra khi xử lý dữ liệu, cần chú ý sử dụng các phương pháp chuyên ngành đặc thù của công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ.

    Toàn cảnh tọa đàm.

    Tin, ảnh: LÊ HOÀI